Từ trồng chè, gia đình anh Bùi Văn Linh, thôn Tân Phú, xã Phú Thành có thu nhập ổn định 300 triệu đồng/năm.
Toàn xã Phú Thành hiện có trên 130 ha chè, chủ yếu là giống chè mới LDP1 cho hiệu quả, năng suất cao, trong đó có 120 ha thời kỳ kinh doanh. Xác định chè là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng phương pháp hữu cơ hoá vườn cây, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học vào sản xuất, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước và đưa cơ giới hoá vào thu hoạch thay thế sức người.
Anh Bùi Văn Linh - hộ dân trồng chè của xã chia sẻ: Gia đình hiện có 1,4 ha, trồng chè trên 15 năm nay. Giá hiện tại từ 200 - 250 nghìn đồng/kg chè khô. Với diện tích này, mỗi năm sau khi trừ chi phí đã cho gia đình thu lãi gần 300 triệu đồng. Áp dụng triệt để phương pháp hữu cơ hoá vườn chè, cứ hết vụ tháng 10, tháng 11, gia đình lại cầy xới 1 lần, bón phân hoai mục như phân trâu, bò, gà, vịt… ủ từ 6 tháng đến 1 năm mới đem ra bón, không dùng phân hoá học”.
Khi những đồi chè dần thích nghi với phương thức canh tác mới, hiệu quả về kinh tế còn được thể hiện ở chi phí chăm sóc giảm đáng kể so với dùng phân và thuốc trừ sâu hoá học. Chất đất đã không còn bị chai cứng mà trở nên tơi xốp, dễ canh tác. Cây chè khoẻ, sinh trưởng tốt, năng suất ổn định. Môi trường đất, nước và không khí dần được cải thiện. Từ chăm sóc, cắt hái đến sao sấy đều dùng bằng máy. Do vậy, năng suất và hiệu quả kinh tế, chất lượng chè đã được nâng lên, đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường. Đặc biệt chất lượng chè thay đổi rõ rệt, búp chè tươi có màu xanh sáng, lá chè dày, đọt ngắn, pha có vị đậm, mùi thơm đặc trưng. Hiện nay, sản lượng chè búp tươi của xã Phú Thành đạt từ 20 - 25 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí cho người trồng chè thu lãi trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Hiện nay, sản phẩm chè khô của huyện Lạc Thuỷ đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Để bảo vệ và phát huy giá trị của thương hiệu "Chè Sông Bôi”, huyện Lạc Thuỷ tiếp tục chỉ đạo việc chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Vận động nhân dân chuyển đổi những khu vườn tạp kém hiệu quả sang trồng chè. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá để khẳng định vị thế của sản phẩm "Chè Sông Bôi” đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo ngay trên mảnh đất quê hương.
Nguyễn Chung
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Lạc Thuỷ)