Tình trạng sử dụng thuốc trừ cỏ vẫn diễn ra ở một số địa phương trong tỉnh. Ảnh chụp tại xã Trung Thành (Đà Bắc).
Xử lý chất thải là một trong những vấn đề khó trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Mặc dù là nghề đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ nhưng thực tế chăn nuôi vẫn tồn tại nhiều bất cập. Một trong số đó là thực trạng còn nhiều chuồng trại nằm trong khu dân cư. Chăn nuôi lợn là một trong những nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nếu người chăn nuôi không có giải pháp xử lý chất thải triệt để. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện nay, 100% cơ sở chăn nuôi quy mô lớn đều có công trình xử lý chất thải, nước thải. Đối với chăn nuôi nông hộ, tỷ lệ hộ gia đình có hầm biogas mới chiếm hơn 20%.
Gia đình ông Bùi Văn Nhọ, xóm Khoang, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) duy trì chăn nuôi lợn hơn chục năm qua với quy mô trên 50 lợn nái và khoảng 300 lợn thịt/lứa. Theo ông Nhọ, ngay từ khi bắt tay vào chăn nuôi, gia đình đã xác định phải xử lý được chất thải nên đã đầu tư xây dựng hầm biogas. "Ở địa phương vẫn còn nhiều hộ chỉ đào hố chứa nước thải, chất thải từ chăn nuôi nên khi mưa xuống hoặc nắng to rất ô nhiễm. Còn đầu tư hầm biogas vừa giải quyết được vấn đề môi trường, vừa có chất đốt”, ông Nhọ cho biết.
Đúng như chia sẻ của ông Nhọ, hiện nay, ở nhiều khu vực nông thôn trong tỉnh, vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi chưa được chú trọng. Biogas là một trong những giải pháp để đảm bảo môi trường, phù hợp với chăn nuôi ở quy mô nông hộ. Tuy nhiên, những hố chứa nước thải, chất thải lộ thiên nằm bên cạnh chuồng trại vẫn là hình ảnh phổ biến của chăn nuôi nông hộ. Với điều kiện chăn nuôi như vậy không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ xung quanh, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các dịch bệnh gây thiệt hại cho người dân.
Nếu chăn nuôi vẫn còn nhiều bất cập thì ngành trồng trọt hiện cũng có những lo ngại về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt ở các xã vùng cao còn tình trạng sử dụng thuốc trừ cỏ. Như ở vùng cao Đà Bắc, nhiều hộ vẫn phun thuốc trừ cỏ để làm nương trồng ngô. "Với diện tích lớn như này, nếu dùng sức phát cỏ thì sẽ mất nhiều thời gian nên vẫn phải phun thuốc. Chúng tôi đeo khẩu trang, găng tay, đi ủng để hạn chế độc hại”, đó là chia sẻ của chị Xa Thị Q., một người dân ở xã Trung Thành (Đà Bắc).
Bên cạnh đó, việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV cũng cần được chú trọng hơn. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh có hơn 1,5 nghìn bể chứa bao gói thuốc BVTV, phần lớn được lắp đặt, xây dựng ở các khu vực sản xuất trồng trọt tập trung, gần trục giao thông nội đồng và thuận tiện cho người dân khi sử dụng thuốc. Số lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã thu gom vào các bể chứa hàng năm chiếm khoảng 15% tổng số lượng bao gói thuốc BVTV toàn tỉnh. Số còn lại hầu hết được người sản xuất gom lại ngay tại cơ sở sản xuất, đặc biệt trên diện tích trồng cây ăn quả, cây rau và đốt tiêu hủy.
Cũng theo đánh giá của Sở NN&PTNT, hiện chất thải rắn nói chung, bao gói thuốc BVTV, thuốc thú y, thức ăn gia súc được thu gom vào các bể chứa đã đầy nhưng chưa có kinh phí cho việc vận chuyển, xử lý, dẫn đến tình trạng nhiều bể chứa quá tải, không có kho lưu chứa. Do vậy, người dân phải tự xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt, gây ô nhiễm. Trước thực tế đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường đến người dân; triển khai các giải pháp để đẩy mạnh việc xử lý triệt để rác thải trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.