Nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước đang gia tăng kết nối hợp tác. Đáng chú ý, các doanh nghiệp trong nước từng bước xâm nhập chuỗi cung ứng để đáp ứng kịp với xu thế của các nhà đầu tư quốc tế.
Tại Bình Dương hiện có hơn 4.300 doanh nghiệp với vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký tổng cộng khoảng 41 tỷ USD; 68.573 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 754.000 tỷ đồng. Tỷ trọng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa hàng năm lên đến hàng chục tỷ USD, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước kết nối hợp tác.
Tiêu biểu mô hình hợp tác VSIP
Dây chuyền sản xuất yên xe đạp xuất khẩu tại Công ty Pro Active Global Việt Nam, vốn đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) tại Khu công nghiệp Đại Năng (tỉnh Bình Dương). Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Một mô hình kết nối làm ăn hiệu quả là Công ty liên doanh Trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), thành lập bởi Tổng Công ty Becamex IDC (Việt Nam) và Sembcorp Development (Singapore). Mục tiêu của VSIP là xây dựng một khu công nghiệp hiện đại để kêu gọi đầu tư nước ngoài, góp phần công nghiệp hóa và hiện đại hóa Bình Dương.
VSIP khởi công xây dựng vào tháng 5/1996 trên diện tích 500 ha tại Bình Dương. Sự ra đời của VSIP đánh dấu bước phát triển mới trong chính sách đổi mới và chuyển dịch công nghiệp hóa tại Bình Dương.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Đồng Chủ tịch Hội đồng quản trị VSIP Group chia sẻ, với tinh thần "Con đường ngàn dặm, khởi đầu bằng một bước chân", Becamex, Sembcorp và các đối tác đã mạnh dạn thực hiện những công việc mới mẻ, chưa hề có tiền lệ, với mục tiêu phát triển hiệu quả và đóng góp vào công cuộc xây dựng Bình Dương và phát triển chung của cả nước. VSIP đã được công nhận là khu công nghiệp kiểu mẫu, không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực.
Trong hai thập kỷ qua, VSIP đã chuyển mình từ một khu công nghiệp truyền thống thành khu liên hợp đô thị - công nghiệp, đem lại những giải pháp đô thị mới, hạ tầng bền vững và thu hút các nhà đầu tư sản xuất giá trị gia tăng cao hơn. Đến nay, VSIP đã thu hút 630 doanh nghiệp từ 30 quốc gia, với tổng vốn FDI hơn 9 tỷ USD và tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 32 tỷ USD, tạo ra 174.000 việc làm trong lĩnh vực công nghiệp dịch vụ.
Với nền tảng từ Khu công nghiệp VSIP 1 tại Bình Dương vào năm 1996, hiện nay đã có 11 khu công nghiệp VSIP đi vào vận hành, tạo động lực quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế tại nhiều địa phương trong cả nước.
Vừa qua, VSIP được nhiều địa phương như Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tây Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi, Thái Bình... ủng hộ và hợp tác phát triển thêm những dự án VSIP mới.
Tạo cầu nối
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là bước đi cần thiết của doanh nghiệp Việt. Ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam (VSIP 2A) cho biết, Tetra Pak luôn sẵn sàng đón nhận các doanh nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng của mình, miễn là tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Công ty hỗ trợ doanh nghiệp địa phương xây dựng năng lực tái chế vỏ hộp giấy, góp phần vào chiến lược kinh tế tuần hoàn và ít phát thải carbon của Tetra Pak trên toàn cầu.
Còn ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai và Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương cho biết, để tạo cầu nối hợp tác, các ngành cần có chất xúc tác nhằm giúp kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, xây dựng chuỗi cung ứng liên kết sản phẩm và gia công giữa nhà máy công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI. Điều này sẽ góp phần hình thành mạng lưới các nhà cung ứng trong nước có năng lực tốt, đáp ứng hiệu quả thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Trọng Luật, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cicor Việt Nam (VSIP 1) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam muốn trở thành đối tác của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn sản xuất lớn, cần chú trọng nâng cao năng lực sản xuất và tuân thủ quy chuẩn của đối tác. Thực tế, kỹ thuật và nguồn lực của các doanh nghiệp Việt đều có thể đáp ứng yêu cầu này, minh chứng là việc các doanh nghiệp FDI như Lego và Tập đoàn Pandora đến từ Đan Mạch đã chọn Coteccons - một nhà thầu 100% vốn Việt Nam tham gia xây dựng cho các dự án lớn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xây dựng và duy trì một môi trường kinh doanh thuận lợi là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính quyền tỉnh đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp gặp gỡ và kết nối với các tập đoàn bán lẻ, hệ thống phân phối và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Ông Dành nhấn mạnh: "Bình Dương không ngừng nỗ lực tổ chức các hội nghị, hội thảo và triển lãm thương mại quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ trực tiếp với các đối tác tiềm năng. Chúng tôi tin rằng việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ giúp họ nắm bắt kịp thời các xu hướng thị trường và công nghệ mới, từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Bình Dương đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn lực cần thiết cho hoạt động sản xuất và kinh doanh.”
Ông Dành cho biết thêm, tỉnh luôn khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, tỉnh cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI kết nối với các nhà cung cấp địa phương, nhằm xây dựng mạng lưới cung ứng bền vững và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh và cả nước.
Bình Dương luôn khuyến khích sự hợp tác từ các đối tác FDI, đồng thời giúp doanh nghiệp FDI khai thác hiệu quả các nguồn lực và tiềm năng sẵn có tại Việt Nam. Mô hình hợp tác này hy vọng sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế.
Theo TTXVN
Theo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Lạc, đến hết tháng 5/2024, đơn vị quản lý 16 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ 574,96 tỷ đồng/15.604 khách hàng còn dư nợ. Trong 5 tháng đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân vốn vay đối với 10 chương trình tín dụng, doanh số cho vay hơn 97 tỷ đồng, cho 2.382 lượt khách hàng được vay vốn.
Đến nay, 17 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực giúp Việt Nam kết nối với gần 60 thị trường.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao, cùng với yêu cầu về chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản được xem có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ cho sự phát triển của ngành năng lượng và công nghiệp khai khoáng, mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Chứng khoán Việt Nam đang đón nhận các yếu tố hỗ trợ như nền kinh tế vẫn đang duy trì tăng trưởng từ tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2024 tiếp xu hướng tích cực, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, khu vực dịch vụ tiếp tục tăng mạnh.
Công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế; sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành trong công tác tổ chức quản lý thu. Theo báo cáo của UBND tỉnh, thu NSNN ước thực hiện hết tháng 5/2024 đạt 2.880 tỷ đồng, bằng 71% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 50% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh và bằng 196% so với cùng kỳ.
Với diện tích rừng tự nhiên lớn, độ che phủ rừng cao, tỉnh Hòa Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế rừng. Đây cũng là hướng đi phù hợp nhằm tạo lập nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường.