Các ngân hàng (NH) vẫn thu phí của người vay dù biết sẽ bị NH Nhà nước xử lý. NH Nhà nước Hà Nội và TP.HCM đã được yêu cầu giám sát, thanh tra và xử lý NH không thực hiện đúng quy định về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản.
Gánh nặng tiếp tục đè nặng lên nhiều doanh nghiệp vì phải chịu nhiều mức phí khi vay vốn - Ảnh: T.ĐẠM |
Hiện mức lãi suất vay vốn sản xuất kinh doanh theo quy định tối đa là 12%/năm nhưng một số người vay phải trả thêm phí 3-4%/năm, đẩy lãi suất thực phải trả lên 15-16%/năm.
Cầu viện đường dây nóng
Ông T., giám đốc một công ty viễn thông tại quận 2, cho biết vừa qua hỏi vay vốn sản xuất đã được NH thông báo lãi suất 1,5%/tháng (18%/năm), trong đó lãi suất là 1%, còn 0,5% là khoản phí quản lý tài sản. Dạo một vòng quanh các NH, giám đốc này phát hiện việc thu phí rất phổ biến, thậm chí bài bản.
NH có rất nhiều hợp đồng, bản cam kết với nhiều tên gọi và mức phí khác nhau tùy từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn nếu vay vốn sản xuất đơn thuần và thế chấp bằng nhà, đất thì phí quản lý tài sản sẽ 6%/năm, trường hợp thế chấp bằng xe phí 4-5%/năm. Tất cả loại phí này được thu theo quý...
Một lãnh đạo NH Nhà nước TP.HCM cho biết những ngày gần đây, số cuộc gọi vào đường dây nóng để phản ảnh bị thu phí vay vốn nhiều hơn so với thắc mắc về đóng cửa sàn vàng. Từ phản ảnh của người vay vốn, NH Nhà nước đã có danh sách và sẽ tiến hành thanh tra các NH này.
So với năm 2008 hình thức thu phí của NH tinh vi hơn, núp dưới dạng hợp đồng tư vấn tài chính, thu xếp vốn, quản lý tài sản... Tùy trường hợp, phí có tên gọi khác nhau và đều do các công ty con của NH thu trên hợp đồng vay vốn, NH chỉ thu lãi suất 12%/năm.
Thực tế nhiều doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất cao hơn mức quy định đã im lặng vì cầm được tiền “mừng muốn chết”. Cuối năm nơi nào cũng cần tiền, vay được là tốt rồi. Trước đó, nhiều người đã hi vọng sang năm 2010, việc vay vốn NH sẽ dễ dàng hơn do NH không còn bị khống chế bởi chỉ tiêu tăng tín dụng của năm 2009 mà nhiều NH đã sử dụng hết.
Đầu vào tăng, khó kềm đầu ra
Trong khi đó, NH cũng gặp khó khi chịu sức ép phải trả thêm lãi suất cho người gửi nhưng lại không được tăng lãi suất cho vay tương ứng. Một lãnh đạo NH cổ phần cho biết chỉ cho vay từ tiền trả nợ của khách hàng. Vốn huy động mới không tăng dù có trả thêm lãi suất. Ông này tính toán trên danh nghĩa NH trả cho người gửi tiền 10,49%/năm nhưng nếu cộng cả khoản thưởng, khuyến mãi lên đến gần 12%/năm.
Do vậy giá vốn mà các chi nhánh NH mua lại từ hội sở đã lên 14,5%/năm. Vì vậy phải cho vay với lãi suất 16-17%/năm mới có thể trang trải các chi phí hoạt động và khoản vượt trần lãi suất cho vay được thu dưới dạng phí.
Một thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng nên nghiên cứu cho phép NH được thu một số khoản phí hợp pháp để bù lại các chi phí mà NH đã bỏ ra khi huy động vốn và cho vay.
Để thoát cảnh tăng không được lùi cũng chẳng xong, một số NH đã tư vấn doanh nghiệp xuất khẩu chuyển sang vốn USD nhằm giảm bớt nhu cầu vốn VND. Tổng giám đốc một NH cho biết nguồn USD khá dồi dào. Hiện lãi suất vay USD chỉ 8-8,5%/năm, bằng một nửa so với vay VND. Doanh nghiệp xuất khẩu vay USD sẽ tiết kiệm được một nửa chi phí lãi vay, cũng không lo biến động tỉ giá do có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ. Về phía NH thì không phải chật vật xoay xở vốn VND để cho doanh nghiệp vay.
Theo Báo Tuoitre
Mặc dù còn gần 1 tháng mới đến Tết Nguyên đán Canh Dần - 2010 nhưng đến thời điểm này, hoạt động vận chuyển hành khách đã khá sôi động. Hầu hết các "nhà xe" đã có kế hoạch tăng giá vé. Tuyến tăng ít thì từ 7 - 10%, tuyến nhiều tăng từ 20 - 30%, cá biệt có tuyến tăng đến 50% so với mức giá cũ.
Để đối phó với khủng hoảng, ngân hàng cần đặt yếu tố quản trị rủi ro lên hàng đầu, có đội ngũ đủ khả năng phân tích, dự báo thị trường
(HBĐT) - Trong khi đất đai khu vực lân cận khá trầm lắng thì đất nền khu vực thành phố Hòa Bình có những dấu hiệu cho thấy cung vẫn chưa đáp ứng đủ cầu.
(HBĐT) - Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 37,8 triệu USD, vượt 5% so với kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu đạt 29 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2008.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (SBV) sẽ tuyên truyền rộng rãi mọi quy định liên quan đến giao dịch ngoại tệ để người dân nắm bắt thông tin
Hôm qua 14-1, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), dự án Sáng kiến cạnh tranh VN đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009. Đà Nẵng tiếp tục xếp hạng nhất, kế đến là Bình Dương, Lào Cai, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc... Bốn tỉnh có vị trí thấp nhất là Hòa Bình, Bắc Kạn, Đắc Nông, Cao Bằng.