Ông tiến sỹ “gàn” và những giống hoa lan quý được lai tạo từ phương pháp cấy mô
(HBĐT) - Cho đến bây giờ, không ít người khi lên xã vùng cao Quyết Chiến (Tân Lạc) đều ngỡ ngàng bởi một loài hoa lạ thân gỗ cao hơn 3m được trồng ở khu đất của Công ty cổ phần Nông lâm Vạn Thành. Vào thời điểm xuân về hoa nở sai kín cành giống như một bông hoa khổng lồ in lên giữa núi rừng cao ngút bảng lảng mây và gió. Đó là những cây hoa anh đào có nguồn gốc từ xứ sở mặt trời mọc với một cơ duyên, loại hoa quý này đã được ông Giám đốc Công ty cổ phần Nông lâm Vạn Thành đưa về trồng trên vùng đất Quyết Chiến từ năm 2006.
Tên ông là Trần Lệ. Cái tên mà ông vẫn hay tếu táo đùa: nó chẳng hợp với tớ tẹo nào. Những năm chiến tranh ác liệt, ông xung phong đi bộ đội (năm 1962). Sau một thời gian chiến đấu, ông được chọn cử đi học ở nước ngoài. Ông bảo: Cũng nhờ đi bộ đội mà tớ được lựa chọn cử đi đào tạo chuyên ngành về nuôi cấy mô người ở Hungary. Ở đó tớ học một lèo đến khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ. Học xong về nước lại rẽ ngang từ nuôi cấy mô người chuyển sang làm nuôi cấy mô tế bào thực vật. Năm 1976, ông được phân công, điều động về công tác tại Trung tâm nuôi cấy mô Đà Lạt. Chán với công việc tại cơ quan Nhà nước, năm 1986 ông về tự mình lập phòng cấy mô ở nhà để sản xuất giống khoai tây và các loại hoa để cung cấp cho người dân Đà Lạt. Từ phòng cấy mô, sau được ông đầu tư nâng cấp lên trở thành Trung tâm cấy mô với việc tạo ra các loại cây trồng có chất lượng cao từ trong... ống nghiệm. Sau thành công đó, đến đầu những năm 2000 ông đã bỏ Đà Lạt lại sau lưng để làm một cuộc phiêu lãng ra phía Bắc tìm đất trồng hoa dù cho vợ con chẳng ai tán đồng với ý tưởng đó. Ai cũng bảo ông gàn, không đâu lại “tự đày” mình vào những nẻo đường gió bụi khi mà ở Đà Lạt cuộc sống của ông đang thuộc hàng trung lưu với vợ đẹp, con giỏi, công việc tại trung tâm nuôi cấy mô đang thuận buồm xuôi gió. Cũng như bao nhà khoa học khác, hành trang của ông tiến sỹ “gàn” là mớ kiến thức đồ sộ về nuôi cấy mô và các giống rau, hoa. Trong 3 năm ông đã bền bỉ đi khắp vùng miền núi phía Bắc, kể cả khu vực biên giới Lào và Trung Quốc. Thậm chí sang cả Xixoongbana của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nơi có hơn 1 triệu trí thức Trung Quốc từng bị đày ải đến đây trong thời kỳ “Cách mạng văn hóa” để khảo sát khí hậu thổ nhưỡng. Dấu chân ông qua khắp các vùng người Mường, Mông, Tày, Nùng, Hà Nhì, Dao, Thái... Ông bảo: Trong suốt cuộc hành trình đó, tớ ấn tượng nhất là cái thành quả của đội ngũ trí thức ở Xixoongbana gây dựng lên trong hơn 60 năm qua. Đó là vùng đất cằn cỗi, khô hạn và thiếu sức sống. Nhưng với bàn tay, khối óc của mình những trí thức bị đày ải đến đây đã làm nên được những điều thần kỳ như lai tạo thành công giống cao su chịu lạnh mà vẫn cho năng suất cao. Từ đó tớ lại càng nghiệm ra rằng lai tạo được giống cây và trồng được ở nơi khắc nghiệt mới là công việc của một người làm khoa học thực hành nông nghiệp, như thế mới thú vị.
Cuộc lăn lộn bền bỉ của ông tiến sỹ “gàn” Trần Lệ trong suốt hơn 3 năm trời đã chỉ ra cho ông nhiều vùng đất hội đủ yếu tố tự nhiên phù hợp với các loại rau, hoa ôn đới sinh trưởng tốt. Một trong số đó là vùng Quyết Chiến (Tân Lạc). Ở đây, ngoài các loại rau, ông lập nông trại được coi như là một “thiên đường” của hoa với diện tích 32ha, đưa các loại hoa như: lily, hoa địa lan, trúc lan, hồ điệp, các loại cúc, đồng tiền, cẩm chướng, loa kèn... về trồng. Ngoài hoa, ở vùng Quyết Chiến, ông còn khảo cứu rồi trồng cả những vườn cây dược liệu quý như sanh địa, giảo cổ lam, atisô, đản sâm... Ông bảo: chỉ với nông trại hoa ở Quyết Chiến, tớ có thể “phủ” cho cả Hà Nội một sắc địa lan, trúc lan và hồ điệp.
“Thiên đường” hoa lan của tiến sỹ Trần Lệ tại Quyết Chiến (Tân Lạc).
Nhưng đó chưa phải là điều ngoạn mục nhất. Mà nói như ông, điều ngoạn mục nhất là ông đã đưa vào trồng thành công loại cây hoa Sakura (hoa anh đào) đặc trưng của Nhật Bản về trồng ở vùng Tây Bắc, mà trong đó tại Quyết Chiến chính là nơi ông ươm, gieo những mầm cây đầu tiên. Ông bảo: bản thân cây là loại cây trồng vùng khí hậu ôn đới nên khi đưa nó về trồng ở Việt Nam không phải là dễ. Phải có sự lựa chọn kỹ càng nếu không rất khó để cây sinh trưởng, phát triển tốt và ra hoa.
Sau 6 năm (2006 đến nay) đưa cây hoa anh đào vào trồng ở Quyết Chiến, ông đã thành công khi cây phát triển tốt, ra hoa đều và đúng vào dịp tết nguyên đán. Ông bảo: Những cây hoa Anh Đào được trồng ở Quyết Chiến hay ở Mường Phăng (Điện Biên) hoặc trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ (Sa Pa), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đến với ông như một cơ duyên. Theo lời ông kể: thời kỳ năm 2006, khi mới lên Quyết Chiến đầu tư làm nông trại, tớ đầu tư trồng ớt bán cho Công ty TNHH Pacific Hòa Bình. Trong quá trình đó, biết tớ là một chuyên gia trong lĩnh vực nông - lâm, tay Giám đốc Công ty là Yoshihiro Hirato đã có nhã ý tặng 10 hạt giống cây Hira Sakura (giống hoa anh đào có màu phớt hồng giống hoa đào phai ở Việt Nam - NV) để trồng thử. Khi mang về trồng ở Quyết Chiến thì mọc được 8 cây. Thấy có triển vọng tớ lại ngỏ ý muốn xin thêm một ít hạt giống nhưng Yoshihiro Hirato cho biết hiện không còn, sẽ liên hệ với Đại sứ quán Nhật để xin thêm. Sau qua thông tin từ bạn bè tớ mới biết, trước đó Đại sứ quán Nhật cũng đã có nhiều lần mang giống cây hoa anh đào tặng cho một số cơ quan chức năng của Việt Nam để trồng thử. Sau khi biết tin tớ trồng được hoa anh đào từ những hạt giống do Yoshihiro Hirato tặng, Đại sứ quán Nhật đã cử đoàn lên tận nơi xem. Kết quả là tớ có thêm một số hạt giống Sakura nữa. Số hạt giống này đã được ông chia ra và mang trồng ở nhiều nơi với nhiều điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nhằm có những đánh giá chính xác. Bởi ông nhận rõ đây không chỉ là một loại cây quý có giá trị biểu tượng mà nó còn có giá trị về kinh tế cao khi được đầu tư khai thác đúng hướng. Hiện nay, sau 6 năm toàn bộ gần 50 cây hoa anh đào được ông trồng ở Quyết Chiến và một số địa phương đã to bằng cái phích nước, nhỏ thì bằng bắp chân. Tất cả đều đã ra hoa. Ông bảo: theo như dự đoán, năm nay những cây hoa anh đào này sẽ nở hoa vào đúng dịp Tết Nguyên đán.
Đó sẽ là một điều đặc biệt cho cái không khí xuân ở giữa đất trời Tây Bắc thêm ấm áp với một loài hoa quý tỏa hương sắc.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Ngày 1/2, Chi cục thuế thành phố Hòa Bình đã tổ chức tổng kết nhiệm vụ công tác năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013.
(HBĐT) - Đang ở vào thời điểm Tết đến chỉ còn tính từng ngày, thị trường đào, quất đã sôi động. Những xe chất đầy cành đào chở từ Mộc Châu (Sơn La) hay từ các huyện vùng cao Mai Châu, Đà Bắc về thành phố Hòa Bình. Một số người buôn quất cảnh từ mạn Hưng Yên, Nam Định cũng đã tập kết cây cảnh thành dãy, thành khu trên các tuyến đường, góc phố.
(HBĐT) - Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX đã xác định rõ hướng phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ được triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt những kết quả quan trọng. Đối với tỉnh ta, Nghị quyết đang từng bước đi vào cuộc sống, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của KT-XH địa phương.
(HBĐT) - Ngay khi có hướng dẫn của tỉnh, tháng 11/2009, BCĐ CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện Yên Thuỷ đã xây dựng và triển khai kế họach tuyên truyền về CVĐ dưới các hình thức như: dùng panô, áp phích, tuyên truyền trong các cuộc họp cơ quan, đơn vị, buổi sinh hoạt của các đoàn thể, thông qua đội ngũ báo cáo viên, người có uy tín trong cộng đồng dân cư và trên các phương tiện thông tin đại chúng… Các ngành, đoàn thể đã tham gia tích cực bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú.
(HBĐT) - Ngày 31/1, Bộ TN&MT đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dự và chỉ đạo hội nghị.
(HBĐT) - Năm 2012, các đơn vị bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đã ký kết 119 hợp đồng bán đấu giá tài sản, giảm 10 hợp đồng so với năm 2011.