UBND tỉnh vừa có Quyết định số 269/QĐ-UBND, ngày 23/2/2024 về ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Xã Ngọc Lương (Yên Thủy) phát triển vùng trồng bưởi Diễn mang lại hiệu quả kinh tế.
Việc triển khai thực hiện kế hoạch nhằm mục tiêu phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và các nhu cầu khác của nền kinh tế, gia tăng giá trị xuất khẩu; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nông dân góp phần ổn định xã hội, đảm bảo QP-AN.
Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 3 - 3,5%/năm. Đảm bảo tưới chủ động cho 100% diện tích đất chuyên trồng lúa; trên 60% diện tích vùng sản xuất tập trung các cây trồng cạn chủ lực được tưới, trong đó ít nhất 30% diện tích có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Tỷ lệ diện tích sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hành nông nghiệp tốt (GAP và tương đương) được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt 10 - 15%; tỷ lệ diện tích trồng trọt hữu cơ đạt 2-3%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt chủ lực được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30 - 35%. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 220 triệu đồng. Giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm trồng trọt chủ lực tăng ít nhất 5%/năm.
Định hướng của tỉnh là thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với phương hướng phát triển của ngành, lĩnh vực tại Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn phát thải các bon thấp, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm trồng trọt chủ lực. Phát huy lợi thế của mỗi tiểu vùng để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh tập trung. Xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa nông sản gắn với chuỗi giá trị trong nước và xuất khẩu...
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ cụ thể: Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất trồng trọt lợi thế từng vùng, địa phương theo 3 nhóm sản phẩm là: Nhóm sản phẩm nằm trong danh mục các sản phẩm chủ lực quốc gia, có cây lúa, cây ngô, cây ăn quả có múi, cây chè, cây rau, cây sắn; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh có cây mía, cây dược liệu; nhóm sản phẩm đặc sản địa phương và lợi thế vùng miền tiếp tục triển khai, hoàn thiện xây dựng vùng trồng gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tổ chức nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt, đảm bảo phát triển bền vững.
Để thực hiện nhiệm vụ đề ra, UBND tỉnh đề ra các nhóm giải pháp gồm: 1- Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức; xây dựng, hoàn thiện và triển khai các cơ chế chính sách liên quan đến phát triển trồng trọt. 2- Củng cố, đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh trồng trọt; hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng sản xuất. 3- Phát triển sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường. 4- Đẩy mạnh ứng dụng KHCN, phát triển nguồn nhân lực và khuyến nông. 5- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước. 6- Hội nhập và hợp tác quốc tế. 7- Giám sát và đánh giá.
P.V (TH)