Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và cung ứng thực phẩm Đà Bắc (xã Tú Lý, huyện Đà Bắc) tham gia Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Sở Công Thương và UBND huyện Đà Bắc phối hợp tổ chức tháng 11/2024.
Trước năm 2021, kinh tế tập thể tại Hòa Bình đã có những bước phát triển nhất định, nhưng quy mô và tác động còn hạn chế. 27 hợp tác xã trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ cao và tiếp cận thị trường. Trong khi đó, 33 hợp tác xã thương mại - dịch vụ chủ yếu tập trung vào quản lý chợ và giao thông vận tải, quy mô hoạt động nhỏ lẻ. Trong lĩnh vực điện năng, 13 hợp tác xã kinh doanh điện đã góp phần đưa điện về nông thôn, nhưng vẫn còn những hạn chế về chất lượng hạ tầng.
Sau khi Nghị quyết số 06 được ban hành, Sở Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ khuyến khích phát triển kinh tế tập thể. Tính đến năm 2024, số lượng hợp tác xã trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng thêm 15 hợp tác xã, lĩnh vực thương mại - dịch vụ tăng 9 hợp tác xã.
Hoạt động tuyên truyền, đào tạo và hỗ trợ được đẩy mạnh thực hiện. Nhiều sản phẩm đặc trưng như cam, quýt Cao Phong, bưởi Tân Lạc, rau sạch được quảng bá rộng rãi qua các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn, Voso.vn, Sendo.vn.
Ngoài ra, Sở Công Thương tổ chức nhiều hội chợ kết nối cung cầu nhằm tăng cường sự liên kết giữa các hợp tác xã và thị trường tiêu thụ. Theo đồng chí Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, giai đoạn 2022 - 2024, ngành đã hỗ trợ xây dựng phần mềm bán hàng thông minh, xây dựng website thương mại điện tử, đăng ký tài khoản, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lên các sàn thương mại điện tử. Tổ chức triển khai các đề án khuyến công nhằm hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, thiết kế mẫu mã, bao bì… Cũng trong giai đoạn này, Sở Công Thương đã hỗ trợ 5 hợp tác xã với kinh phí hỗ trợ trên 1,1 tỷ đồng.
Mặc dù đạt nhiều kết quả, kinh tế tập thể của tỉnh vẫn còn những bất cập như: quy mô, năng lực sản xuất của các hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hạn chế, chưa tạo ra được các thương hiệu sản phẩm riêng; trong lĩnh vực điện năng, hạ tầng lưới điện chưa được nâng cấp đáp ứng yêu cầu, dẫn đến tình trạng quá tải ở một số khu vực; hạn chế trong quản lý, đào tạo nhân lực với đa số cán bộ hợp tác xã chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tiễn.
Đồng chí Dương Quốc Thắng cho biết: Trong thời gian tới, Sở Công Thương tập trung triển khai một số giải pháp quan trọng như: Tăng cường đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh nâng cấp lưới điện và cơ sở vật chất phục vụ sản xuất. Tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện về an toàn điện và chuyên môn nghề nghiệp cho lao động trong hợp tác xã. Về công tác chuyển đổi số, hỗ trợ đưa công nghệ số vào hoạt động của hợp tác xã như xây dựng website thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm qua các nền tảng trực tuyến. Tiếp tục tổ chức các hội chợ kết nối cung cầu, hỗ trợ hợp tác xã tham gia các sự kiện, chương trình quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền về vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo và tăng trưởng bền vững.
Với những giải pháp đã và đang triển khai nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế địa phương.
Minh Vũ