Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có những đợt mưa to kéo dài làm tăng nguy cơ sạt lở đất, đá và mất an toàn giao thông (ATGT) tại nhiều khu vực. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi các nhà thầu vừa phải triển khai phương án thi công phù hợp để hoàn thành tiến độ đề ra, vừa phải triển khai các phương án đảm bảo ATGT, bảo vệ công trình, kiểm soát thiệt hại do ảnh hưởng thời tiết cực đoan.


Lực lượng chức năng kịp thời xử lý tình huống sạt lở nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường 435, đoạn từ xã Bình Thanh đi xã Thung Nai (Cao Phong).

Trên quốc lộ 6 đoạn dốc Cun, thành phố Hòa Bình ngày 24/8 vừa qua đã xảy ra sự cố sạt lở nghiêm trọng. Mưa to kéo dài từ 15h30’ đến khoảng 17h30’ với lượng nước lớn, tạo ra dòng thác cuồn cuộn từ đỉnh núi trút xuống mặt đường, cùng với đó là lượng nước lớn chảy mạnh theo dốc dọc tuyến đường và mái taluy dương kéo theo nhiều đất, đá, bùn. Đặc biệt, xảy ra hiện tượng sạt lở taluy âm tại lý trình Km79+335 bên trái tuyến, chiều dài đoạn tuyến sạt lở khoảng 40m, vị trí sạt lở đã sát đến mép mặt đường nhựa. Diễn biến trên gây ách tắc giao thông, mất an toàn cho người và phương tiện.

Ngay khi xảy ra sự cố, lực lượng ứng trực đã huy động máy xúc đến san gạt, khơi thông dòng chảy, đề nghị các phương tiện tham gia giao thông tạm dừng lưu thông để khẩn trương thu dọn đất, đá, phân luồng đảm bảo các phương tiện có thể di chuyển chậm qua vị trí sự cố. Trước đó, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo nhà thầu đang thi công Dự án "Xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn dốc Cun (Km78+500 - Km85+100) trên quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình” chủ động tổ chức thu dọn mặt bằng thi công, bố trí cán bộ ứng trực để sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo ATGT tại hiện trường thi công. Đến khoảng 19h30’ cùng ngày, quốc lộ 6 đoạn qua dốc Cun đã thông đường.

Dự án "Xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn dốc Cun (Km78+500 - Km85+100) trên quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình” được khởi công từ tháng 8/2023. Đến nay, công trình đã thi công xong cơ bản các hạng mục chính thuộc các đoạn từ Km78+420 - Km78+721, Km78+760 - Km79+310, Km79+600 - Km82+124, Km83+710 - Km85+114. Giá trị khối lượng công việc đạt khoảng 70% giá trị hợp đồng. Theo Ban Quản lý dự án xây dựng và bảo trì công trình giao thông (Sở GTVT) - đơn vị quản lý dự án, vì thi công trong điều kiện thời tiết bất lợi nên đã chỉ đạo nhà thầu và các đơn vị liên quan phải chủ động phương án thi công phù hợp gắn với công tác ứng trực đảm bảo ATGT, sẵn sàng khắc phục sự cố trên tuyến. Nhà thầu đã bố trí hệ thống biển cảnh báo sạt lở hai đầu phạm vi xảy ra sự cố ngày 24/8, căng dây phản quang và lắp đặt đèn quay cảnh báo vào ban đêm. Về tiến độ thi công, dự kiến đến cuối tháng 8/2024 sẽ hoàn thành khối lượng đào và bóc lớp địa chất tầng phủ và đất cấp 4 thuộc hạng mục đào bạt mái taluy dương, nắn chỉnh tuyến phạm vi từ Km79+310 - Km79+600 để chuẩn bị cho công tác đào phá đá có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Ghi nhận từ đầu tháng 7 đến nay, do ảnh hưởng của các đợt mưa to kéo dài, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều tình huống sạt lở đất, đá gây thiệt hại về giao thông, công trình công cộng và nhà ở dân cư. Xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, Sở Giao thông vận tải thường xuyên tổ chức kiểm tra các tuyến đường đã được phân cấp quản lý để kịp thời nắm tình hình, tăng cường phối hợp để thực hiện tốt việc đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Đối với các dự án đang tổ chức thi công, Sở Giao thông vận tải đôn đốc nhà thầu và các đơn vị liên quan vừa thực hiện phương án thi công vừa sẵn sàng triển khai hiệu quả các phương án đảm bảo ATGT. Trong cao điểm mưa lũ, các lực lượng đã ứng trực 24/24h, chủ động huy động máy móc, thiết bị, nhân lực để trực gác, cắm biển cảnh báo, lập rào chắn 2 đầu, đảm bảo ATGT tại các vị trí có nguy cơ cao, đặc biệt chú ý lập rào chắn và cảnh báo mất an toàn tại các điểm sạt lở taluy âm, hư hỏng nền, mặt đường, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Đối với công tác khắc phục thiệt hại, Sở tiếp tục rà soát, thống kê và đề xuất kinh phí sửa chữa hư hỏng, khôi phục công trình đường bộ, trong đó ưu tiên khắc phục triệt để các vị trí sạt lở nguy hiểm, các điểm có nguy cơ lún sụt, đứt đường nhằm góp phần đảm bảo ATGT trên địa bàn tỉnh.


Khánh An

Các tin khác


Giá vàng "neo" gần mức cao kỷ lục trước triển vọng hạ lãi suất

Vàng vững giá trong phiên giao dịch ngày 26/8, gần mức cao kỷ lục gần đây, trước những dự đoán chắc chắn về việc cắt giảm lãi suất vào tháng Chín và nhu cầu trú ẩn an toàn do rủi ro địa chính trị ở Trung Đông.

Hàn Quốc thúc đẩy xuất khẩu thiết bị nông nghiệp sang Việt Nam

Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc ngày 26/8 cho biết, sẽ cử một phái đoàn phát triển thị trường gồm 15 công ty xuất khẩu thiết bị nông nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam từ ngày 26-31/8 nhằm quảng bá các sản phẩm thiết bị nông nghiệp tiên tiến của Hàn Quốc, giúp thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu.

Không để vốn đầu tư công trở thành “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế

"Trong các tháng đầu năm 2024, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) dẫn đến làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Vì thế, yêu cầu thời gian tới phải tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân với quyết tâm cao, không để VĐTC trở thành "điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế”. Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khi chủ trì hội nghị nghe báo cáo về tình hình giải ngân kế hoạch VĐTC của tỉnh đến ngày 31/7/2024.

Điểm sáng phong trào hiến đất làm đường ở xã Tú Sơn

Với phương châm "mở rộng đường làng, đất vàng cũng hiến”, người dân xóm Trẹo, xã Tú Sơn (Kim Bôi) đã gương mẫu, đi đầu trong phong trào hiến đất, mở rộng đường giao thông để xây dựng nông thôn mới. Từ đó, phong trào có sức lan tỏa rộng khắp, tạo hiệu ứng tích cực trong nhân dân, góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn.

Huyện Cao Phong: Gần 21,5 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm

Theo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cao Phong, trong 7 tháng qua, đơn vị đã giải ngân đối với 10 chương trình tín dụng chính sách, doanh số cho vay đạt trên 71,6 tỷ đồng/1.472 lượt khách hàng vay vốn.

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng đồng bào dân tộc

Không chỉ có đời sống kinh tế, điều kiện vật chất ngày càng tốt lên mà mức hưởng thụ về tinh thần của người dân ngày một cải thiện. Đó là thành quả quan trọng, cũng là mục tiêu huyện Lạc Sơn tiếp tục hướng tới trong triển khai, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Hiện nay, tổng dân số toàn huyện là 15,7 vạn người, trong đó, dân tộc Kinh chiếm 8%, dân tộc Mường 91%, còn lại 1% dân tộc khác... Trên địa bàn có 13 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 22 xóm ĐBKK thuộc xã khu vực I, khu vực II.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục