Quốc lộ 21 đoạn qua thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) ngập tràn nước sau cơn mưa cuối tháng 6/2012.
(HBĐT) - Gần 2 năm qua, do tình trạng thi công dở dang kéo dài và ảnh hưởng của thời tiết cùng sự tàn phá của các loại xe quá khổ, quá tải, cả tuyến QL 21 với chiều dài 19,8 km đi qua các xã Phú Thành, Phú Lão, Cố Nghĩa, Lạc Long, Đồng Tâm, thị trấn Chi Nê bị xuống cấp nghiêm trọng dẫn đến tình trạng mưa thì lầy, nắng thì bụi khiến việc đi lại của người và phương tiện tham gia giao thông hết sức khó khăn.
Ông Bùi Văn Đức, Đội phó Đội CSGT Ba Hàng Đồi cho biết: Do thi công dở dang, kéo dài nên gần 2 năm qua, mặt đường QL 21 hầu như bị “cầy nát” hoàn toàn các phương tiện đai lại rất khó khăn. Đã có nhêìu xe ôtô bị gẫy nhíp, xô gầm dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông xảy ra liên tục. Không ít xe bị sa lầy, sạt gầm. Tuy nhiên việc phân luồng, giải tỏa ở đây rất khó khăn vì không có phương tiện cứu hộ.
Ông Trần Quang Minh, lái xe khách tuyến Hòa Bình - Phủ Lý phàn nàn: Điểm đầu của tuyến đường là xã Phú Thành và điểm cuối là xã Đồng Tâm chưa đầy 20 km nhưng đường quá xấu nên mỗi lần đi tuyến đường này xe chúng tôi phải mất gần 2 tiếng mới qua được, vừa tốn nguyên liệu, vừa hại xe lại mất nhiều thời gian.
QL 21 bị đào với nham nhở, thi công dở dang kéo dài khiến tuyến đường liên xã từ Khoan Dụ qua Liên Hòa ra đường Hồ Chí Minh đã bị ảnh hưởng lớn bởi các loại phương tiện cơ giới lưu thông. Bà Bùi Thị Lan ở xã Liên Hòa bức xúc nói: Gần 2 năm qua, nhiều xe trọng tải lớn đi vào tuyến được này. Họ giải thích do QL21 làm chưa xong đi lại rất khó khăn nên phải tìm vào đường liên xã. Hơi xa một chút nhưng đi lại thuận tiện hơn. Tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài thì quốc lộ chưa xây dựng xong, đường liên xã đã bị phá nát. Đường liên xã đã xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông, SX-KD và đời sống dân sinh trên địa bàn.
Dự án cải tạo, nâng cấp QL21 được Bộ GT-VT phê duyệt tháng 6/2009. Khởi công xây dựng tháng 9/2010 với tổng mức đầu tư 278 tỷ đồng. Công tác đền bù GPMB liên quan đến trên 1.300 hộ, kinh phí ước khoảng 90 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2012, Hội đồng GPMB huyện Lạc Thủy đã bàn giao cho đơn vị thi công được 8/19,8 km. Các hộ bị ảnh hưởng ở các xã Phú Lão, Đồng Tâm, Lạc Long đã được chi trả tiền bồi thường. Các xã, thị trấn còn lại cũng đã hoàn thành việc đo đạc, kiểm đếm đủ cơ sở để phê duyệt dự toán bồi thường, hỗ trợ đối với các xã, thị trấn còn lại khi kế hoạch vốn được giao
Về tiến độ thi công xây lắp, Dự án được chia thành 2 gói thầu. Gói thầu số 1 thi công các hạng mục công trình thuộc km 74 - km 95 (trừ phần điện chiếu sáng), nhưng năm 2010 chưa thể triển thi công được vì những vướng mắc về GPMB. Trong năm 2011, chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu tận dụng những đoạn tuyến ít vướng mắc về mặt bằng để thi công, song do điều kiện mặt bằng thi công hạn chế với nhiều đoạn ngắn, xen kẽ nên việc triển khai của các nhà thầu gặp nhiều khó khăn. Tháng 4/2011, Bộ GT-VT đã đưa công trình cải tạo, nâng cấp QL 21 vào diện tạm thời đình hoãn, giãn tiến độ, do đó không có kinh phí để thi công. Trước thực trạng đó các nhà thầu và huyện Lạc Thủy đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo giao thông trên tuyến. Tuy nhiên, do thi công dở dang kéo dài và ảnh hưởng của thời tiết cùng sự tàn phá của các loại xe quá khổ quá tải đã khiến tuyến đường ngày càng xuống cấp trầm trọng hơn.
Với sự tham mưu của Sở GT-VT, UBND tỉnh đã báo cáo và đề nghị Bộ GT-VT xem xét, ưu tiên để công trình được tiếp tục triển khai thi công. Đầu tháng 4/2012, Bộ GT-VT đã đưa công trình vào diện các dự án trọng điểm, cấp bách cần hoàn thành trong giai đoạn 2012 - 2015. Theo đó, năm 2012, công trình được giao kế hoạch vốn 20 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, Sở GTVT đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công hoàn thành 2 đoạn tuyến với chiều dài 6,5 km gồm 3km đoạn từ km 77 - km 80 và 3,5 km đoạn từ km 82 + 500 - km 86. Đồng thời, đôn đốc nhà thầu thi công trả nợ khối lượng tương ứng với giá trị tạm ứng còn lại, hoàn thành dứt điểm 7 km gồm đoạn 1 dài 2,5 km từ km 80 - km 82+500 và đoạn 2 dài 4,5 km, từ km 90 + 500 km 95. Như vậy, toàn tuyến vẫn còn 6,3 km chưa có kinh phí để thi công.
QL 21 là tuyến đường trọng điểm trong phát triển KT-XH của huyện Lạc Thủy và của tỉnh. Việc Bộ GT-VT đưa công trình vào diện các dự án trọng điểm, cấp bách cần hoàn thành trong giai đoạn 2012-2015 là bước tiến quan trọng. Thực tế trên cho thấy, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành còn đòi hỏi sự đồng thuận và ủng hộ tích cực của người dân trong công tác đền bù GPMB là yếu tố hết sức quan trọng để công trình được triển khai đúng tiến độ. Từ kết quả trong quá trình triển khai GPMB và thi công đường 12B ở huyện Kim Bôi cho thấy, khi người dân đồng lòng ủng hộ, tự nguyện ứng mặt bằng cho dự án khi chưa nhận tiền đền bù là một cách làm hay cần rút kinh nghiệm để nhân rộng và áp dụng trên QL 21 cùng các dự án khác trên địa bàn tỉnh.
Đức Phượng
(HBĐT) - Thực hiện chương trình an sinh xã hội năm 2012, ngày 16/7, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh và Ngân hàng NN-PTNT tỉnh đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng tài trợ thực hiện chương trình xây dựng NTM và hoạt động an sinh xã hội năm 2012. Dự lễ ký kết có đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các đơn vị được tài trợ và các cơ quan liên quan.
(HBĐT) - Trong 3 năm (2010 - 2012), cùng với 3 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, tỉnh ta được Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ triển khai chương trình “Sản xuất và thương mại xanh để tăng thu nhập và cơ hội việc làm cho người nghèo ở nông thôn”. Từ đó đến nay đã có hơn 1.700 hộ tại 5 xã nghèo trên địa bàn gồm Liên Sơn, Hợp Hòa (Lương Sơn), Nà Phòn, Pà Cò (Mai Châu), Mãn Đức (Tân Lạc) được tạo cơ hội việc làm, tăng nguồn thu nhập.
(HBĐT) - Trong những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đã có mặt tại cánh đồng xóm Tình, xã Tu Lý (Đà Bắc), chứng kiến nhân dân đang khẩn trương làm đất trên những thửa ruộng vùa mới thu hoạch mới thấy hết niềm vui của người dân khi tuyến mương dài gần 400 m dẫn nước từ bai Đỏ về tưới cho cánh đồng 2 vụ lúa của xóm Tình, xóm Tràng. Khi chưa có hệ thống mương, người dân trong xóm thường xuyên phải cấy muộn vì không chủ động về khâu làm đất do thiếu nước, giờ đây người dân đã hoàn toàn chủ động hơn trong làm mùa.
(HBĐT) - Cùng các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân xã Liên Hòa (Lạc Thủy), chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế từ vườn rừng của gia đình anh Nguyễn Văn Đức, thôn Đồng Huống, xã Liên Hòa. Nhìn màu xanh ngút ngàn của 7 ha rừng đang độ sinh trưởng phát triển ở năm thứ 3, mới thấy được sự cần cù, chịu thương, chịu khó của người nông dân và sự bù đắp của thiên nhiên đối với con người vất vả một nắng, hai sương mà kinh tế từ đồi rừng mang lại.
Một số chính sách của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát cũng như vực dậy nền kinh tế đã bắt đầu phát huy tác dụng
Dù chỉ là thêm một mệnh lệnh hành chính, “ràng buộc” của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng về việc phải báo cáo chi tiết và cụ thể số liệu giảm lãi suất, nhưng đó sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp phản ánh trực tiếp tới cơ quan quản lý trong trường hợp không được giảm lãi suất cho vay.