Thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực, tạo điều kiện để các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) có cơ hội tiếp cận thiết bị, máy móc tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất.


Đề án khuyến công hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất tấm lợp tôn tại hộ kinh doanh Nguyễn Quốc Huy, xóm Tân Thành, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc).

Ông Nguyễn Quốc Huy, chủ cơ sở sản xuất tấm lợp tôn tại xóm Tân Thành, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) chia sẻ: Năm 2023, được tiếp nhận hỗ trợ từ Đề án khuyến công địa phương 260 triệu đồng, cùng với vốn đối ứng của gia đình 281,9 triệu đồng, cơ sở sản xuất của gia đình đã đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị các mặt hàng, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của các đơn hàng. Với ngành nghề kinh doanh sản xuất tấm lợp tôn, vật liệu xây dựng, dịch vụ quảng cáo, in ấn, cơ khí, từ nguồn kinh phí khuyến công, gia đình tôi đã mạnh dạn xây dựng nhà xưởng, mua  máy móc, thiết bị hiện đại, như máy cán tôn 1 tầng 11 sóng dân dụng, máy chấn phụ kiện để phục vụ công việc hiệu quả hơn. Hiện nay, cơ sở sản xuất ổn định, cung cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện Tân Lạc sản phẩm chất lượng, tiết kiệm chi phí vận chuyển, giá thành rẻ hơn. Chúng tôi cũng tạo việc làm ổn định cho một số lao động có thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Quốc Huy, đa phần các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí từ đề án khuyến công để đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất tại các địa phương đều được đánh giá đã phát huy hiệu quả thiết thực. 

Theo đại diện Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) cho biết, bên cạnh nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), khuyến công còn chú trọng các nội dung hỗ trợ như: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp... Thông qua hỗ trợ từ đề án khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT có hướng đầu tư đúng, nâng cao được chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, giúp nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh (SX-KD), nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Theo đó, cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN một cách bền vững.

Mặc dù nguồn kinh phí khuyến công không nhiều so với tổng mức đầu tư của các cơ sở CNNT, nhưng chương trình khuyến công đã phát huy tốt vai trò là nguồn "vốn mồi”, khuyến khích các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng, đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ, nâng cao năng lực SX-KD... Trong 2 năm (2022 - 2023), khuyến công địa phương triển khai 7 đề án với tổng kinh phí thực hiện trên 2.556 triệu đồng, kinh phí khuyến công 1.260 triệu đồng.

Bên cạnh đó, công tác khuyến công hiện cũng gặp một số khó khăn như: Phần lớn cơ sở CNNT do có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng lực quản lý và tiềm lực tài chính hạn chế, nên khi thực hiện đăng ký đề án chủ yếu có nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị công suất nhỏ; kinh phí tự đảm bảo theo quy định còn khó khăn… dẫn đến nhiều cơ sở CNNT thay đổi thông số máy móc, thay đổi kế hoạch sản xuất hoặc thay đổi tham gia đề án khuyến công so với đăng ký. Công tác xây dựng kế hoạch, đề xuất các danh mục đề án khuyến công đối với UBND cấp huyện chưa được quan tâm phối hợp với khuyến công tỉnh, vì vậy các đề án khuyến công chưa bám sát vào định hướng phát triển CN-TTCN của địa phương.

Để khắc phục những khó khăn và quyết tâm thực hiện hiệu quả kế hoạch đề ra, Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, nội dung hoạt động khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện kế hoạch khuyến công đến các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh... Đặc biệt, các giải pháp tập trung giúp các cơ sở CNNT nắm và hiểu rõ ý nghĩa của chính sách khuyến công, từ đó mạnh dạn đăng ký tham gia đầu tư máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm cho thị trường. Cùng với đó, triển khai thực hiện các nhiệm vụ khuyến công theo kế hoạch đã được phê duyệt; tập trung và tăng cường tư vấn, hỗ trợ các cơ sở CNNT trong thiết kế bao bì sản phẩm; áp dụng công nghệ mới và các giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; phát triển sản phẩm mới giá trị gia tăng, tiềm năng, trong đó ưu tiên sản phẩm từ nguồn nguyên liệu chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNT tiêu biểu...

Ðến nay, nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, vị trí hoạt động khuyến công ngày càng được nâng cao. Các đề án khuyến công góp phần tích cực tham gia thực hiện các chính sách, giải pháp của Ðảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp khu vực nông thôn. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ trọng CNNT trong toàn ngành; tăng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới.


Hồng Duyên

Các tin khác


Huyện Kim Bôi xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất

Trong những năm qua, bằng nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế địa phương, công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Kim Bôi đã tạo sự đột phá, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Điều dễ nhận thấy là cơ sở hạ tầng tại các thôn, xóm ở vùng sâu, vùng xa ngày càng khang trang, xanh, sạch đẹp và an toàn.

Dồn lực thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng, góp phần tạo sức bật trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương. Tuy nhiên, đây cũng được xem là tiêu chí khó thực hiện nhất bởi đòi hỏi nguồn lực lớn. Từ thực tế đó, tỉnh Hòa Bình đã huy động, lồng ghép mọi nguồn lực nhằm phát triển hạ tầng giao thông nông thôn.

Đóng điện đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu: Thông tuyến toàn bộ đường dây 500kV mạch 3

Chiều tối 27/8, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện thành công Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Quỳnh Lưu, qua đó thông tuyến toàn bộ Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).

Vừa thi công, vừa đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường trong điều kiện thời tiết cực đoan

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có những đợt mưa to kéo dài làm tăng nguy cơ sạt lở đất, đá và mất an toàn giao thông (ATGT) tại nhiều khu vực. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi các nhà thầu vừa phải triển khai phương án thi công phù hợp để hoàn thành tiến độ đề ra, vừa phải triển khai các phương án đảm bảo ATGT, bảo vệ công trình, kiểm soát thiệt hại do ảnh hưởng thời tiết cực đoan.

Huyện Lạc Thủy: Dồn điền, đổi thửa - tiền đề xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Giai đoạn 2020 - 2023, huyện Lạc Thủy đã tạo đột phá trong thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Từ đây giúp địa phương khắc phục được tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, tiến tới hình thành cánh đồng mẫu lớn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các thành phần kinh tế khác đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, năng suất và thu nhập cho người sản xuất.

Huy động nguồn lực phát triển cụm công nghiệp

Xác định phát triển công nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giải quyết việc làm, tăng thu cho ngân sách, góp phần xóa đói, giảm nghèo, huyện Lạc Thủy đã triển khai tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn về chủ trương hình thành, phát triển các cụm công nghiệp (CCN). Xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động, đưa vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương về đẩy mạnh phát triển CCN.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục