Dù mấy ngày nay tỉ giá bình quân liên NH lập đáy mới, nhưng theo nhiều chuyên gia, tỉ giá vẫn là vấn đề cần cảnh giác trong những tháng cuối năm 2011.
Trong hai ngày 4 và 5.7, NHNN công bố tỉ giá 20.613 đồng/USD, đây được coi là là mức thấp nhất của tỉ giá bình quân liên ngân hàng (NH) kể từ ngày 11.2.2011. Nhưng điều bất ngờ là nhiều chuyên gia NH cho rằng: Vấn đề tỉ giá có thể “trông vậy mà không phải vậy” vì những lý do dưới đây:
VND vẫn đang định giá khá cao so với USD
Theo thuyết cân bằng sức mua (mức thay đổi tỉ giá trong kỳ bằng mức chênh lệch lạm phát kỳ vọng giữa hai đồng tiền) thì VND đang bị đánh giá cao. Dù đợt điều chỉnh tỉ giá USD/VND của NHNN ngày 11.2.2011 tuy khá mạnh (+9,3%) nhưng mới khắc phục được mức đánh giá cao VND được tích lũy trong giai đoạn trước đó. Mức tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.2011 của Việt Nam là 13,29% so với tháng cuối năm 2010, tăng 20,82% so cùng kỳ năm trước, trong khi đó CPI đến tháng 5.2011 của Mỹ mới tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng mức biến động tỉ giá danh nghĩa USD/VND từ thời điểm 11.2.2011 đến ngày 30.6.2011 lại giảm 0,01% (-75 đồng). Như vậy rõ ràng VND đang được định giá cao hơn so với USD. Một đồng tiền bị định giá cao thường khuyến khích gia tăng nhập khẩu và hạn chế xuất khẩu khiến mức độ thâm hụt cán cân thương mại ngày càng gia tăng.
Nhu cầu mua USD thanh toán nợ vay ngoại tệ
Trong vòng 2 năm nay, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay ngoại tệ của các NHTM rất cao. Năm 2010, tín dụng ngoại tệ tăng 49,3%, trong khi tín dụng VND chỉ tăng 25,3%. Đến cuối tháng 6.2011, tốc độ tăng dư nợ ngoại tệ tăng 22,4%, trong khi tín dụng VND chỉ tăng 2,6%. Cách đây 3 năm, dư nợ tín dụng ngoại tệ chỉ chiếm khoảng 20%/tổng dư nợ cho vay, đến nay tỉ trọng này đã tăng lên khoảng 24% cho dù NHNN đã có thông tư số 07/2011/TT-NHNN thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ (chỉ còn khách hàng có nguồn vốn đối ứng để trả nợ).
Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do chính sách tiền tệ thắt chặt, các doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận nguồn vốn VND phải quay sang vay ngoại tệ, rồi bán ngoại tệ lấy VND để sản xuất-kinh doanh (đây là hiện tượng có người gọi là sức ép tạo cung ảo). Mặt khác, theo tính toán của DN vay USD có lợi hơn. LS vay USD hiện tại khoảng 5,5%-8%/năm và tỉ giá có thể ổn định trong vòng 6 tháng. trong khi đó vay VND DN phải chịu LS từ 20%- 26%/năm. Như vậy chênh lệch LS giữa việc vay bằng hai loại tiền từ 14,5% đến 19%/năm. Chỉ cần làm con tính như vậy các DN thường chọn cách vay ngoại tệ, còn tiền Việt thì gửi NH lấy lãi suất 14%/năm (danh nghĩa) còn LS tiền gửi thực tế ở NH còn cao hơn (18%-19%/năm). Với số dư nợ cho vay ngoại tệ lớn như vậy, đến kỳ đáo hạn (thường NH cho vay ngoại tệ có kỳ hạn dưới 1 năm), DN phải mua USD để trả nợ NH. Giá trị ngoại tệ vay càng lớn thì nhu cầu mua ngoại tệ trả nợ càng cao. Cầu tăng, tỉ giá sẽ tăng.
Dự trữ ngoại hối chưa đủ duy trì lòng tin
Gần đây có thông tin NHNN đã mua thêm được gần 3 tỉ USD để tăng dự trữ ngoại hối (DTNH). Như vậy, có thể dự đoán mức DTNH hiện của Việt Nam vào khoảng trên/dưới 15 tỉ USD. Với con số này quy mô DTNH của Việt Nam thấp hơn rất nhiều ngay cả khi so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Số lượng DTNH như vậy chưa đủ duy trì lòng tin của các thành viên thị trường về khả năng can thiệp vào thị trường ngoại hối để tác động lên tỉ giá hối đoái.
Chưa giải quyết căn bản nguyên nhân chênh lệch cung-cầu
Theo một chuyên gia NH các biện pháp bình ổn tỉ giá vừa qua chủ yếu mới là các biện pháp hành chính. Vì vậy chỉ có tác động giảm biến động tỉ giá trong ngắn hạn. Ở đây, tác động tâm lý của người nắm giữ ngoại tệ cũng đóng một vai trò quan trọng khi họ đang tin rằng tỉ giá sẽ ổn định lâu dài.
Đến nay, nguyên nhân căn bản (cán cân thương mại) làm tỉ giá biến động (chênh lệch cung - cầu) chưa được giải quyết. Dù 6 tháng đầu năm XK tăng 30%, nhưng mức nhập siêu cùng kỳ vẫn ở mức 6,65 tỉ USD. Trong những tháng cuối năm, XK của Việt Nam còn nhiều khó khăn do năng lực cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam đang bị yếu đi do lạm phát, do năng suất lao động thấp và chi phí đầu vào (trong đó có LS vay NH) quá cao...Vì vậy, chênh lệch cung-cầu ngoại tệ của Việt Nam trong năm 2011 cũng chưa hy vọng cải thiện được nhiều.
Để nền kinh tế ổn định, giảm thâm hụt thương mại, Chính phủ cho biết sẽ điều hành đồng bộ các chính sách thương mại, đầu tư, tài khóa, tuyên truyền. Đối với chính sách tiền tệ nên xem xét tiếp tục điều chỉnh tỉ giá USD/VND để hạn chế nhập khẩu, khuyến khích gia tăng xuất khẩu. Chỉ đạo của Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm là “duy trì tỉ giá hợp lý”. Mức tỉ giá hợp lý đó phải là mức tương đối hợp lý cân bằng sức mua của VND đối với USD.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của nhân dân và các doanh nghiệp, tình hình KT – XH trên địa bàn TP Hòa Bình đảm bảo ổn định, thu NSNN cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển.
Giá vàng trong nước sáng 4-7 chỉ giảm nhẹ so với phiên cuối tuần, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lên đến 600.000 đồng/lượng.
Theo cân đối đến năm 2015, TKV sẽ phải nhập khẩu khoảng 6 triệu tấn than phục vụ nhu cầu trong nước, chủ yếu là các nhà máy điện chạy than. Nhưng hiện tình hình NK than không đơn giản, có tiền cũng chưa chắc đã nhập khẩu được.
Chỉ dùng thẻ ATM để rút tiền mặt, đặt mua hàng qua mạng rồi lại đến tận cửa hàng để trả tiền, phí nội mạng chồng phí ngoại mạng… những rắc rối ấy trong thực tế thị trường thanh toán điện tử hiện nay cho thấy nỗ lực khuyến khích người dân giảm bớt việc dùng tiền mặt trong thanh toán chưa đi đến đâu.
Chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào và lãi suất vay vốn tiếp tục tăng cao trong khi thị trường lại biến động khó lường. Đây là những khó khăn chủ yếu mà ngành công thương tiếp tục phải tập trung tháo gỡ để có thể “về đích” 2011.
(HBĐT) - Xã Mãn Đức (Tân Lạc) có 10 xóm, tổng số 1.039 hộ, 4.256 nhân khẩu, trong đó, dân tộc Mường chiếm gần 80%. Với địa hình vùng thấp, có trục đường quốc lộ 12B đi qua và tuyến đường liên xã nối liền các xã vùng sâu của huyện giúp xã có thuận tiện trong đi lại, giao thương, buôn bán, vận chuyển hàng hóa các vùng, miền.