(HBĐT) - Nhận thấy trên thị trường sản phẩm rau, củ, quả không đáp ứng đủ nhu cầu, anh Bùi Hùng Bạo ở xóm Cò, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) đã vận động 20 hộ dân chung tay thành lập mô hình hợp tác xã (HTX) rau củ quả. Hoạt động của HTX đã đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết nhu cầu của người dân địa phương.
Các sản phẩm của HTX rau củ quả xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP...
Từ 5 năm trước, hoạt động sản xuất tại xã Nhân Mỹ trồng lúa là chính, nguồn cung cấp rau, củ, quả chủ yếu từ các hộ gia đình nhỏ lẻ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Bên cạnh đó, trồng lúa cũng không đem lại hiệu quả kinh tế, giá trị chưa cao. Nhận thấy điều đó, anh Bạo vận động các hộ dân góp đất và tiền để phát triển các loại thực phẩm phục vụ nhu cầu người dân. Thời gian đầu, việc sản xuất còn manh mún, anh Bạo đứng ra thành lập tổ hợp tác với 11 hộ tham gia sản xuất. Đến tháng 4/2022, HTX rau củ quả xã Nhân Mỹ chính thức được thành lập với 20 thành viên, tổng diện tích đất sản xuất khoảng 14ha. Sản phẩm chủ yếu của HTX gồm các loại rau củ quả, được trồng theo mùa vụ để đảm bảo cây giống phát triển tốt nhất. Mùa hè trồng bí đỏ, bí xanh, dưa chuột, mướp đắng, mùa đông trồng các loại rau như bắp cải, su hào...
Mỗi năm HTX sản xuất 3 vụ, không sản xuất chuyên canh vì điều kiện khí hậu nóng, không sản xuất được quanh năm nên phải trồng thay đổi theo mùa vụ để cải tạo đất liên tục. Các sản phẩm cây trồng của HTX đều được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP..., chủ yếu cung cấp phục vụ người dân trong địa bàn xã, huyện và bán buôn ra các chợ đầu mối tại Hà Nội. HTX đã thông qua mạng xã hội như facebook, zalo... để quảng bá sản phẩm, thu hút nhiều người quan tâm, mở rộng thị trường. Năm 2022, doanh thu của HTX khoảng 2 tỷ đồng. Thu nhập trung bình của các hộ tham gia HTX khoảng 50 - 60 triệu đồng/1.000 m2 đất/năm, so với trồng lúa cao gấp 20 - 30 lần.
Anh Bạo chia sẻ: "Để làm được như thời điểm bây giờ tôi cũng trải qua nhiều khó khăn. Thời gian đầu nguồn vốn chưa có, chưa ổn định. Trong quá trình làm bà con chưa có kinh nghiệm sản xuất, chủ yếu học qua nhau, chưa được tham gia các lớp tập huấn để phát triển sản xuất. Thời tiết, khí hậu khô hạn, chưa đầu tư được hệ thống tưới tiêu cũng làm công việc sản xuất của bà con thêm vất vả hơn. HTX cũng không liên kết với các công ty vì không sản xuất chuyên canh do điều kiện khí hậu địa phương không sản xuất được quanh năm, phải trồng thay đổi theo mùa vụ. Trong quá trình làm tôi luôn quan sát và để ý thời vụ, chủ trương "mùa nào thức đó”, tránh sản xuất trùng vụ ở các vùng lớn như Yên Thủy, Kim Bôi để có thể xen kẽ cây trồng, từ đó hàng hóa dễ tiêu thụ, tránh tình trạng dư thừa sản phẩm trên thị trường”.
Ngoài các sản phẩm chính từ rau củ quả, HTX đang phát triển thêm về thủy sản với tổng diện tích ao cá khoảng 5.000 m2 nuôi cá dầm xanh. Anh Bạo chia sẻ thêm: "Cá dầm xanh là loài cá có giá trị cao, thịt thơm ngon nhưng lại lớn chậm, để xuất ra các thị trường lớn với số lượng lớn hàng năm hiện tại vẫn chưa đủ, chủ yếu cung cấp bán lẻ. Nguyên nhân do thiếu diện tích ao và cá có tốc độ phát triển chậm hơn so với các loại cá khác. Nuôi đến khoảng 3 kg cá sẽ bị chững, phải mất thêm 3 - 4 năm mới tăng trưởng tiếp. Mỗi con cá dầm xanh dưới 3kg bán với giá 250.000 đồng/kg, trên 3kg giá bán cao hơn, khoảng 350.000 đồng/kg. Hiện sản phẩm cá dầm xanh đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao”.
Đồng chí Bùi Văn Luyện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhân Mỹ cho biết: "Mô hình HTX rau củ quả của anh Bạo là mô hình HTX tiêu biểu trên địa bàn. Thời gian tới, Hội Nông dân xã chung tay cùng HTX trong việc mở rộng diện tích, hỗ trợ hộ dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, tuyên truyền, vận động người dân học hỏi, áp dụng theo mô hình. Từ đó giúp phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.
Hoàng Dương