Anh Nguyễn Bá Tuấn kiểm tra chất lượng sản phẩm may.
Tốt nghiệp chuyên ngành may công nghiệp tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Hưng Yên, Nguyễn Bá Tuấn làm việc cho một số công ty may tại Hà Nội, từ vai trò là nhân viên, rồi trở thành quản lý. Vừa làm, Tuấn vừa dành nhiều thời gian để trau dồi kiến thức, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm trong nghề, nung nấu ý chí làm ăn lớn. Sau hơn 3 năm đi làm thuê, Tuấn vẫn ngày ngày làm công ăn lương, nhưng cũng mạnh dạn đầu tư xưởng gia công hàng may mặc, bắt đầu khởi nghiệp tại quê nhà xã Liên Sơn. Xưởng may của Tuấn chủ yếu nhận may theo đơn đặt hàng các loại quần áo cho các công ty sản xuất hàng xuất khẩu.
Những ngày đầu mở xưởng, Bá Tuấn gặp muôn vàn khó khăn, từ tài chính, kỹ năng quản lý, nhân công chưa có kinh nghiệm trong việc sử dụng máy may, sự tin tưởng của mọi người… và đỉnh điểm là trận mưa lũ năm 2022 đã khiến xưởng may của anh thiệt hại ước khoảng 25 tỷ đồng (nước lũ cuốn trôi 20 chiếc xe máy, thiệt hại 400 tấn vải nguyên liệu và 30.000 hàng thành phẩm, hỏng 60% trang thiết bị phục vụ cho sản xuất).
Nhiều lần gây dựng lại xưởng cũng không làm chùn bước chàng trai trẻ. Niềm đam mê và ý chí quyết tâm đã giúp Bá Tuấn dần gỡ bỏ những khó khăn.
Hình thức sản xuất không ngừng được cải tiến, nhiều kỹ thuật mới liên tục được cập nhật, nguồn hàng ổn định, sản phẩm từ xưởng gia công của Tuấn luôn có đầu ra bảo đảm và được khách hàng tin cậy. Hàng xuất đi được đón nhận và có phản hồi tích cực, thị trường ngày càng mở rộng. Từ một xưởng may với hơn 100 triệu đồng vốn đầu tư ban đầu, mỗi tháng chạy được từ 6.000 - 7.000 sản phẩm, đến nay Công ty 3T VINA sản xuất từ 140.000 - 150.000 sản phẩm/tháng, doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đồng.
Ngoài việc nâng cao thu nhập cho gia đình, Công ty may 3T VINA của anh Nguyễn Bá Tuấn còn giải quyết việc làm cho hơn 160 lao động với thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng. Một số công nhân tiêu biểu, chuyên cần, làm việc năng suất có thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh Tuấn hỗ trợ công nhân kinh phí ăn trưa, xăng xe; thường xuyên thăm hỏi và động viên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực nhiều hơn để vươn lên trong cuộc sống.
Chị Bùi Thị Hạnh ở xóm Tân Sơn, xã Liên Sơn chia sẻ: "Tôi làm việc ở đây hơn 7 năm rồi. Nghề may tuy đòi hỏi sự tỉ mỉ nhưng công việc nhẹ nhàng, làm việc trong nhà nên không vất vả. Xưởng may công việc đều, mọi đãi ngộ rất tốt, trung bình mỗi tháng tôi nhận 9 triệu đồng, được tham gia sinh hoạt công đoàn, nhà lại gần xưởng nên tôi vẫn làm được việc nhà, chăm sóc dạy bảo con chu đáo".
Mô hình gia công quần áo xuất khẩu mà anh Nguyễn Bá Tuấn triển khai đã mang lại những tín hiệu tốt, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã. Có thể nói, thành công của anh Tuấn là tấm gương về nghị lực, ý chí của tuổi trẻ hôm nay.
Chia sẻ về dự định sắp tới, ông chủ trẻ Nguyễn Bá Tuấn không ngần ngại cho biết, sắp tới sẽ đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, tuyển thêm nhân công để sản xuất một số mặt hàng mới mà khách hàng đang cần.
Ngoài công việc tại xưởng may, anh Tuấn thường xuyên tham gia các hoạt động do chính quyền địa phương phát động; hỗ trợ kinh phí tổ chức các hoạt động tại thôn... Dù ở đâu, công việc gì, anh cũng miệt mài nuôi ước mơ thành hiện thực. Anh đã và đang góp phần nhỏ bé của mình lan tỏa việc làm tốt, vươn lên làm giàu chính đáng.
Thùy Anh
(Trang Thông tin điện tử huyện Lương Sơn)