Những mặt hàng sâm, nấm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng xách tay có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản được bày bán tại một cửa hiệu nằm trên đường Cù Chính Lan (TPHB). Ảnh: P.V
(HBĐT) - Mặc dù ở TP Hòa Bình chưa có nhiều cửa hiệu công khai treo biển “hàng xách tay” nhưng nếu chịu khó dò hỏi để tìm ra những địa chỉ này không mấy khó khăn. Thực tế, nhiều năm qua, không ít người tiêu dùng đã thiết lập cho mình một thói quen “sính hàng ngoại”, tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện mua hàng ngoại được nhập khẩu chính ngạch, phần lớn trong số họ tìm đến nguồn hàng trôi nổi, được từ nước ngoài mang về và gọi nôm na là “hàng xách tay”.
“Hàng xách tay” có đủ loại từ quần áo, giày dép, đồng hồ, điện thoại, kính mắt, sữa, hoa quả, thực phẩm chức năng và phổ biến nhất là mặt hàng mỹ phẩm dành cho phụ nữ... Cùng một dòng sản phẩm nhưng nếu được nhập khẩu và có tem, nhãn của nhà phân phối ghi bằng tiếng Việt, giá bán cao hơn nhiều so với hàng cùng loại nhưng được “xách tay”, không phải chịu thuế và không ai kiểm định chất lượng. Chị Nguyễn Thu Hà, phường Phương Lâm mua một hộp phấn trang điểm của hãng Natural Beige (Hàn Quốc) do Công ty Sao Thủy nhập khẩu và phân phối tại một cửa hàng mỹ phẩm trên đường Cù Chính Lan (TPHB) có giá 550.000 đồng nhưng chỉ cách đó vài cửa hàng một người bạn của chị cũng mua hộp phấn trang điểm ấy chỉ với giá 350.000 đồng. Đem so sánh 2 hộp phấn trang điểm về hình thức, mẫu mã chỉ khác nhau ở chỗ 1 hộp có dán tem nhãn của nhà phân phối và có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, hộp còn lại không tem nhãn và những dòng chữ được ghi trên vỏ hộp là chữ Hàn Quốc. Sau khi dùng thử, cho thấy độ bóng, bền, sáng, mịn như nhau. Trò chuyện với chị Minh Trang, chủ một salon tóc trên đại lộ Thịnh Lang được biết: Trong giới kinh doanh ở TPHB có rất nhiều người “sính” hàng ngoại “xách tay”. Bản thân Trang cũng thường xuyên mua và sử dụng hàng xách tay từ các sản phẩm công nghệ đến quần áo, giày dép, phụ kiện và cả mỹ phẩm phục vụ cho công việc ở salon. Hàng xách tay được bán ở Hòa Bình nhiều nhất là hàng của Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan, Mailaixia... rất ít mặt hàng có xuất xứ từ châu âu. Về chất lượng, mẫu mã các mặt hàng này cơ bản là tốt, nhưng khi mua hàng người tiêu dùng cần có kinh nghiệm và mua ở địa chỉ tin cậy để tránh gặp phải hàng giả, hàng nhái.
Trao đổi vấn đề này với đồng chí Nguyễn Đình Khanh, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng, Chi cục QLTT tỉnh cho biết: Những năm gần đây, trên thị trường TPHB xuất hiện khá nhiều cửa hàng, cửa hiệu bán hàng xách tay có xuất xứ từ nước ngoài. Tuy nhiên, đã gọi là hàng xách tay không thể có số lượng lớn để chiếm lĩnh thị trường hàng nội địa nên không gây tác động tiêu cực trên thị trường. Mặt khác, khi đã mang hàng xách tay từ nước ngoài về, người mua hàng cũng phải lựa chọn những sản phẩm “độc” mà ở thị trường trong nước không có hoặc khan hiếm và được bán với giá cao. Sự xuất hiện của những mặt hàng này xét về mặt nào đó cũng có yếu tố tích cực đó là: đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng và kích thích quá trình tìm tòi, sáng tạo của các nhà sản xuất, phân phối trong nước phục vụ cho tiến trình hội nhập. Tuy nhiên, cũng phải nói rõ thêm, với những hàng xách tay không có nhãn mác, không có dấu kiểm định chất lượng, không in phụ đề tiếng Việt mà được bán với số lượng lớn thì không loại trừ khả năng các cơ sở kinh doanh có thể trà trộn hàng giả, hàng nhái để bán (tỷ lệ có thể là 50/50). Bởi vậy, khi chọn sử dụng những mặt hàng tay này, người tiêu dùng phải thực sự sáng suốt để không bị ảnh hưởng bởi yếu tố mập mờ về chất lượng của sản phẩm.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm, huyện Lạc Thuỷ đã bám sát dự toán ngân sách Nhà nước trên địa bàn, dự toán thu - chi ngân sách địa phương năm 2014 và các văn bản chỉ đạo của cấp trên, tập trung chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn tăng cường nguồn thu, chống thất thu ngân sách Nhà nước. Thực hiện chi tiêu đúng chế độ chính sách, đúng đối tượng, đảm bảo tiết kiệm hiệu quả
(HBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn TPHB diễn ra tương đối ổn định. Việc cung ứng hàng hoá và dịch vụ đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Hoạt động kinh doanh dịch vụ tại 9 chợ, 3 siêu thị và các cửa hàng mua sắm trên địa bàn thành phố phát triển ổn định, công tác phòng - chống cháy nổ được duy trì thường xuyên, không để xảy ra sự cố. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 1.958,4 tỷ đồng, ước đạt 51,3% kế hoạch năm, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó: Khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh ước đạt 869,4 tỷ đồng, khối hộ cá thể ước đạt 1.089 tỷ đồng.
(HBĐT) - Thực hiện Đề án vùng sản xuất bưởi đặc sản, huyện Tân Lạc vừa triển khai trồng mới gần 90 ha bưởi, nâng tổng diện tích trồng từ 110 ha (thời điểm cuối năm 2013) lên 200 ha bưởi đỏ, bưởi da xanh. Trong đó, diện tích bưởi đỏ khoảng 150 ha, bưởi da xanh trên 50 ha.
(HBĐT) - Trong năm 2014, thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, Sở LĐ-TB&XH triển khai thực hiện 2 mô hình trên địa bàn huyện Mai Châu và Yên Thủy.
(HBĐT) - Trong giai đoạn 2010 - 2013, toàn tỉnh đã được đầu tư trên 97,4 tỉ đồng thực hiện công tác đào tạo nghề cho người lao động, trong đó, dự án dạy nghề cho lao động nông thôn trên 79,6 tỉ đồng, dự án đổi mới và phát triển dạy nghề 15,8 tỉ đồng. Nguồn kinh phí được sử dụng đầu tư nhà xưởng, phòng học, mua sắm thiết bị dạy nghề, phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, hỗ trợ lao động nông thôn học nghề; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã.
(HBĐT) - Theo Quyết định số 2773, ngày 14/11/2013 của UBND tỉnh việc thí điểm chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên (TCXHTX) thông qua hệ thống bưu điện được triển khai tại địa bàn TPHB và huyện Lạc Sơn từ tháng 1/2014 và chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 1- 6/2014; giai đoạn 2 từ tháng 7- 12/2014. Sau thời gian thực hiện thí điểm sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả và báo cáo UBND tỉnh xem xét nhân rộng toàn tỉnh. Cùng đoàn công tác của Sở LĐ-TB&XH, chúng tôi đã có buổi kiểm tra thực tế việc thực hiện giai đoạn 1 trên địa bàn huyện Lạc Sơn.