PC Hoà Bình phấn đấu đến hết năm 2024, lắp đặt 100% công tơ điện tử có tính năng đo xa trên lưới điện. Ảnh chụp tại phường Đồng Tiến, TP Hoà Bình.
Hiện nay, PC Hoà Bình quản lý khoảng 270 nghìn khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, công ty đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới sự hài lòng của khách hàng. Trong đó, ứng dụng CĐS vào việc ghi chỉ số công tơ, tính toán hoá đơn tiền điện đã và đang được triển khai hiệu quả. Nổi bật là việc thực hiện thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử.
Đồng chí Trần Thị Út, Trưởng phòng Kinh doanh (PC Hoà Bình) cho biết: Trước khi ứng dụng CĐS, việc ghi chỉ số công tơ phải thực hiện trực tiếp ngoài hiện trường. Theo đó, công nhân phải dùng thang trèo lên cột điện để đọc chỉ số trực tiếp từ mặt công tơ. Sau đó ghi chỉ số vào sổ giấy hoặc nhập vào máy tính bảng rồi chuyển về Điện lực để nhập vào phần mềm tính hóa đơn. Như vậy mất rất nhiều thời gian và nhân lực để thực hiện. Mặt khác, việc ghi trực tiếp rất dễ xảy ra sai sót do các yếu tố khách quan như: khi trời nắng to khiến mặt kính công tơ bị lóa, còn trời mưa ẩm thì mặt kính bị mờ. Khách hàng cần kiểm tra chỉ số cũng mất thời gian phải trèo lên cột để đọc, không truy xuất được chỉ số trong quá khứ để so sánh.
Từ khi áp dụng CĐS, PC Hoà Bình đã tích cực thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử có tính năng đo xa để ghi chỉ số từ xa. Đến nay, toàn công ty đã thay được 243.000/270.000 công tơ, đạt tỷ lệ 90% công tơ điện tử có tính năng đo xa. Đồng chí Trưởng phòng Kinh doanh PC Hoà Bình nhấn mạnh, việc thay thế công tơ điện tử đem lại lợi ích "kép” cho cả ngành Điện và khách hàng. Đối với ngành Điện, sẽ giúp giảm nhân công ghi chỉ số điện, giảm nguy cơ tai nạn lao động trong ghi chỉ số và quản lý, tính toán hóa đơn tiền điện, góp phần tăng năng suất lao động. Hàng tháng, các Điện lực chỉ cần bố trí nhân lực tập trung tại đơn vị để thực hiện việc thu thập chỉ số qua hệ thống đo xa và tính toán hoá đơn ngay trong ngày. Chỉ số thu thập qua đo xa chính xác hơn, lưu trữ được lâu hơn, dễ dàng kết chuyển số liệu giữa các phần mềm quản lý và chăm sóc khách hàng.
Còn đối với khách hàng, việc lắp đặt công tơ điện tử sẽ giúp khách hàng dễ dàng kiểm tra chỉ số, thông tin về hóa đơn tiền điện thông qua các ứng dụng (app) chăm sóc khách hàng, web rất thuận tiện, chính xác.
Được công nhân Điện lực thành phố Hoà Bình hướng dẫn, anh Nguyễn Văn Mạnh, phường Tân Thịnh đã cài đặt ứng dụng chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) trên điện thoại di động. Anh Mạnh cho biết, với ứng dụng này, anh dễ dàng tra cứu các thông tin, nắm bắt kịp thời lịch cắt điện để chủ động trong công việc, sinh hoạt. Đặc biệt, việc thanh toán tiền điện rất thuận lợi, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là thanh toán thành công, thay vìphải vất vả đi đến trụ sở Điện lực nộp tiền như trước.
Với những lợi ích thiết thực đem lại, có thể nói, việc thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử là bước đột phá đối với ngành Điện. Đồng chí Trần Thị Út, Trưởng phòng Kinh doanh (PC Hoà Bình) cho biết: Công ty phấn đấu đến hết năm 2024, lắp đặt 100% công tơ điện tử có tính năng đo xa trên lưới. Hiện nay còn 10% công tơ cơ khí và công tơ điện tử không có tính năng đo xa, chủ yếu thuộc các khu vực vùng sâu, vùng xa mạng viễn thông còn thiếu, yếu. Thời gian tới, PC Hoà Bình sẽ tiếp tục đầu tư mua thiết bị thay thế, nâng cấp thiết bị đo xa để đảm bảo đáp ứng đúng tiến độ mục tiêu đặt ra.
Viết Đào