Thời gian qua, xã Yên Hòa (Đà Bắc) đã có nhiều giải pháp, tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi, từng bước giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đem lại hiệu quả cao. Trong đó, mô hình nuôi lợn đen đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, đồng thời bảo tồn nguồn gen quý của giống lợn bản địa.
Mô hình nuôi lợn đen bản địa của anh Nguyễn Viết Phúc (đứng giữa), xóm Men, xã Yên Hòa (Đà Bắc) cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Viết Phúc, xóm Men là một trong những hộ nuôi lợn đen bản địa nhiều nhất xã với 80 con lúc cao điểm, phục vụ nhu cầu tại các quán ăn, dịp lễ, Tết, hiếu, hỷ trong và ngoài địa bàn. Với 10 năm phát triển mô hình, đàn lợn của gia đình anh đã xuất đi nhiều nơi như Hà Nội, Phú Thọ,TP Hòa Bình và các địa phương lân cận, phát triển chăn nuôi theo quy mô hàng hoá.
Xuất phát điểm mô hình với 5 con lợn, bước đầu đạt hiệu quả, anh Phúc mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT, đầu tư chuồng trại, mở rộng sản xuất, áp dụng chăn nuôi theo hướng "lấy ngắn nuôi dài”, duy trì đàn lợn từ 50-80 con, tăng hoặc giảm số lượng đàn tùy vào giá cả và nhu cầu thị trường. Trong quá trình chăn nuôi, ngoài kinh nghiệm tích lũy, anh Phúc còn tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cán bộ thú y nên đàn lợn lớn nhanh, không bị bệnh. Anh trồng thêm sắn, ngô làm thức ăn cho lợn để giảm chi phí đầu vào. Mỗi năm gia đình anh xuất bán hơn 100 con lợn thịt, đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng.
"Từ khi được tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm các mô hình nuôi lợn quy mô lớn, thực hiện đầy đủ các biện pháp thú y, từ đó áp dụng vào mô hình của gia đình nên đàn lợn ít bị bệnh hơn, hiệu quả kinh tế cao. Lợn bản địa chủ yếu được cho ăn các loại rau, củ và phụ phẩm nông nghiệp, tuy lớn chậm, xuất chuồng chỉ từ 20 - 30kg/con nhưng chất lượng thịt ngon, hơn hẳn những loại thông thường. Ngoài thức ăn thuần túy, tôi cho lợn ăn thêm đậu tương, bột cá và đường, tạo hương vị thơm ngon đặc biệt của sản phẩm lợn đen bản địa” - anh Phúc chia sẻ bí quyết.
Gia đình chị Hà Thị Hoa, xóm Men cũng có thu nhập khá từ nuôi lợn đen bản địa. Năm 2020, chị được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển sản xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội và vay của bạn bè, người thân, chị mua con giống, đầu tư xây chuồng khép kín, tận dụng thêm phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho lợn. Được sự chia sẻ, hướng dẫn từ những người có kinh nghiệm chăn nuôi trên địa bàn, chị tiêm phòng đủ loại vắc xin, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, theo dõi sức khỏe đàn lợn mỗi ngày. Từ đó duy trì đàn lợn trên 100 con, đem lại thu nhập hơn 120 triệu đồng/năm.
Hiện, anh Phúc, chị Hoa đều là thành viên của HTX Thực phẩm sạch Yên Hòa, chuyên cung cấp sản phẩm thịt lợn bản địa cho các đối tác, tư thương, nhà hàng trong và ngoài địa bàn. Lợn đen bản địa xã Yên Hòa từ lâu đã tạo được uy tín trên thị trường, sản phẩm thịt thơm ngon, chất lượng, thường không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh, giá bán trung bình 100.000 đồng/kg hơi. Để tiếp tục phát triển đàn lợn đen bản địa theo định hướng trở thành sản phẩm hàng hóa đặc sản chủ lực, xã Yên Hòa đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ người dân nguồn vốn vay, tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi, phòng bệnh cho vật nuôi. HTX Thực phẩm sạch Yên Hòa thành lập từ 6/2023 có 6 thành viên và tiếp tục kết nạp thêm thành viên mới, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất. Đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn xã có trên 70% là lợn đen bản địa. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 40,3 triệu đồng/năm.
Đồng chí Lường Văn Xứng, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: "Thời gian tới, xã tiếp tục định hướng đẩy mạnh chăn nuôi lợn đen bản địa theo hướng hàng hóa, tìm nguồn cung cấp giống uy tín, ổn định; hỗ trợ con giống, kỹ thuật chăn nuôi cho hộ nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn; khuyến khích các hộ chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực thịt lợn đen bản địa xã Yên Hòa”.
Hoàng Anh
Hiện nay, tổng dư nợ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh đạt 3.527 tỷ đồng.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, từ đầu năm đến nay, chi nhánh tiếp tục củng cố, kiện toàn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở.
Ngày 1/3, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 211/QĐ-TTg sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 - 2025.
UBND tỉnh vừa có Quyết định số 269/QĐ-UBND, ngày 23/2/2024 về ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Thời gian này, nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đà Bắc tất bật cấy lúa chiêm xuân và trồng các loại cây màu để đảm bảo theo khung thời vụ.
Sau 5 năm kể từ khi đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Thanh Hối (Tân Lạc) đã hoàn thành 18/19 tiêu chí NTM nâng cao, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Thông qua việc tích cực hoàn thành các tiêu chí đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang, hiện đại.