Hiện nay, việc ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) trong xúc tiến thương mại đã trở thành xu thế tất yếu đối với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Điều này thể hiện rõ nét khi hầu hết các đơn vị đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu đến với khách hàng nhanh và thuận tiện.


Người tiêu dùng tìm hiểu thông tin về sản phẩm nông sản của huyện Lạc Sơn tại hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024.

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả ứng dụng CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung vào nâng cao nhận thức, cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, nhất là tăng cường hoạt động kết nối cung - cầu. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp UBND các huyện triển khai các chương trình truyền thông, đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp. Các văn bản hướng dẫn, chính sách ưu tiên được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp địa phương trong CĐS.

Từ năm 2022 đến nay, thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành Công Thương đã tổ chức trên 50 lớp tập huấn, hỗ trợ trên 1.400 hộ sản xuất và hợp tác xã đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Tỉnh tổ chức hàng chục hội nghị và lớp đào tạo về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, góp phần đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm khi tham gia thị trường số. Ngành Công Thương hỗ trợ đưa thông tin 90 doanh nghiệp, 137 sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT tỉnh. Nền tảng này không chỉ tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP mà còn kết nối với sàn TMĐT hợp nhất như www.sanviet.vn giúp mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh hợp tác với các sàn TMĐT lớn (Postmart, Voso, Sendo) để phân phối sản phẩm nông sản đặc trưng, như cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc, rau sạch Lương Sơn… Điều này giúp các sản phẩm tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế.

Theo chị Vũ Thị Lệ Thuỷ, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm (Cao Phong), ứng dụng CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại không chỉ giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, qua đó doanh nghiệp nhìn nhận lại sản phẩm của mình, nhận ra các mặt còn hạn chế, thiếu sót, từng bước khắc phục, hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiểu rõ được điều đó, thời gian qua, 3T Farm và nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh đã tích cực hơn trong việc đăng ký tham gia chương trình xúc tiến thương mại do các sở, ngành, địa phương tổ chức.

Từ năm 2021 đến nay, đã có hàng trăm lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh tham gia các hội chợ tại tỉnh, trong nước và quốc tế như: Vietnam Expo, hội chợ OCOP Quảng Ninh và các sự kiện tại Nhật Bản, Đức, Hoa Kỳ. Các hoạt động này đã giúp doanh nghiệp địa phương quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và nâng cao giá trị thương hiệu.

Theo đồng chí Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, bằng nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực, hiện nay, việc số hóa dữ liệu và tích hợp các nền tảng CNTT đã được các doanh nghiệp tiếp cận, giúp doanh nghiệp quản lý tốt hơn quy trình sản xuất, tiếp thị và phân phối. Trên 80% doanh nghiệp tại Hoà Bình đã ứng dụng TMĐT vào hoạt động kinh doanh, trong đó, khoảng 30% có trang web riêng và cập nhật thường xuyên.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, quá trình CĐS tại tỉnh vẫn còn những hạn chế, trong đó phải kể đến hạ tầng CNTT chưa đồng bộ. Sự chênh lệch giữa các khu vực về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số khiến việc triển khai gặp khó khăn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự hiểu rõ lợi ích của CĐS, hoặc chưa có nguồn lực đủ mạnh để đầu tư vào công nghệ; các rủi ro về an ninh mạng đòi hỏi sự đầu tư lớn vào hệ thống giám sát, bảo vệ dữ liệu…

Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương, ngành đã tham mưu UBND tỉnh thời gian tới đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT, mở rộng kết nối internet đến các khu vực xa. Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và cộng đồng về lợi ích của CĐS. Phối hợp Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận chính sách ưu đãi và các nguồn lực cần thiết… Qua đó góp phần quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh và nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương.

Minh Vũ

 


Các tin khác


Nâng tầm thương hiệu cá tôm trên công trình thế kỷ

Không còn là con sông Đà hung dữ với lắm ghềnh, thác, một con ngựa bất kham như trong tác phẩm "Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân, nay dòng sông Đà hiền hoà, dịu êm sắc xanh của nước, núi non hoà quyện. Đặc biệt nghề nuôi cá lồng phát triển đã đem đến cho thực khách sản phẩm cá, tôm nức tiếng của con sông vỹ hùng.

Nhiều tiểu thương chọn mùng 2 Tết để mở hàng, lấy may đầu năm

Mùng 2 Tết, không khí xuân vẫn còn ngập tràn khắp phố phường, làng quê. Tuy nhiên, một số tiểu thương đã bắt đầu mở cửa kinh doanh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Số cửa hàng, sạp hàng tại chợ truyền thống… hoạt động trở lại ngày càng nhiều trong ngày mùng 3. 

Ngọt thơm bưởi đỏ Tân Lạc

Bưởi đỏ là giống cây trồng bản địa của huyện Tân Lạc. Nơi đây được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để trồng và phát triển cây bưởi đỏ. Với trên 80% diện tích là núi có độ cao trung bình khoảng 300 - 400m so với mực nước biển, bưởi đỏ của huyện Tân Lạc được trồng trên đất đồi có tầng canh tác dày, độ phì nhiêu, khả năng thoát nước tốt. Khí hậu, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, giúp quả bưởi hấp thụ được nhiều dưỡng chất… Cùng với đó là kỹ thuật canh tác bưởi đỏ của người dân địa phương đã tạo nên lợi thế riêng của vùng đất Mường Bi.

Khẳng định chất lượng sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã lan tỏa mạnh ở vùng nông thôn. Để đưa các sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, những năm qua, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), các hộ sản xuất trong tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ... vào quy trình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chú trọng đến những sản phẩm có chất lượng, từng bước tăng sức cạnh tranh và vị thế của sản phẩm OCOP Hòa Bình, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu.

Xây dựng ngành nông nghiệp xanh

Khai thác tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, đồng thời bắt nhịp và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp xanh đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã và đang chú trọng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao. Qua đó thúc đẩy xu thế sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục