Cán bộ kiểm tra sâu bệnh hại lúa trên địa bàn thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc.
(HBĐT) - Vụ mùa năm nay là vụ có tiến độ gieo cấy sớm và tập trung nhất trong nhiều năm lại đây. Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích xu hướng thời tiết, cơ cấu giống, thời vụ gieo cấy, tình hình dịch hại chủ yếu và quy luật phát sinh gây hại của chúng trong tự nhiên, Chi cục BVTV dự kiến: Vụ mùa năm nay, mức độ gây hại của nhiều đối tượng sâu bệnh sẽ mạnh hơn so với vụ mùa năm 2012 và ở mức trên trung bình nhiều năm, thậm chí rất có khả năng xảy ra dịch trên diện rộng nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời.
Theo Chi cục BVTV, các đối tượng sâu bệnh hại lúa mùa đáng chú ý bao gồm sâu cuốn lá nhỏ, tập đoàn rầy, sâu đục thân bướm hai chấm, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn, bệnh vàng lá, chuột, bệnh virus… Cụ thể, về khả năng gây hại của sâu cuốn lá nhỏ: trưởng thành lứa 5 vũ hóa rộ và đẻ trứng từ 25/7-5/8 (sớm hơn với cùng lứa năm trước khoảng 5-7 ngày); sâu non hại diện rộng trên các trà lúa, hại mạnh trên trà sớm và chính vụ từ 5-20/8. Trưởng thành lứa 6 vũ hóa rộ từ 30/8-10/9, phân bố diện rộng trên các trà lúa; sâu non hại mạnh từ giữa tháng 9 trở đi, mật độ và diện phân bố tương đương cùng kỳ năm 2012. Trưởng thành lứa 7 dự báo vũ hóa rộ từ đầu tháng 10, sâu non hại diện hẹp trên trà cực muộn và diện tích cấy ép.
Về khả năng gây hại của tập đoàn rầy (rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ), có 3 lứa hại chính: rầy cám lứa 5 rộ từ cuối tháng 7 đến 10/8, hại phổ biến trên lúa mùa sớm và chính vụ, lứa này chủ yếu là rầu lưng trắng và rầy nâu nhỏ, đây cũng là lứa rầy truyền bệnh virus nguy hiểm nhất cho trà chính vụ và muộn. Rầy cám lứa 6 rộ từ 25/8-10/9, lứa này gây hại mạnh nhất, phân bố rộng, hại tập trung các trà lúa giai đoạn ôm đòng – chắc xanh, từ 20/9 trở đi nếu không phòng trừ kịp thời thì mức độ gây hại sẽ nặng hơn so với trung bình nhiều năm. Rầy cám lứa 7 rộ từ đầu tháng 10, hại diện hẹp trên lúa trà muộn và diện tích cấy ép, giai đoạn ngậm sữa – đỏ đuôi vẫn có khả năng gây cháy từng ổ nhỏ.
Về khả năng gây hại của sâu đục thân bướm hai chấm: sâu lứa 3 tiếp tục hại rải rác trên các trà lúa đến đầu tháng 8. Trong đó, trưởng thành lứa 4 vũ hóa rộ từ 15/7-5/8, sâu non gây héo dảnh diện rộng trên trà chính vụ và muộn, gây bông bạc trên trà sớm từ 20/8 trở đi. Cần đặc biệt chú ý sự gây hại của sâu lứa 4 vì năm nay diện tích cấy trà mùa sớm tăng cao nên diện tích bị ảnh hưởng bởi lứa sâu này cũng tăng theo.
Ngoài ra, về khả năng gây hại của các đối tượng khác, Chi cục BVTV dự báo: Diện phân bố và mức độ gây hại của bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn nhiều khả năng tăng cao trên diện tích lúa lai, đặc biệt là các giống Nhị ưu, TH3-4, D.ưu, Khang dân, CR203… Bệnh phát sinh hại mạnh từ trung tuần tháng 8 đến giữa tháng 9, đặc biệt sau những đợt mưa giông. Bệnh vàng lá (do ngộ độc đất, thiếu phân hữu cơ và thiếu các nguyên tố vi lượng) dự báo phát sinh đầu tháng 8 trên trà sớm, gây hại mạnh từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 trên tất cả các trà lúa, giai đoạn từ cuối đẻ nhánh – làm đòng. Trên những diện tích lúa bị nhiễm rầy, nếu kèm theo bệnh vàng lá sẽ rất dễ gây cháy rầy, ngay cả khi mật độ rầy còn thấp. Thêm vào đó, các đối tượng bệnh virus (lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá), bệnh thối bẹ, đốm nâu, dòi đục nõn, đạo ôn cổ bông… nhiều khả năng phát sinh, gây hại cục bộ trên giống nhiễm, trà muộn trỗ từ cuối tháng 9 đầu tháng 10/2013.
Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 23.400 ha lúa, trong đó trà mùa sớm chiếm 35-40% tổng diện tích, trà chính vụ chiếm 60-65%. Thông tin từ Sở NN&PTNT cho biết: Đến giữa tháng 7, nhiều địa phương đã kết thúc gieo cấy, toàn tỉnh cơ bản kết thúc gieo cấy vào 20/7. Đây là vụ mùa có tiến độ gieo cấy sớm và tập trung nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, diện tích trà lúa mùa sớm đạt gần 50% diện tích, cao nhất từ trước đến nay. Hiện, lúa mùa đang đẻ nhánh rộ, diện tích trà mùa trung đang cấy – hồi xanh. Có được kết quả này là do ngay từ đầu vụ, Sở NN&PTNT đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương điều chỉnh cơ cấu các trà lúa, tập trung gieo cấy trà sớm và chính vụ.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương: Tại các tỉnh phía Tây Bắc bộ, tổng lượng mưa các tháng từ tháng 7-9/2013 ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm, từ tháng 10-12/2013 ở mức xấp xỉ và thấp hơn so với trung bình nhiều năm, các đợt mưa lớn tập trung vào thời kỳ nửa cuối tháng 7 và tháng 8, Hòa Bình sẽ chịu ảnh hưởng của mưa vừa, mưa to và kéo dài trên diện rộng khoảng 3-5 đợt. Dự báo diễn biến phức tạp của thời tiết và các đối tượng sâu bệnh hại lúa mùa, Chi cục BVTV đã gửi Công văn số 203/BVTV-KT ngày 12/7/2013 về việc tăng cường chăm sóc lúa vụ mùa năm 2013. Theo đó, để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất năm 2013, Chi cục BVTV đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và cơ sở đôn đốc, hướng dẫn bà con nông dân tăng cường thực hiện các biện pháp chăm sóc lúa mùa; phát huy tốt vai trò của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, tổ dịch vụ BVTV cơ sở, học viên IPM, các lớp IPM, các câu lạc bộ khuyến nông... Đặc biệt, cần thường xuyên cập nhật thông tin dự báo sinh vật hại lúa từ cơ quan chuyên môn để chủ động hướng dẫn cơ sở và nông dân phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả những nơi có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao, chú ý các đối tượng có khả năng phát sinh diện rộng như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, bệnh khô vằn, bạc lá... Chi cục BVTV nhấn mạnh: Vụ mùa năm nay, mức độ gây hại của nhiều đối tượng sâu bệnh sẽ mạnh hơn so với vụ mùa năm 2012 và ở mức trên trung bình nhiều năm, rất có khả năng xảy ra dịch trên diện rộng nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời. Chính vì vậy, công tác BVTV cần phải được triển khai chủ động, tích cực. kiên quyết không để xảy ra dịch trên diện rộng.
· Theo khuyến cáo của Chi cục BVTV, khi chăm sóc lúa vụ mùa, bà con nông dân cần thực hiện các biện pháp chăm sóc, làm cỏ lúa đúng quy trình kỹ thuật. Bón cân đối giữa đạm, lân, ka ly, bón theo phương châm "nặng đầu, nhẹ giữa, nhẹ cuối". Trên những diện tích lúa sinh trưởng kém, bị vàng lá, bị nghẹt rễ cần bón bổ sung phân hữu cơ hoai mục kết hợp với làm cỏ, sục bùn tạo thoáng khí, kích thích rễ phát triển; thay nước, kết hợp với phun một số loại phân bón qua lá, phân vi lượng. Khi cây lúa phục hồi ra rễ, lá mới mới bón bổ sung phân đạm, ka li hoặc phân NPK giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức đề kháng, khắc phục hiện tượng vàng lá do thiếu dinh dưỡng. Bón thúc đợt cuối khi lúa bắt đầu phân hoá đòng, bón theo phương châm "bón thúc để lúa phân hoá đòng" chứ không phải "thấy lúa có đòng mới bón thúc".
Thu Trang
(HBĐT) - Với mô hình chăn nuôi gà, trâu, bò, kết hợp trồng rừng kinh tế, trồng mía, dưa hấu..., gia đình ông Bùi Văn Nhuộm, hội viên chi hội NCT xóm Bưa Sào, xã Đú Sáng (Kim Bôi) đã vươn lên làm giàu chính đáng và giúp bà con trong vùng cùng phát triển chăn nuôi, góp phần xoá đói - giảm nghèo bền vững.
(HBĐT) - 6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Kỳ Sơn đạt 177,4 tỷ đồng, đạt 55,4% kế hoạch năm, vượt 21% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là kết quả đáng ghi nhận, đặt trong bối cảnh nền kinh tế chung đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn do chịu sức ép lớn từ tình hình lạm phát và khủng hoảng kinh tế.
(HBĐT) - Nhằm hỗ trợ kịp thời trong việc hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế trong quá trình thực hiện chính sách thuế, từ 8h ngày 29/7/2013 đến 17h ngày 2/8/2013, Cục Thuế tỉnh sẽ tổ chức “Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế”.
(HBĐT) - Theo thông tin từ Chi cục BVTV, hiện nay, tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, ốc bươu vàng (OBV) đang có xu hướng tăng mạnh mật độ và diện phân bố trên các trà lúa mới cấy. Từ nay đến đầu tháng 8/2013 là cao điểm gây hại của OBV trên diện tích lá mới cấy - đẻ nhánh. Chính vì vậy, Chi cục BVTV đề nghị các địa phương chủ động triển khai các biện pháp diệt trừ OBV, kiên quyết không để dịch này lây lan trên diện rộng.
(HBĐT) - Họ là những người “đứng mũi, chịu sào”, chung lo nỗi lo và chia sẻ mọi khó khăn, vất vả của nông dân, thậm chí chẳng ngần ngại, nề hà, tự nguyện đem cả bìa đất của gia đình thế chấp ngân hàng để vay mua phân bón cho bà con nông dân. Đó là Chủ tịch HND 5 xã trên địa bàn huyện Kỳ Sơn: xã Hợp Thịnh - ông Nguyễn Văn Hưng, xã Độc Lập - ông Nguyễn Quốc Sự, xã Mông Hóa - ông Nguyễn Ngọc Đành, xã Phúc Tiến - ông Đinh Văn Đạt, xã Dân Hòa - ông Nguyễn Quốc Việt.
(HBĐT) - Chiều 17/7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị bàn biện pháp thực hiện việc cấp giấy CNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và đại diện Vườn Quốc gia Ba Vì, các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh.