Nông dân các xã vùng cao huyện Lạc Sơn ươm cây giống phục vụ trồng rừng kinh tế năm 2010.
(HBĐT) - Chủ trương trồng rừng kinh tế đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Nhiều hộ nông dân đã tự bỏ tiền túi ra trồng rừng. Các diện tích rừng trồng đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt.
Kết quả này là tiền đề quan trọng để Hoà Bình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế rừng ở giai đoạn sau với yêu cầu cao hơn, đó là trồng rừng theo các chương trình, dự án với các loại cây trồng có giá trị kinh tế nhằm nâng cao thu nhập của người dân, góp phần xóa nghèo bền vững. Phát triển kinh tế rừng là một hướng đi đầy triển vọng, tạo được việc làm thường xuyên cho đại đa số nông dân, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hạn chế thiên tai, bảo vệ môi trường, đồng thời nó sẽ là nguồn thu nhập lâu dài cho người nông dân góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Những mô hình kinh tế rừng hiệu quả
Chúng tôi đến thăm trại rừng của gia đình ông Bùi Thế Nụi ở xóm Mến Bôi, xã Hợp Kim, Kim Bôi. Chỉ tay lên quả đồi rộng 16,9 ha, ông Nụi cho biết: Trước kia, đây là đồi trọc toàn cỏ tranh, lau lách, đất xấu, toàn là đá tổ ong nên không ai dám nhận. Khi con trai ông đứng ra nhận giao đất thời gian 50 năm, ai cũng cho là liều lĩnh. Đến nay, rừng của ông đã được 3 chu kỳ và đang phát huy hiệu quả. Toàn bộ trang trại rừng của ông đều do 2 người cháu trực tiếp trồng, chăm sóc và trông coi rừng.
Anh Nguyễn Văn Tài, xóm Om Làng, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn cho biết: Tổng diện tích rừng của gia đình anh là 10 ha. Đây là diện tích được giao theo Nghị quyết 02 về giao đất giao rừng của Chính phủ. Ngày đó, mảnh đất gia đình anh được giao khoán rất hoang vu, cây cối rậm rạp. Đặt chân lên mảnh đất này, anh đã bỏ nhiều công sức cải tạo rừng, phát bỏ diện tích rừng nứa, hiệu quả kinh tế thấp, chuyển sang trồng keo. Đến nay, anh có trang trại tổng hợp VACR bạt ngàn keo với thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm. Anh cho biết: Điều kiện khí hậu, chất đất ở đây rất thuận lợi để phát triển rừng kinh tế, nhất là trồng keo. Trồng keo chi phí thấp, nhanh quay vòng lại cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người dân trong xã đã chuyển đổi rừng tạp sang trồng keo. Chỉ tay vào cánh rừng keo xanh bạt ngàn đang khép tán anh Tài vui mừng nói: Sau chu kỳ 1 từ năm 2000-2007, rừng keo của anh cho thu nhập 250 triệu đồng, giờ đang là chu kỳ 2, chỉ 3 năm nữa, diện tích keo sẽ cho thu hoạch, gia đình anh sẽ có trong tay hàng trăm triệu đồng…Không chỉ có gia đình anh Tài mạnh dạn chuyển diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng keo, phong trào trồng rừng kinh tế đã phát triển mạnh ở Lương Sơn.
Trồng rừng kinh tế - hướng đi đúng và bền vững
Người dân tham gia trồng rừng được hướng dẫn kỹ thuật tỉ mỉ theo cách vừa đào tạo nghề, vừa “cầm tay chỉ việc”, tận tình tuỳ trình độ của từng người. Giá trị, hiệu quả của rừng sản xuất đã được thực tế chứng minh là không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn vươn lên ổn định cuộc sống. Nhận thức của bà con về nghề rừng đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước đầu tư giống, vốn, phân bón, kỹ thuật, người dân góp đất, nhân công trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, các dự án trồng rừng không chỉ bổ sung kiến thức trồng rừng thâm canh mà còn nâng cao nhận thức phát triển kinh tế đồi rừng, sớm đem lại thu nhập, từng bước thay đối tập quán du canh, đốt nương làm rẫy cho bà con.
Với sản lượng như hiện nay, đối với keo lai đạt từ 80 đến 100 m3/ha và giá thành từ 600.000-1 triệu đồng/ste thì 1 ha rừng trồng đạt tới 60 đến 100 triệu đồng. Ông Đinh Văn Dực, Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi khẳng định: Phong trào trồng rừng đã tạo thêm việc làm, đem lại thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng số hộ khá giàu ở địa phương. Rừng kinh tế ở Kim Bôi còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực khác, như tăng độ che phủ, bảo vệ môi trường sinh thái, điều hòa nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp của địa phương, tránh được tình trạng ao hồ cạn kiệt trong mùa khô hạn trước đây.
Ðiều có ý nghĩa hơn cả trong việc trồng rừng ở Hoà Bình hiện nay là tỉnh đã xác định và xây dựng được bộ giống cây trồng thích hợp để trồng rừng kinh tế gồm: keo lá tràm, keo lưỡi mác, keo tai tượng, keo lai, và một số cây bản địa có ở rừng tự nhiên trong toàn tỉnh. Tính ra, cứ một ha rừng cây keo, chi phí bỏ ra ban đầu không quá bảy triệu đồng, sau từ 5 đến 7 năm cho thu hoạch ít nhất từ 40 đến 60 triệu đồng/ha. Ðầu ra của cây keo hiện nay lại hết sức thuận lợi, cung cấp gỗ làm nhà, làm đồ gia dụng, bàn ghế học sinh, và nguyên liệu dăm giấy cho xuất khẩu. Chính điều này góp phần thúc đẩy tích cực việc trồng rừng ở các huyện trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh được biết, hàng năm tỉnh ta đặt ra kế hoạch trồng mới từ 8.000-8.500 ha rừng nhưng luôn vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2008, toàn tỉnh trồng mới gần 11.000 ha rừng, năm 2009 trồng mới 9.500 ha rừng. Có được kết quả đó là tỉnh đã đạt được các tiến bộ trong ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống cây con bằng mô hom và các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để phát triển rừng. Hiện, mỗi năm toàn tỉnh gieo ươm được từ 10 triệu đến 12 triệu cây con, thỏa mãn nguồn giống tại chỗ phục vụ cho việc trồng rừng. Bên cạnh đó, tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, tiến hành giao đất, giao rừng cho dân quản lý để góp phần nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc bảo vệ và làm giàu vốn rừng. Toàn bộ diện tích rừng đã cơ bản được giao cho các đơn vị và hộ gia đình nhận chăm sóc và quản lý. Nhiều địa phương đã xây dựng mô hình nhận quản lý, chăm sóc rừng tự nhiên theo cộng đồng thôn bản và nhóm hộ, với phương châm "lấy rừng nuôi rừng, lấy rừng nuôi dân", người dân được hưởng lợi từ việc khai thác gỗ rừng theo quy định của UBND tỉnh, thay vì đầu tư kinh phí từ ngân sách như trước đây, nên được nhân dân đồng tình ủng hộ cao, rừng ngày càng xanh tốt. Qua phong trào trồng rừng kinh tế, nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập ổn định.
Để kinh tế rừng phát triển bền vững, thời gian tới Hoà Bình sẽ tiếp tục thu hút các doanh nghiệp liên kết với người dân trong trồng rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các hộ dân để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng kinh tế, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án chế biến nông lâm sản tạo đầu ra ổn định cho người dân trồng rừng góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương.
Hải Linh
Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” giờ đây đã trở thành một chủ trương được nhiều ngành tham gia. Điều này khích lệ doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và kích thích tinh thần yêu nước cũng như ý thức dân tộc.
Nhờ sản phẩm bán chạy, thu lãi lớn trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều làng nghề ở ĐBSCL ăn Tết Canh Dần rôm rả hơn mọi năm
Người dân ĐBSCL vừa đón tết Canh Dần rất sung túc, đầm ấm, vui tươi… nhà nào cũng hân hoan bởi tết năm nay nhiều loại nông thủy sản được giá cao, thu nhập khá. Trong khi đó, nhiều công trình lớn như đường cao tốc TPHCM - Trung Lương vừa đưa vào khai thác, dự án Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu đã khởi công, cầu Cần Thơ sắp hoàn thành… sẽ là động lực để ĐBSCL tăng tốc trong năm 2010. Nhân dịp đầu Xuân Canh Dần, PV Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến của lãnh đạo một số tỉnh ĐBSCL, doanh nghiệp… về những triển vọng kinh tế trong năm mới.
Phát huy truyền thống và phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", trở về các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn, các cựu chiến binh đã không cam chịu đói nghèo, biết khai thác tiềm năng thế mạnh của mỗi vùng quê, trở thành những tấm gương sáng về phát triển kinh tế.
(HBĐT) - Xuống đồng những ngày đầu năm mới, nông dân khắp nơi trong tỉnh đang có chung niềm lạc quan phơi phới khi tiết trời se sắt lạnh và lất phất mưa phùn đã ban tặng vụ chiêm xuân 2010 một sự khởi đầu tốt đẹp. Bà con nông dân tin tưởng rằng vụ chiêm xuân năm nay, “ông Ba Mươi” sẽ tiếp tục mang tới cho họ nhiều may mắn.
Rất đông khách du lịch nước ngoài đã chọn Huế làm điểm đến nhân dịp Tết Canh Dần. Trong các ngày từ 30 đến mồng ba Tết âm lịch, các khách sạn hạng sang từ 3 đến 5 sao như Hương Giang, Century... có công suất sử dụng buồng phòng đạt 40-60%.