ĐINH CÔNG SỨ 
PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH 

(HBĐT) - Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Việc chăm lo cho đồng bào các dân tộc thiểu số là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo lý truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã triển khai trong những năm qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang đổi thay đáng kể trên nhiều lĩnh vực.


Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra việc thực hiện các chính sách dân tộc tại xã Bình Thanh (Cao Phong). Ảnh: P.V

Tỉnh Hoà Bình có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, là miền đất của sử thi "Đẻ đất, đẻ nước” với nền văn hoá Hoà Bình nổi tiếng, nơi sinh sống của các dân tộc chủ yếu là Mường, Kinh, Dao, Tày, Thái, Mông… Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hoá độc đáo và tốt đẹp, song cùng có điểm chung là đức tính cần cù, chịu khó, giàu lòng nhân ái, luôn đoàn kết và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quyết tâm xoá bỏ cái cũ lạc hậu xây dựng cái mới tiến bộ, văn minh, từng bước đưa tỉnh Hoà Bình đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện. Cụ thể, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 12,99%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/người; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% con em các xã được đến trường đúng độ tuổi và người dân được đảm bảo tiếp cận các dịch vụ y tế; toàn tỉnh đã có 73 xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Có được kết quả đáng tự hào đó, phải kể đến những nỗ lực vượt bậc của đội ngũ những người làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. 20 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc không ngừng nỗ lực, học tập, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành giải quyết thấu đáo các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào của ngành Dân tộc đã có nhiều đổi mới với nội dung, hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với trình độ nhận thức, tâm lý và phong tục, văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình, dự án phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh triển khai một cách bài bản, thiết thực, hiệu quả và có trọng tâm, trọng điểm. Nhờ đó, ngày càng có nhiều xã đông đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Công tác giúp đỡ các xã vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được quan tâm thực hiện. Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tham gia giúp các hoạt động diễn ra phong phú ở nhiều lĩnh vực, giúp bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa ngày càng phát triển. Các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tính lan toả mạnh mẽ, thực sự trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, rộng khắp. Qua đó góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với cấp uỷ Đảng, chính quyền.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là rất nặng nề, đòi hỏi Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà cần nhiều cố gắng hơn nữa. Tỉnh ta đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, số xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn dưới 30% tổng số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người các xã đặc biệt khó khăn đạt trên 25 triệu đồng/năm. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, trong đó có vai trò rất lớn của ngành Dân tộc.

Quán triệt đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, ngành Dân tộc cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc. Cụ thể hoá bằng các chương trình, đề án nhằm tập trung xây dựng vùng dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh về kinh tế, văn hoá, xã hội, vững mạnh về quốc phòng - an ninh. Nâng cao trình độ dân trí, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc.

Hai là, tập trung đầu tư phát triển KT - XH các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Trọng tâm là thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến nông, lâm sản giúp đồng bào ổn định sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ba là, tăng cường củng cố hệ thống chính trị, xây dựng và giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc.

Bốn là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển văn hoá, giáo dục. Thực hiện tốt các chính sách cử tuyển đào tạo con em dân tộc để sau này trở về địa phương công tác; nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số. Làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Nâng cao hơn nữa công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm là, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, kịp thời đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại âm mưu phá hoại, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch.

Với những nỗ lực, ý chí, quyết tâm vươn lên của ngành Dân tộc trong 20 năm qua, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, cán bộ, công chức ngành Dân tộc trong tỉnh sẽ cố gắng, nỗ lực phấn đấu để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nghị quyết đề ra, góp phần xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển về kinh tế, đa dạng về văn hoá, đảm bảo về an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Các tin khác


Huyện Lương Sơn siết chặt công tác quản lý đất đai, xây dựng

(HBĐT) - Huyện Lương Sơn được xác định là hạt nhân vùng động lực kinh tế của tỉnh, có điều kiện phát triển nhanh, song cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng (TTXD). Nhiều năm nay, huyện tăng cường công tác quy hoạch, quản lý đất đai, TTXD, tập trung rà soát, xử lý những vi phạm về lĩnh vực này. Từ đó, từng bước đưa công tác quản lý nhà nước (QLNN) về đất đai, xây dựng vào nền nếp.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó mưa lũ, sạt lở tại khu vực Tây Nguyên

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 725/CĐ-TTg yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và các địa phương khác ở khu vực Tây Nguyên tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Ban hành quy chế xây dựng hệ thống dữ liệu về nhà ở, thị trường bất động sản 

(HBĐT) - UBND tỉnh ban hành Quyết định số 21/2023/QĐ-UBND, ngày 1/8/2023 về việc ban hành Quy chế phối hợp xây dựng, duy trì hệ thống thông tin chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. 

Khó khăn xây dựng nông thôn mới ở xã Ngọc Sơn

(HBĐT) - Những năm qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và nhận được sự đồng lòng, góp sức của cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nhiều tiêu chí NTM của xã còn khó khăn, vướng mắc.

127 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn

(HBĐT) - Theo Sở Công Thương, đến nay, toàn tỉnh có 127/129 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, chiếm 98,45%.

Lãnh đạo thành phố Hoà Bình đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã

(HBĐT) - Ngày 3/8, UBND TP Hoà Bình tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) nhằm trao đổi thông tin, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Tham dự có gần 150 đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành liên quan; lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, các phường, xã, phòng chuyên môn trực thuộc UBND thành phố; chuyên gia kinh tế và đại diện các DN, HTX.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục