(HBĐT) - Từ một vùng “nóng” về ma túy, xã Pà Cò (Mai Châu) trở thành nơi đặt nhà máy sản xuất chè và nơi trồng chè shan tuyết lớn nhất tỉnh. Người đã làm thay đổi tư duy của nhiều gia đình nơi đây là bà Nguyễn Thị Tâm, ở phường Tân Thịnh (TPHB). Suốt nhiều năm qua, bà đã không quản ngại khó khăn gây dựng lên thương chè shan tuyết Pà Cò nổi tiếng.
Sau khi nghỉ việc Nhà nước, nhiều đêm nằm nghĩ đến những cây chè cổ thụ ở Pà Cò, bà Tâm lại luyến tiếc. Rồi bà tự nhủ sẽ quyết tâm xây dựng vùng chè nguyên liệu nơi đây. Những năm đó, Pà Cò đang là “điểm nóng” về ma túy. Mỗi lần lên nhiều người nhìn bà với ánh mắt cảnh giác và ít người tin. Biết bao lần bà lên xã rồi lại không được việc khiến công việc tưởng chừng đứt đoạn. Để gây dựng niềm tin với người dân nơi đây, bà đã đến những gia đình không có người liên quan đến ma túy vận động trước. Tuy nhiên, nhiều người cũng không tin là cây chè có thể cho thu nhập nuôi sống được gia đình họ. Không nản chí, bà cùng Hội Phụ nữ xã Pà Cò tranh thủ uy tín già làng, trưởng bản đến thuyết phục, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân hái chè cổ thụ, kỹ thuật chăm sóc và mang giống về cho các hộ trồng. Bà cũng là người thu mua nguyên liệu. Với phương châm vận động “mưa dầm thấm lâu” và khẳng định bằng hiệu quả kinh tế nên bà được mọi người tin tưởng. Từ một vài hộ tham gia, đến nay, xã có hàng trăm hộ gia đình trồng chè. Dần dần vùng chè shan tuyết cũng hình thành.
Khi đã có vùng nguyên liệu cùng sự hỗ trợ của Nhà nước xây dựng nhà máy chế biến ngay tại đất Pà Cò, bà đã thu mua hết sản phẩm. Bà Tâm cho biết: Trong 134 ha chè ở Pà Cò, Công ty đã triển khai mô hình chè an toàn trên 5 ha giống Kim Tuyên. Điều làm người dân yên tâm và hứng thú với mô hình là ngoài sự thụ hưởng những kiến thức, kỹ thuật mới, sản phẩm bà con làm ra được bao tiêu sản phẩm. Hiện, Công ty thu mua với giá 12.000 đồng/kg búp tươi, trong khi giá thị trường là 6.000 đồng/kg cho loại chè thâm canh đại trà. Cầm trong tay những gói chè shan tuyết được đóng gói rất đẹp, bà Tâm không giấu được niềm vui: Bà con có thu nhập và việc làm, vợ chồng tôi có nguyên liệu để sản xuât. Vui hơn cả là bà con đã thay đổi tư duy làm ăn. Đó mới là điều mong muốn lớn nhất của vợ chồng tôi.
Chị Mùa Y Số, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Pà Cò cho biết: Từ ngày chị Tâm lên đây, người dân xóa bỏ cây thuốc phiện, diện tích này thường trồng ngô, trồng sắn nên thu nhập không đáng kể. Chị Tâm đã giúp chúng tôi thay đổi về tư duy kinh tế. Từ sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa. Chị em nào tham gia trồng chè là thu nhập của gia đình có sự thay đổi rõ rệt.
Việt Lâm
(HBĐT) - Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh hiện duy trì ổn định 2.450 ha, số lượng lồng cá hiện có là 2.000 lồng. 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng cá thu hoạch đạt khoảng 3.191 tấn, trong đó sản luợng nuôi trồng 2.502 tấn; sản lượng khai thác 689 tấn.
(HBĐT) - Theo lộ trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng NTM, đến năm 2015 huyện Đà Bắc không có xã nào về đích. Hiền Lương là xã được chọn làm điểm của tỉnh cũng mới chỉ đạt 14 tiêu chí. Xã Mường Chiềng, Tu Lý được chọn làm điểm xây dựng NTM của huyện cũng chỉ đạt từ 12 - 14 tiêu chí...
(HBĐT) - Trong 5 năm (2010 - 2015), xã Cố Nghĩa (Lạc Thuỷ) đã huy động gần 60 tỉ đồng thực hiện xây dựng NTM. Trong đó, nhân dân đóng góp trên 13 tỉ đồng, hiến 3.200 m2 đất các loại để xây dựng cơ sở hạ tầng. Năm 2010, xã mới đạt 4 tiêu chí, đến năm 2015 cơ bản đạt 19 tiêu chí, phấn đấu về đích theo đúng lộ trình.
(HBĐT) - Theo BCĐ 800 huyện Yên Thuỷ, giai đoạn 2011 - 2015, tổng nguồn vốn huy động đầu tư thực hiện chương trình xây dựng NTM 673, 107 tỉ đồng.
(HBĐT) - 6 tháng đầu năm, hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh có tăng trưởng khá. Giá trị xuất khẩu ước đạt 116,7 triệu USD, bằng 64,83% kế hoạch năm, tăng 86,55% so với cùng kỳ năm 2014.