Cán bộ BVTV tỉnh và huyện Lương Sơn thường xuyên kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa khi thực hiện mô hình thâm canh lúa SRI.
(HBĐT) - Vụ mùa vừa qua, trạm KN-KL huyện Lương Sơn đã thực hiện mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI) tại 18 xã của huyện. Mô hình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, từng bước cải tiến tập quán canh tác lúa truyền thống của nông dân địa phương.
Mô hình được thực hiện trên tổng diện tích 23 ha, thu hút 190 nông hộ tham gia với tổng kinh phí trên 290 triệu đồng. Mô hình đưa ra phương pháp canh tác lúa mới, thực hiện theo quy trình cấy lúa cải tiến (SRI). Cụ thể, về thời vụ, bố trí gieo cấy vào trà mùa sớm, cấy xong trước ngày 30/6. Về kỹ thuật làm mạ áp dụng phương pháp làm mạ sản, gieo thưa để cây mạ khỏe, đảm bảo mạ khi cấy đủ tiêu chuẩn (to gan, đanh dảnh, sạch sâu bệnh). Về kỹ thuật cấy, cấy mạ non (mạ được 2,5 - 3 lá), xúc cấy, cấy nông tay, cấy thưa (30 khóm/m2, 1 dảnh/khóm) và bón lót đủ, cân đối các loại phân trước cấy. Về kỹ thuật chăm sóc, sau cấy 7 ngày phun thuốc trừ ốc, sau cấy 10 ngày tiến hành bón thúc đẻ nhánh với 4 kg đạm và 3 kg kali cho 1 sào Bắc bộ. Sau đó, bón đón đòng sau cấy 48 ngày với 2 kg đạm và 3 kg kali cho 1 sào. Sau khi bón phân thúc đẻ khoảng 5 ngày tiến hành tháo nước, chỉ để ruộng đủ ẩm. Vào giai đoạn cây lúa phân hóa đòng đến lúc lúa chín sáp, giữ nước trên ruộng 3-4 cm. Trước khi thu hoạch 15 ngày tháo cạn nước để tiện thu hoạch.
Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của trạm KN-KL luôn cùng cán bộ khuyến nông xã thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đôn đốc các hộ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn. Qua theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa có thể thấy, cây lúa từ khi gieo mạ đến khi cấy, đẻ nhánh và làm đòng có sự sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng chống đổ tốt, nhiễm nhẹ không đáng kể bệnh đốm sọc vi khuẩn, sâu đục thân. Năng suất bình quân chung của 23 ha thực hiện mô hình khoảng gần 60 tạ/ha.
Đồng chí Hoàng Văn Niên, Trạm trưởng Trạm KN-KL huyện Lương Sơn cho biết: Mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) là sự tác động tổng hợp của các biện pháp kỹ thuật như gieo mạ thưa, cấy mạ non, mật độ cấy thưa, quản lý rút nước 2-3 lần trong giai đoạn lúa sinh trưởng sinh dưỡng thay vì để ruộng ngập nước liên tục như phương pháp canh tác lúa truyền thống, đồng thời làm cỏ sục bùn, tăng cường bón phân theo nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa. Những cải tiến này nhằm đảm bảo cung cấp nguồn dinh dưỡng và điều kiện tối ưu cho cây lúa phát triển. Vì vậy, cây lúa sẽ phát huy tối đa khả năng sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao.
Thực tế hiện nay, một số biện pháp canh tác truyền thống đã cản trở và làm giảm sức sống tiềm năng của cây lúa. Cụ thể, nông dân thường gieo mạ dày, cấy khi cây mạ 4-5 lá, thậm chí còn già hơn, thường cấy 3-5 dảnh/khóm, 45-50 khóm/m2. Bà con thường bón đạm cao hơn so với nhu cầu của cây lúa và không cân đối với kali. Việc bón đạm quá nhiều, đạm không được vùi sâu dễ bị mất đạm do bị rửa trôi, bay hơi, quan trọng hơn là bón không đúng thời điểm cần bón (thường bón muộn, lai rai nhiều lần) dẫn đến cây lúa không đẻ tập trung, nhiều dảnh vô hiệu dẫn đến năng suất thấp. Việc cấy mau, bón phân nhiều lần, nhiều lượng và lạm dụng phân đạm cũng là nguyên nhân gây bùng phát các loại sâu bệnh hại. Hệ lụy của những việc trên còn làm cho đất canh tác ngày càng xấu, ngộ độc đất tăng, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng, năng suất lúa giảm.
So với phương pháp canh tác lúa truyền thống, phương pháp thâm canh lúa SRI có những ưu điểm nổi bật: giảm 50% lượng giống gieo (cấy 1 dảnh, cấy thưa), giảm công cấy (cấy mật độ thưa); giảm thuốc BVTV, phân hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ; giảm lượng nước tưới (rút nước 2-3 lần trong giai đoạn lúa sinh trưởng); giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận cho các hộ canh tác lúa. Dự kiến, phương pháp này sẽ được phổ biến và nhân rộng trên địa bàn huyện Lương Sơn trong các vụ sản xuất tiếp theo.
Thu Trang
(HBĐT) - Nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng KT-XH, góp phần đạt các tiêu chí về xây dựng NTM tại các xã vùng nông thôn, từ năm 2011 đến nay, huyện Lạc Sơn đã huy động có hiệu quả nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ trên địa bàn.
(HBĐT) - Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 của tỉnh ước đạt 10,618 triệu USD, lũy kế 9 tháng đạt 76,35 triệu USD, thực hiện 76,35% kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 54,25 triệu USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu dịch vụ đạt 22,1%, tăng 38,1% so với cùng kỳ.
(HBĐT) - Kéo dài gần 1 tuần (từ ngày 27/9 - 2/10), Hội chợ triển lãm sản phẩm CN-TTCN và hàng tiêu dùng khu vực miền núi phía Bắc được tổ chức tại Trung tâm Thương mại và dịch vụ bờ trái sông Đà (TPHB) đã để lại những dấu ấn, niềm tự hào đối với các tỉnh bạn tham gia, đặc biệt là với nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
(HBĐT) - Trong 9 tháng qua, các cấp, ngành của thành phố Hòa Bình đã thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác quản lý kinh doanh thương mại - dịch vụ, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng; quản lý thị trường, tập trung chống hàng giả, hàng kém chất lượng, không để biến động giá cả.
(HBĐT) - Là gia đình có diện tích vườn rộng, anh Nguyễn Văn Quỳnh, xóm Đồng Hương, xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại và khu vực chăn nuôi trên diện tích 1.500 m2 với kinh phí khoảng 30 triệu đồng. Năm 2011, khi mới bắt tay vào thực hiện, anh nuôi 400 con gà bán lấy thịt. 3 tháng sau với thành công bước đầu, đã cho gia đình anh nguồn thu 30 triệu đồng.
(HBĐT) - Bước sang vụ đông năm 2013, ngành NN&PTNT huyện Lạc Thủy đề ra mục tiêu thực hiện vượt diện tích kế hoạch gần 700 ha cây rau, màu các loại, đặc biệt là mở rộng diện tích trồng các loại rau, đậu cho giá trị kinh tế cao, ổn định. Trên cơ sở đó, các biện pháp thúc đẩy phong trào sản xuất vụ đông đang được tiến hành.