"Có điều đáng mừng là lâu lắm hệ thống ngân hàng lại quay về trạng thái tăng trưởng huy động vốn cao hơn cho vay", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nói khi trả lời phỏng vấn về tình hình điều hành chính sách tiền tệ hiện nay.
Theo ông, lạm phát đang trong tầm kiểm soát, CPI tháng 7/2010 chỉ tăng 0,06% so với tháng 6, và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tiếp thêm vốn cho nền kinh tế, tập trung vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; lĩnh vực xuất khẩu và các doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Thưa Thống đốc, Chính phủ và các bộ, ngành đã khá thành công trong việc kiểm soát lạm phát. Liệu đây có phải là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hơn chính sách tiền tệ?
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã rất linh hoạt trong việc điều hành chính sách tiền tệ để hài hoà hai mục tiêu kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng.
Trong 3 tháng đầu năm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân tăng mạnh, lượng tiền gửi tại các ngân hàng sụt giảm, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra một lượng tiền lớn để hỗ trợ và hút về ngay sau đó để điều hoà thị trường. Tiếp đó, theo chủ trương của Chính phủ trong Nghị quyết 18 là hỗ trợ khu vực nông nghiệp, nông thôn, kích thích xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực điều tiết nguồn vốn của nền kinh tế vào các hướng này.
Cụ thể, đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã tái cấp vốn cho VietinBank 10.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi xuất khẩu; Ngân hàng Nhà nước cũng cung ứng cho Agribank 10.000 tỷ đồng và trên thực tế, ngân hàng này đã cho vay tới 12.000 tỷ đồng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để kích cầu đầu tư.
Nói như vậy để thấy rằng, Ngân hàng Nhà nước đã bám rất sát diễn biến của CPI để điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hợp lý, có định hướng và trọng tâm vào các khu vực ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng.
Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng, trong quý 1 và quý 2/2010, tăng trưởng tín dụng khá “chậm”. Quan điểm của Thống đốc như thế nào về vấn đề này?
Tính đến hết ngày 31/7, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,96%; huy động vốn tăng 16,3%; dư nợ tín dụng tăng 12,97% so với cuối năm ngoái. So với mục tiêu cả năm là tổng phương tiện thanh toán tăng 20% và tăng trưởng tín dụng ở mức 25% thì không hề chậm.
Mặt khác, nếu so sánh với các chỉ tiêu này năm 2009 thì cũng chưa chuẩn xác vì năm 2009 là năm mà các ngân hàng đẩy mạnh cho vay theo chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ.
Tỷ giá trên thị trường vừa có những biến động tuy không lớn nhưng cũng khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại. Ông nhận định như thế nào?
Các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện vẫn lành mạnh. Dù chúng ta vẫn đang nhập siêu nhưng thâm hụt thương mại đang được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, các yếu tố bù đắp cho cán cân thương mại cũng khả quan.
Cụ thể, dù số vốn đăng ký không tăng nhưng thực tế giải ngân FDI lại đạt tới 6,4 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Kiều hối cũng tăng trưởng nhanh tới 24,6% trong 6 tháng đầu năm, đạt 3,9 tỷ USD. Thậm chí, nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng thặng dư gần 300 triệu USD. Với tình hình kinh tế vĩ mô khả quan như vậy tỷ giá sẽ ổn định.
Dù Chính phủ đã có chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước cũng rất tích cực nhưng doanh nghiệp phản ánh khó tiếp cận mức lãi suất ưu đãi 12-13%/năm. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Khi đã chuyển cách điều hành theo lãi suất cơ bản sang cơ chế lãi suất thỏa thuận thì lãi suất tăng hay giảm tùy thuộc vào quan hệ cung cầu và diễn biến của kinh tế vĩ mô. Thị trường sẽ phân thành 3 nhóm, lãi suất cực cao, cao trung bình và thấp nhất.
Đối với các khu vực, lĩnh vực được ưu đãi theo tinh thần của Nghị quyết 18, các ngân hàng đều cho vay với lãi suất thấp. Chẳng hạn với khu vực nông thôn, hiện BIDV cho vay thấp nhất 12%; Vietcombank 12,3%; còn Vietinbank và Agribank 12,5%. Hay như đối với lĩnh vực xuất khẩu, Vietinbank cũng chỉ cho vay với lãi suất 11%/năm đối với VND và 4%/năm đối với USD.
Còn đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng xa xỉ hay cho các hoạt động có lợi nhuận cao, đi kèm với nó là rủi ro cực lớn, thì lãi suất phải cao. Tôi đang yêu cầu thống kê cụ thể xem nhóm này chiếm bao nhiêu trong cơ cấu tín dụng của toàn hệ thống, từ đó sẽ kết luận tỷ lệ hưởng lãi suất thấp là nhiều hay ít.
Vậy định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước những tháng cuối năm như thế nào, thưa Thống đốc?
Các giải pháp điều hành sẽ tập trung sao cho đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%, góp phần tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% hoặc trên.
Dĩ nhiên, sẽ có điều chỉnh hợp lý khi diễn biến bất thường.
Có điều đáng mừng là lâu lắm hệ thống ngân hàng lại quay về trạng thái tăng trưởng huy động vốn cao hơn cho vay. Cuối năm huy động vốn có thể giảm bớt do tính mùa vụ, nhưng điều đó cũng không đáng ngại bởi thực tế tiền gửi vào ngân hàng vẫn khá đều đặn và ngân hàng đang là kênh đầu tư hấp dẫn.
Ngân hàng Nhà nước sẽ có các biện pháp hỗ trợ ngân hàng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho những ngân hàng có dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn ở mức cao. Riêng với Agribank, sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm vốn trung dài hạn, dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng.
Ước tính số vốn Ngân hàng Nhà nước cung ứng thông qua nghiệp vụ tái cấp vốn để các ngân hàng cho vay nông nghiệp nông thôn sẽ vào khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 10.000 tỷ đồng dành cho trung dài hạn. Như vậy có thể yên tâm dư nợ tín dụng sẽ tăng trưởng tốt.
Theo VnEconomy
(HBĐT) - Công ty TNHH thương mại Tuổi Trẻ là một trong những doanh nghiệp lớn mạnh và có uy tín tại tỉnh, trong những năm qua, Công ty đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển hệ thống thương mại trên địa bàn tỉnh với nhiều ngành nghề kinh doanh.
Nên sớm bãi bỏ quy định vay vốn liên ngân hàng để thị trường hoạt động minh bạch. Ngân hàng Nhà nước nên mua lại cổ phần của ngân hàng “sức khỏe” yếu, rồi tiến hành sáp nhập
Chỉ trong bảy tháng đầu năm VN đã nhập khẩu hơn 1,4 triệu tấn lúa mì, bằng lượng nhập khẩu của cả năm 2009 và gấp hơn hai lần năm 2008.
Đây là lần tăng giá khá "khôn ngoan" của các hãng sữa khi mức tăng không quá ồn ào lại vừa lách được quy định quản lý.
(HBĐT) - Sáng 1/8, Công ty CP cà phê Thái Hòa Hòa Bình đã tổ chức xuống giống trồng cà phê niên vụ 2010. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo sở NN&PTNT, Huyện uỷ, UBND, các ban, ngành, đoàn thể huyện Lạc Sơn, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tập đoàn Thái Hòa, đại diện cấp uỷ, chính quyền 2 xã Ngọc Lâu, Ngọc Sơn.
(HBĐT) - Trong 5 năm qua, cùng với việc hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách, Chi cục Thuế huyện Lương Sơn đã có những bước tiến quan trọng trong việc quản lý thuế, kiện toàn bộ máy và cơ chế quản lý, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.