(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh triển khai nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh nhiều khó khăn khi hậu quả dịch Covid-19 còn tác động sâu sắc đến đời sống KT-XH. Tình hình kinh tế - chính trị thế giới biến động nhanh, khó lường, phức tạp, đặc biệt cuộc xung đột Nga - Ucraina đã gây gián đoạn, đứt gãy trong chuỗi cung ứng, lạm phát lan rộng toàn cầu, tạo áp lực lên sản xuất, kinh doanh.


Công ty CP Lạc Thủy đóng trên địa bàn xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách.

Cùng với đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa ít, lưu lượng nước về hồ thủy điện quá ít so với cùng kỳ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng sản xuất điện của Nhà máy thủy điện Hòa Bình - lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GRDP ngành công nghiệp cũng như đóng góp  vào số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của tỉnh.

Ngoài ra, thị trường bất động sản những tháng đầu năm trầm lắng; năng lực của một số nhà đầu tư còn yếu; công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng nhiều dự án vướng mắc, dẫn tới thu tiền sử dụng đất gặp rất nhiều  khó khăn. 

Các vấn đề nêu trên được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt thấp. Thu NSNN khó khăn, không đạt chỉ tiêu, dẫn đến nguồn lực đầu tư cho phát triển gặp rất nhiều trở ngại.

Năm 2023, dự toán thu NSNN của tỉnh được Chính phủ giao 5.305 tỷ đồng; HĐND tỉnh giao 7.285 tỷ đồng. Cụ thể, thu xuất nhập khẩu được Chính phủ và HĐND tỉnh giao 385 tỷ đồng; thu nội địa Chính phủ giao 4.920 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 6.900 tỷ đồng. Theo số liệu báo cáo của Ban chỉ đạo đôn đốc thu, nộp NSNN tỉnh, tính đến ngày 20/7, tổng số thu của tỉnh khoảng 1.986,5 tỷ đồng, mới đạt 27,3% dự toán HĐND tỉnh, trong đó, thu xuất nhập khẩu khoảng 131 tỷ đồng, đạt 41,6% dự toán HĐND tỉnh; thu nội địa khoảng 1.855,5 tỷ đồng, đạt 26,9% dự toán HĐND tỉnh. Đặc biệt trong số thu nội địa thì thu tiền sử dụng đất mới thực hiện khoảng 121,3 tỷ đồng, chỉ đạt 3,5% dự toán HĐND tỉnh (HĐND tỉnh giao 3.500 tỷ đồng).

Có thu thì mới có chi, nhất là đầu tư vào các dự án trọng điểm vốn NSNN để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh 6 tháng đầu năm tăng trưởng của tỉnh chỉ đạt 0,73%, là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.

Thực tế cho thấy nguồn thu của tỉnh chưa bền vững, phụ thuộc lớn vào Nhà máy thủy điện Hòa Bình và thu từ tiền sử dụng đất. Do vậy, khi tình hình khô hạn, sản lượng phát điện thấp và thị trường bất động sản trầm lắng đã tác động trực tiếp đến kết quả thu NSNN. 

Do vậy, đa dạng hóa nguồn thu tạo ra sự đóng góp của các thành phần kinh tế làm cho nguồn thu ngày càng tăng lên, bảo đảm ổn định lâu dài; đồng thời mở rộng nguồn thu, bảo đảm thu đúng, đủ và bền vững. Tăng trưởng thu NSNN bền vững theo hướng ưu tiên đầu tư vào các dự án, công trình phục vụ phát triển KT-XH nhưng có khả năng tiếp tục tái tạo nguồn thu; xác định thu NSNN từ doanh nghiệp (DN), HTX, dự án đầu tư là chính và lâu dài, vì vậy cần tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho DN, HTX, dự án đầu tư hoạt động có hiệu quả để nuôi dưỡng nguồn thu… Đây là quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy đã và đang được các cấp, ngành tích cực thực hiện.

Song, trước mắt để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 là hết sức khó khăn. Xa hơn là thực hiện mục tiêu thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là con đường còn xa và không dễ dàng. Chính vì vậy, ngoài sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc đề ra các giải pháp để tạo và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững thì rất cần đến tinh thần và sức mạnh từ phong trào thi đua (PTTĐ) của các cấp, ngành, cộng đồng DN và người dân.

Theo đó, mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND về việc tổ chức phong trào "Thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu, nộp NSNN; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ để triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2023 - 2025”. Mục đích nhằm tập trung sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Hòa Bình. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN được giao hàng năm và đến năm 2025. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ để khởi công, triển khai hoàn thành các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, DN, các cụm, khối thi đua tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về nhiệm vụ thu ngân sách, triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh; căn cứ các nội dung của Kế hoạch để ban hành văn bản triển khai và tổ chức thực hiện đảm bảo có hiệu quả PTTĐ. Có các hình thức tuyên truyền phù hợp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức; tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị quyết tâm triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả PTTĐ. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương với việc triển khai thực hiện và kết quả thực hiện PTTĐ…

Bình Giang

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục