Với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, nguồn thức ăn cho vật nuôi dồi dào, những năm gần đây, nghề nuôi dê được nhiều hộ ở xã Hưng Thi (Lạc Thủy) đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định.


Mô hình nuôi dê của ông Bùi Văn Nểnh, xóm Trâm, xã Hưng Thi (Lạc Thủy) cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Dê có nhiều ưu điểm so với các loại vật nuôi khác như khả năng kháng bệnh cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt; nuôi dê chi phí đầu tư ban đầu ít, không tốn nhiều tiền mua thức ăn, tận dụng các loại lá cây có sẵn trong vườn nhà và phụ phẩm nông nghiệp. Dê được nuôi dưỡng tốt sau 10 tháng bắt đầu sinh sản. Một năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 - 3 con, sau 6 - 7 tháng có thể xuất bán, trọng lượng mỗi con đạt 20 - 30 kg. Dê Lạc Thủy đã có thương hiệu từ lâu, do vậy việc tiêu thụ tương đối ổn định, chủ yếu bán trong địa bàn huyện và tỉnh Ninh Bình, Hà Nam... 

Đồng chí Lương Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Hưng Thi cho biết: "Toàn xã có trên 40 hộ nuôi với trên 750 con dê, hộ ít nuôi 10 - 20 con, nhiều hộ có đàn dê hàng trăm con... Nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, xã đã triển khai các gói vay vốn tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc dê, phòng ngừa dịch bệnh cho bà con. Từ phát triển nuôi dê, đời sống kinh tế của bà con khởi sắc hơn, tạo việc làm, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Thăm khu nuôi dê của gia đình ông Bùi Văn Nểnh, xóm Trâm, một trong những hộ nuôi dê nhiều nhất xã. Ông Nểnh cho biết: "Gia đình tôi nuôi dê đến nay gần 20 năm. Khởi đầu từ nuôi 4 con, chuồng trại còn sơ sài, chưa có kinh nghiệm nên có lúc gặp thiệt hại, dê bị ốm, chết. Sau đó tôi tham gia các lớp tập huấn, học hỏi qua sách, báo, mạng internet, tham quan các mô hình ở địa phương lân cận. Chăn nuôi theo hình thức vừa nuôi nhốt kết hợp bãi chăn thả để đàn dê nhanh lớn, thịt dê đảm bảo chất lượng, được thị trường đón nhận tích cực. Đến nay, khu nuôi dê của gia đình có trên 200 con, giá bán ổn định 150.000 - 160.000 đồng/kg hơi, sau khi trừ chi phí đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm”.
 
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dê, ông Nểnh cho biết: Nguồn thức ăn của dê khá phong phú. Hàng ngày, khi mặt trời lên cao, cây cỏ hết ướt sương mới đi cắt lá cho dê ăn để tránh dê bị nhiễm lạnh từ thức ăn, dễ ốm, đến chiều tối lùa từ bãi thả vào chuồng. Dê là loài tạp ăn, nhiều loại lá cây và cả phế phụ phẩm nông nghiệp chúng đều có thể ăn được, cần chú ý nhặt bỏ những lá úa, phụ phẩm nông nghiệp có phần bị hỏng, lên men tránh ảnh hưởng tới đường tiêu hóa của dê. Chuồng trại phải thông thoáng, sạch sẽ, tránh nắng nóng, sàn cách mặt đất khoảng 1m vì loài dê không ưa độ ẩm cao, nhất là thời tiết có mưa phùn, lạnh dê rất dễ ốm. Phía trước chuồng nuôi cần có một khoảng đất trống để quản lý, theo dõi đàn dê, cho ăn, phối giống và phòng trị bệnh. Mùa đông cần che chắn chuồng trại kín đáo, phun khử khuẩn sớm từ 1 - 2 tháng trước thời điểm thời tiết ẩm, tránh dịch bệnh. Nuôi dê không mất công chăn thả, ít bị lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài, chất thải từ dê còn tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Nghề nuôi dê phù hợp với địa bàn, bởi địa hình xã có khí hậu thuận lợi, ôn hòa, nhiều bãi bằng, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, chi phí cho thức ăn chăn nuôi tương đối thấp, hiệu quả kinh tế cao. Do dê Lạc Thủy đã thành thương hiệu từ lâu, nhu cầu tiêu thụ dê thịt lớn, thương lái các tỉnh, thành phố lân cận tìm đến tận nhà đặt cọc, thu mua với giá ổn định trên 150.000 đồng/kg, hợp đồng dài hạn.

Trong năm 2023, xã hỗ trợ tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi dê, phòng dịch bệnh vật nuôi, từng bước xây dựng sản phẩm thế mạnh, nổi bật của địa phương; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi. Mô hình nuôi dê ở xã Hưng Thi mang lại hiệu quả tích cực, tạo nguồn thu nhập ổn định, việc làm cho lao động   địa phương. Đến nay, thu nhập       bình quân của xã đạt 51,1 triệu đồng/người/năm.


Hoàng Anh

Các tin khác


Tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn đạt 40.061 tỷ đồng

 Chiều 4/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024. Tham dự có các đồng chí: Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024

Ngày 4/1, Ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2024. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. 

Liên minh Hợp tác xã tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2024

Ngày 4/1, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh.

2.314 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách huyện Đà Bắc được vay vốn ưu đãi

Ngày 4/1, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đà Bắc tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ tín dụng chính sách xã hội năm 2024.

Bàn phương án điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025

Sáng 4/1, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến cho ý kiến về phương án điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất tại Quyết định 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu của tỉnh, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục