Theo Bộ Tài chính, quỹ sẽ giúp ích rất lớn cho nông dân trồng lúa và sẽ hài hoà lợi nhuận với cả thương lái thu mua, thay vì đi ép nông dân.
Trong đề án để trình Chính phủ phê duyệt về việc lập quỹ bình ổn thị trường lúa gạo khoảng 1.000 tỉ đồng/năm, Bộ Tài chính đề xuất giải pháp là thu 30% lợi nhuận trước của gạo, đồng nghĩa với việc "lược" bớt lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng Bộ Tài chính nên thu theo con số tuyệt đối, dựa vào đầu tấn gạo xuất khẩu, nhưng không vượt quá 1 USD/tấn.
Quỹ sẽ giúp ích cho hàng triệu nông dân
Theo đề án mà Bộ Tài chính lập và lấy ý kiến về việc lập quỹ bình ổn thị trường lúa gạo thì các DN xuất khẩu gạo hiện chỉ tổ chức mạng lưới mua lúa trực tiếp của người sản xuất được khoảng 20% lượng lúa. 80% còn lại mua qua trung gian và lực lượng này luôn tạo xu thế ép giá bán của người sản xuất. Vì vậy, lợi nhuận của người sản xuất luôn bị giảm sút.
Trong quá trình kinh doanh, người trồng lúa cũng nhận biết được điều đó nhưng không thể tự khắc phục để giảm thiểu sự tác động bất lợi của thị trường mà đòi hỏi phải có sự can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước.
Vì vậy quỹ bình ổn sẽ bảo hộ cho người trồng lúa bù đắp được chi phí sản xuất, nhất là khi giá thị trường hạ xuống thấp hơn chi phí sản xuất. Quỹ cũng đảm bảo để người sản xuất có lãi tối thiểu 30%, góp phần tiêu thụ hết lúa hàng hóa, xử lý việc phân phối thu nhập hợp lý giữa các tầng lớp dân cư, chống lại xu hướng giảm sút thu nhập của người trồng lúa so với các ngành nghề khác, bù đắp phần chênh lệch giữa giá thị trường và giá sàn...
Tất nhiên, quỹ này cũng sẽ hỗ trợ cả DN xuất khẩu gạo khi tình hình xuất khẩu không có lợi. Để hình thành quỹ này, Bộ Tài chính đề xuất thu 30% lợi nhuận trước thuế của gạo
xuất khẩu thay vì lấy từ ngân sách. Đồng nghĩa với việc DN xuất khẩu gạo – đối tượng chỉ làm 10% công việc nhưng hưởng 70% giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất chế biến xuất khẩu gạo - sẽ “chia” một khoản lợi nhuận không nhỏ cho nông dân, đối tượng làm tới 60% công việc.
VFA vừa đồng tình, vừa phản đối
Nông dân sẽ hưởng lợi nhiều hơn nhờ quỹ bình ổn thị trường lúa gạo. Ảnh: Ngô Nguyên. |
Trao đổi với PV Lao Động hôm 23.2, ông Phạm Văn Bảy (Phó Chủ tịch VFA) cho hay VFA đã gửi văn bản đóng góp kiến nghị đến Bộ Tài chính về nội dung trên, nhưng hiện bộ này vẫn chưa có hồi âm.
Theo ông Bảy, VFA cũng như các DN xuất khẩu gạo là hội viên đồng tình với việc thành lập quỹ bình ổn lúa gạo. Đây là việc làm sẽ có lợi cho nông dân trồng lúa, nhà xuất khẩu và cả người tiêu dùng gạo trong nước!” - ông Bảy nói!
Tuy nhiên, VFA cho rằng cách thu mà Bộ Tài chính đề xuất rất chung chung khiến DN cũng bó tay trong phương thức tính toán. Đơn cử trường hợp DN xuất khẩu gạo lớn nhất nước hàng năm xuất khoảng 3 triệu tấn gạo, chiếm ½ tổng gạo xuất khẩu cả nước năm 2009 là TCty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2). Năm 2009, Vinafood 2 có lợi nhuận trước thuế là 886 tỉ đồng, nhưng không chỉ từ kinh doanh gạo mà còn từ các ngành nghề khác như sản xuất bột mì, mì ăn liền, chế biến thủy sản.
Nếu thu theo cách làm của Bộ Tài chính, Vinafood 2 sẽ bị thu trên 230 tỉ đồng trong tổng 886 tỉ đồng. Như thế mặt hàng thủy sản, mì bị... thu nhầm. Còn nếu tách riêng khoản lợi nhuận trước thuế của gạo để đóng quỹ, theo ông Nguyễn Thọ Trí (Phó Tổng GĐ Vinafood 2) thì không phù hợp quy định pháp luật. Lý do là bởi chỉ có ngành nghề kinh doanh đặc thù như bất động sản mới được phép tách riêng trong tổng ngành nghề trong một Cty để tính thuế.
Mặt khác, theo ông Bảy phân tích thì xuất khẩu gạo có lúc lời, lúc hòa vốn, thậm chí lỗ. Nếu cứ đè ra thu 30% lợi nhuận trước thuế thì sau khi đóng thuế, lợi nhuận của DN sẽ giảm đi rất lớn.
Theo VFA, Bộ Tài chính nên thu theo con số cụ thể, thay vì 30% rất chung chung. Con số cụ thể này dựa vào đầu tấn gạo xuất khẩu chứ không theo khoản lợi nhuận trước thuế. Ông Bảy nói: “Bộ Tài chính nên thu tối đa là 1USD/tấn gạo xuất khẩu là hợp lý nhất. Chẳng hạn năm 2009, các DN xuất khẩu được tổng cộng 6 triệu tấn gạo thì thu tối đa 1USD/1 tấn, quỹ sẽ có khoản tiền 6 triệu USD”.
VFA còn cho rằng, một phần thuế thu nhập doanh nghiệp của hoạt động xuất khẩu gạo, lẽ ra phải nộp vào ngân sách, chuyển sang cho quỹ, như vậy mới tạo công bằng hơn trong kinh doanh lúa gạo.
Theo Báo Laodong
Giá bán điện bình quân năm 2010 sẽ tăng lên 6,8% so với giá bình quân thực hiện năm 2009 và áp dụng từ ngày 1/3 tới.
Ngoài lý do tăng giá xăng kém thuyết phục, thời điểm tăng giá rất bất lợi cho người tiêu dùng và sự ổn định của nền kinh tế nước ta
Với chênh lệch lãi suất giữa USD và VNĐ quá lớn, có thể trong thời gian tới, doanh nghiệp gửi USD tại các ngân hàng sẽ ồ ạt chuyển sang tiền đồng. Khi đó, cung USD tăng lên, tỉ giá ngoại tệ tự do sẽ giảm mạnh
Mới qua những ngày Tết Nguyên đán, mặc dù chưa đến thời điểm ngành thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nhưng với việc tăng giá hàng hoá tiêu dùng trong những ngày tết, cùng với việc tăng tỉ giá ngoại tệ, tăng giá xăng, chuẩn bị tăng giá điện, than… hàng loạt giá dịch vụ đang đứng trước khả năng đua nhau tăng giá, bởi lý do phải chịu ảnh hưởng của các yếu tố tăng giá “đầu vào” nêu trên.
(HBĐT) - Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định số 6709/QĐ-BCT về việc giao Kế hoạch kinh phí khuyến công Quốc gia năm 2010 (đợt 1) cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp các địa phương. Theo đó, Hoà Bình được giao kinh phí tổ chức 2 lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm tại huyện Lạc Sơn.
(HBĐT) - Trần Đức Tâm - một người con sinh ra trên quê hương Hoà Bình sinh sống hơn 10 năm tại Sài Gòn đã tạo dựng sự nghiệp và xây dựng được thương hiệu Liên Hoàn Mỹ phát triển, khẳng định vị thế kinh doanh của doanh nghiệp trong và ngoài nước.