Chiều 28/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành.


Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh. 

Việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, ngày 3/3/2021 của Chính phủ nhằm mục tiêu tiếp tục thể chế hóa nhiệm vụ cụ thể tại Nghị quyết số 105 của Chính phủ về "Tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đảm bảo cải cách, đơn giản thủ tục hành chính”; tháo gỡ vướng mắc thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đổi mới nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Nghị định gồm 7 chương, 123 điều, 11 phụ lục cơ bản giữ nguyên phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cấu trúc các chương, mục của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP. Đồng thời kế thừa một số nội dung không có vướng mắc, bất cập như việc lập các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng; việc thẩm định hoặc có ý kiến công nghệ đối với dự án đầu tư xây dựng theo Luật Chuyển giao công nghệ; hình thức quản lý dự án…

Nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Nghị định tập trung giải quyết các nhiệm vụ về tăng cường phân cấp cho địa phương, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tế.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến về nội dung phân cấp, phân quyền và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng. Trong đó, trọng tâm là phân cấp trực tiếp việc thẩm định các dự án xây dựng (trừ nhóm A); phân cấp thông qua sửa đổi, bổ sung quy định về xác định thẩm quyền theo quy mô của đối tượng thẩm định; cắt giảm số lượng dự án phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng thông qua việc tăng quy mô các dự án chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật; cắt giảm số lượng các dự án phải thẩm định thông qua việc quy định rõ các trường hợp điều chỉnh dự án, thiết kế không yêu cầu quay lại thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tại hội nghị. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải thực tế tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị định bằng văn bản để cơ quan soạn thảo kịp thời bổ sung, hoàn thiện dự thảo.  
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Phạm vi Nghị định này không vượt Luật, tuy nhiên trong quá trình soạn thảo Nghị định, các cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu các nghị định liên quan, nếu phát sinh vướng mắc có thể sửa đổi tại Nghị định này để có thể điều chỉnh các nghị định khác đã ban hành trước đó nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu kỹ văn bản, có ý kiến xây dựng, hoàn thiện Nghị định trước khi trình Chính phủ ban hành. 


Đinh Hòa

Các tin khác


Vừa thi công, vừa đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường trong điều kiện thời tiết cực đoan

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có những đợt mưa to kéo dài làm tăng nguy cơ sạt lở đất, đá và mất an toàn giao thông (ATGT) tại nhiều khu vực. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi các nhà thầu vừa phải triển khai phương án thi công phù hợp để hoàn thành tiến độ đề ra, vừa phải triển khai các phương án đảm bảo ATGT, bảo vệ công trình, kiểm soát thiệt hại do ảnh hưởng thời tiết cực đoan.

Huyện Lạc Thủy: Dồn điền, đổi thửa - tiền đề xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Giai đoạn 2020 - 2023, huyện Lạc Thủy đã tạo đột phá trong thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Từ đây giúp địa phương khắc phục được tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, tiến tới hình thành cánh đồng mẫu lớn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các thành phần kinh tế khác đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, năng suất và thu nhập cho người sản xuất.

Huy động nguồn lực phát triển cụm công nghiệp

Xác định phát triển công nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giải quyết việc làm, tăng thu cho ngân sách, góp phần xóa đói, giảm nghèo, huyện Lạc Thủy đã triển khai tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn về chủ trương hình thành, phát triển các cụm công nghiệp (CCN). Xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động, đưa vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương về đẩy mạnh phát triển CCN.

Những tín hiệu tích cực về hoạt động xuất, nhập khẩu tỉnh Hòa Bình

Trong bối cảnh thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới có phục hồi nhưng không mạnh mẽ và bền vững; cùng với đó là tình hình khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu, xung đột quân sự Nga - Ukraine… đã ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội nhiều quốc gia, khu vực, trong đó có Việt Nam. Song hoạt động xuất, nhập khẩu của cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc.

Huyện Đà Bắc nỗ lực giảm nghèo bền vững

Những năm qua, huyện Đà Bắc đã tranh thủ các nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV).

Giá vàng "neo" gần mức cao kỷ lục trước triển vọng hạ lãi suất

Vàng vững giá trong phiên giao dịch ngày 26/8, gần mức cao kỷ lục gần đây, trước những dự đoán chắc chắn về việc cắt giảm lãi suất vào tháng Chín và nhu cầu trú ẩn an toàn do rủi ro địa chính trị ở Trung Đông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục