Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh được quan tâm đầu tư. (Ảnh tại xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn).
Hang Kia, Pà Cò là 2 xã đồng bào Mông thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu. Những năm gần đây, từ "điểm nóng” về ma tuý, bản Mông dần thành "điểm sáng” về phát triển du lịch cộng đồng. Kết quả đó ghi dấu nỗ lực bền bỉ của cấp uỷ, chính quyền và người dân. Đặc biệt là sự hỗ trợ thiết thực từ các CTMTQG, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Điển hình như việc triển khai Dự án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, từ năm 2019 - 2021, tổng kinh phí phân bổ, huy động, lồng ghép thực hiện dự án tại Hang Kia, Pà Cò trên 58 tỷ đồng. Qua đó, cơ sở hạ tầng của 2 xã được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đồng bộ. Đồng chí Phàng A Chà, Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò chia sẻ: Hạ tầng thiết yếu được đầu tư đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế. Từ những cây trồng truyền thống, hiệu quả kinh tế không cao như ngô, sắn, hiện nay ở Pà Cò đã có những hướng phát triển kinh tế mới. Nổi bật như phát triển du lịch cộng đồng, khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, hay các mô hình trồng cà chua và một số cây màu cho thu nhập cao hơn.
Là người trẻ nhạy bén trong phát triển kinh tế, anh Sùng A Việt, xóm Chà Đáy, xã Pà Cò nhận định, các hạ tầng thiết yếu được đầu tư, nhất là đường giao thông đã thôi thúc anh và bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Với vài ha đất trồng ngô trước đây, gia đình anh Việt đã chuyển sang trồng cà chua và một số loại rau màu khác. Sự nhạy bén đó đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình anh Việt, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Ở huyện vùng cao Đà Bắc, việc triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc đã giúp nhiều vùng đất khó chuyển mình. "Bên cạnh được đầu tư về đường giao thông, điện, thuỷ lợi, hàng năm hộ nghèo, hộ cận nghèo còn được hỗ trợ cây, con giống. Có những hộ nhờ được Nhà nước hỗ trợ bò giống, dê giống đã vươn lên thoát nghèo”, ông Triệu Tiến Tài, xóm Mạ, xã Tú Lý chia sẻ.
Tập trung lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Đó là một trong những nội dung trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Hiện thực hoá nội dung đó, đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp. Cùng với đó, công tác bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được phát huy; chất lượng giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là động lực để tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,49% (năm 2021) còn 9,2% (năm 2023). Trong đó, tỷ lệ giảm nghèo các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm từ 16,52% còn 9,8%; tỷ lệ giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn từ 34,08% còn 21,27%. Mức giảm này vượt mục tiêu Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III, năm 2019 đã đề ra.
Viết Đào
Sáng 7/11, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 10 nhằm kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024.