(HBĐT) - Trong 8 tháng, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của tỉnh ước thực hiện 2.238 tỷ đồng, đạt 32,4% dự toán HĐND tỉnh, bằng 71% so với cùng kỳ năm 2022. Để phấn đấu hoàn thành dự toán HĐND tỉnh giao cả năm là 6.900 tỷ đồng, trong 4 tháng cuối năm phải thực hiện thu khoảng 4.662 tỷ đồng, bình quân khoảng 1.165,5 tỷ đồng/tháng, tăng gấp 4 lần so với thu bình quân 8 tháng (khoảng 279,8 tỷ đồng/tháng). Theo Cục Thuế tỉnh, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và thực hiện trong bối cảnh nhiều áp lực.


Trước áp lực thu ngân sách Nhà nước 4 tháng cuối năm 2023, ngành Thuế sẽ chú trọng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, từ đó hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Trong ảnh: Công ty TNHH GGS Việt Nam (Khu công nghiệp bờ trái sông Đà) hoạt động hiệu quả và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Kinh tế khó khăn, nhiều khoản thu sụt giảm sâu

Tại huyện Lương Sơn - hạt nhân vùng động lực kinh tế của tỉnh, kết quả thu NSNN những tháng đầu năm sụt giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022 và so với dự toán tỉnh giao. Tính đến ngày 15/8, số thu mới đạt khoảng 15% dự toán tỉnh giao. Trong đó, nguồn thu tiền sử dụng đất (SDĐ) do cấp tỉnh thực hiện mới đạt 1,5% dự toán; nguồn thu tiền SDĐ cấp huyện cũng chỉ đạt 1,8% dự toán tỉnh giao.

Hụt thu NSNN cũng là tình trạng chung của toàn tỉnh. Trong số những khoản thu sụt giảm sâu, đáng lo ngại nhất là các khoản thu từ đất. 8 tháng qua, thị trường bất động sản chưa thoát khỏi tình trạng "đóng băng” nên tạo áp lực lớn lên nhiệm vụ thu NSNN đối với các khoản thu từ đất, trong khi đây là nguồn thu trọng tâm, chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu NSNN của tỉnh (khoảng 50,7%). Thống kê trong 8 tháng, thu tiền SDĐ thực hiện khoảng 131 tỷ đồng, chỉ bằng 15% so với cùng kỳ. Trong khi đó, HĐND tỉnh giao dự toán thu tiền SDĐ năm 2023 là 3.500 tỷ đồng. Như vậy, mức thu 8 tháng chỉ đạt 3,7% dự toán HĐND tỉnh giao.

Nhìn lại tình hình KT-XH 8 tháng có thể thấy nhiều khó khăn, thách thức, tạo áp lực lớn cho nhiệm vụ thu NSNN: GRDP của tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra; ảnh hưởng hạn hán dẫn đến sản lượng điện đạt thấp, chỉ bằng 66,9% so với cùng kỳ; thị trường bất động sản trầm lắng; Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ phục hồi, phát triển KT-XH nên NSNN giảm thu khoảng 260 tỷ đồng…

Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều thách thức, cơ quan Thuế đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp; tăng cường rà soát, quản lý kịp thời các nguồn thu phát sinh. Trong 8 tháng đã thực hiện 175 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện truy thu cho ngân sách khoảng 28,5 tỷ đồng. Cùng với đó, ngành Thuế đẩy mạnh đôn đốc nợ và cưỡng chế nợ thuế, qua đó giảm khoảng 232 tỷ đồng tiền thuế nợ năm 2022 chuyển sang… Kết quả, thu NSNN 8 tháng ước thực hiện 2.238 tỷ đồng, đạt 32,4% dự toán HĐND tỉnh, bằng 71% cùng kỳ năm 2022. Trong đó, một số khoản thu đạt tỷ lệ cao so với dự toán HĐND tỉnh giao: Thu xổ số đạt 119%; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương đạt 93,8%; thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 82,9%; thu thuế công thương nghiệp - ngoài quốc doanh đạt 76,6%; thu từ thuế, phí đạt 62% dự toán HĐND tỉnh, bằng 92,5% so với cùng kỳ...

Nhiều áp lực trong 4 tháng cuối năm

Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, mức thu NSNN 8 tháng qua là đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều áp lực dồn lên nền kinh tế và chi phối hiệu quả SX-KD của người nộp thuế. Tuy nhiên, cũng qua kết quả này có thể thấy áp lực rất lớn dồn vào 4 tháng cuối năm khi phải thu khoảng 4.662 tỷ đồng, trong khi tình hình KT-XH nhìn chung chưa có nhiều cải thiện.

Trước áp lực rất lớn này, cơ quan Thuế đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường hoạt động Ban Chỉ đạo đôn đốc thu, nộp NSNN tỉnh và các huyện, thành phố theo định kỳ, qua đó kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đấu giá đất, dự án thu tiền SDĐ, dự án thuê đất... Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chủ trì cùng các ngành làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, giúp các doanh nghiệp có nguồn lực để vừa duy trì hoạt động SX-KD vừa thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Đồng chí Vũ Hồng Long, Cục trưởng Cục Thuế nhấn mạnh: Thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều áp lực, ngành Thuế xác định tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý thu. Trong đó, kiên quyết triển khai các biện pháp đôn đốc, xử lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, phấn đấu đạt chỉ tiêu Tổng cục Thuế và UBND tỉnh giao (8% trên tổng thực thu NSNN). Tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện các biện pháp đôn đốc, xử lý nợ, cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin đối với các trường hợp nợ lớn, kéo dài, nợ tiền SDĐ, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu NSNN, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, sắc thuế, qua đó xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời quản lý; đồng thời kiến nghị với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ngành ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu. Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong chỉ đạo quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhằm chống thất thu cả về số lượng người nộp thuế, doanh thu và tiền thuế…

Đặc biệt, ngành Thuế tiếp tục triển khai các chính sách nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển SX-KD, đảm bảo tất cả người nộp thuế thuộc đối tượng đều được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách, tạo nguồn lực giúp người nộp thuế phát triển SX-KD, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN... 


Thu Trang


Các tin khác


124 xã đạt tiêu chí số 16 về văn hóa

(HBĐT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, toàn tỉnh có 124/129 xã đạt tiêu chí số 16 về văn hóa.

Cứng hóa trên 95 km đường giao thông nông thôn

(HBĐT) - Theo Sở Giao thông vận tải, thực hiện Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh cứng hóa trên 95 km đường GTNT trong năm 2023 với tổng kinh phí ngân sách cấp 43.476 triệu đồng.

Tăng tốc, trách nhiệm nửa cuối nhiệm kỳ

(HBĐT) - Cùng với cả nước, tỉnh Hòa Bình đi qua nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng với nhiều gian khó. Đặc biệt có khó khăn chưa có trong tiền lệ đó là tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 lên mọi mặt đời sống xã hội, để lại hệ lụy rất lớn mà theo nhận định thì sự phục hồi không chỉ tính trong một vài năm. Rồi sự trở ngại kéo dài do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng khô hạn và các loại hình thiên tai khác. Thêm nữa là xung đột vũ trang ở một số quốc gia, khu vực trên thế giới khiến cho biến động về địa chính trị, địa kinh tế, nhất là sự ảnh hưởng về vấn đề năng lượng, lương thực và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu… Khó khăn nối tiếp khó khăn làm kéo giảm sự phát triển KT-XH là không thể tránh khỏi, nhất là đối với tỉnh miền núi nghèo, xuất phát điểm thấp như Hòa Bình.

Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng

Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt kết luận của Thường trực Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023.

Thúc đẩy sản xuất vụ đông và kết nối tiêu thụ nông sản 

(HBĐT) - Ngày 18/8, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị thúc đẩy sản xuất vụ đông và kết nối tiêu thụ nông sản năm 2023; Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục