Hộ bà Xa Thị Pầng, xóm Nà Mười, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) cải thiện thu nhập từ mô hình nuôi lợn bản địa.
Đồng chí Bùi Văn Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết: "Nỗ lực giảm nghèo qua từng năm, xã tăng cường công tác tuyên truyền, đưa các loại cây, con giống phù hợp điều kiện thực tế địa phương vào sản xuất. Trong đó, xã định hướng bà con phát triển chăn nuôi, cây lâm nghiệp, duy trì và phát triển giống gạo đặc sản J02, trồng cây gai xanh, nuôi lợn bản địa. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, chính sách giảm nghèo, xã tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông nhằm phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa thuận lợi, phát triển KT-XH địa phương".
Để phát triển kinh tế bền vững, xã Mường Chiềng vận động người dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh quảng bá, tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Hiện toàn xã canh tác 190 ha lúa, 220 ha sắn, rau màu các loại 14ha. Từ năm 2023 đến nay, xã trồng mới 70 ha rừng. Chăn nuôi duy trì ổn định với đàn trâu, bò trên 1.500 con, hơn 2.100 con lợn, 630 con dê, 11.540 con gia cầm. Lợn đen bản địa xã Mường Chiềng từ lâu tạo được uy tín trên thị trường, sản phẩm thịt thơm ngon, chất lượng, giá bán trung bình 90.000 - 100.000 đồng/kg.
Thăm mô hình chăn nuôi lợn bản địa của hộ bà Xa Thị Pầng, xóm Nà Mười, bà Pầng chia sẻ: "Gia đình tôi xuất phát điểm là hộ nghèo, ban đầu phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Được xã quan tâm, tôi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, mạnh dạn đầu tư chuồng trại, chăn nuôi giống lợn bản địa. Hiện, gia đình nuôi 14 con lợn, trồng 1 ha keo, thu nhập cải thiện hơn so với trước, có tích lũy, thoát khỏi hộ nghèo”.
Gạo đặc sản J02 là giống thuần có nguồn gốc từ Nhật Bản, được Viện Di truyền nông nghiệp nhập nội và tuyển chọn, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha. Chất lượng gạo thơm ngon, được nhiều khách hàng gần xa đặt mua, giá bán trung bình 20.000 đồng/kg. Xã đã, đang xây dựng thương hiệu gạo J02 Đà Bắc, tạo ra sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của địa phương, nâng cao giá trị nông sản.
Hiện, toàn xã trồng trên 15ha cây gai xanh, đang tiếp tục nhân rộng. Sau thời gian canh tác cho thấy loại cây này phù hợp với điều kiện địa phương; thời gian thu hoạch ngắn, sau 50 - 60 ngày có thể thu hoạch, cho thu nhập, được các công ty ngoài địa bàn, tư thương thu mua đều đặn, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, đây vẫn là cây trồng mới nên người dân còn tâm lý e ngại, mong muốn có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển đối với cây gai xanh để yên tâm mở rộng sản xuất.
Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hỗ trợ phát triển KT-XH, từ năm 2023 đến nay, nhờ chính sách hỗ trợ và các nguồn xã hội hóa, xã quan tâm đầu tư xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi và các công trình công cộng phục vụ phát triển KT-XH, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. 100% đường trục xã, trên 80% đường trục xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; đường nội đồng không còn lầy lội khi trời mưa, tạo thuận lợi cho giao thương, đi lại của người dân. Đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", xã huy động người dân đóng góp 670 ngày công, phát quang 29km đường xóm, nạo vét 44,5m3 cống rãnh, vá ổ gà nhiều tuyến đường.
Tuy nhiên, do đặc thù địa hình, khí hậu khắc nghiệt về mùa đông, thường xuyên xảy ra thiên tai, mưa lũ nên việc sản xuất, canh tác cây trồng gặp nhiều khó khăn, nông sản thường xuyên bị ép giá do cách xa trung tâm. Xã mong muốn các cấp, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, hỗ trợ vốn vay, kỹ thuật sản xuất, bao tiêu đầu ra cho nông sản, giúp bà con nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo, cải thiện đời sống. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã hiện đạt 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 23,4%.
Hoàng Anh