Đường Trương Hán Siêu là một trong những công trình góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị TP Hòa Bình.
(HBĐT) - Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị, tập trung đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng KT -XH là những vấn đề then chốt mà TP Hòa Bình phấn đấu thực hiện để trở thành đô thị loại II vào năm 2020.
Từ năm 2010 đến nay, công tác kiến thiết và quản lý đô thị được thành phố đặc biệt quan tâm. Trong quản lý và quy hoạch phát triển đô thị đã triển khai lập, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện các đề án công bố quy hoạch tỷ lệ 1/2000 với diện tích 1.468,18 ha, lập quy hoạch phân khu 2.092 ha /4.319 ha, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khoảng 767 ha /4.319 ha, phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM 7/7 xã với diện tích 11.193, 52 ha. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ dân được đẩy nhanh tiến độ, có nhiều cố gắng trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư đảm bảo tiến độ thực hiện một số công trình, dự án quan trọng. Trong đó đã và đang thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư 60 công trình, dự án, phê duyệt 126 phương án với tổng số tiền khoảng 158 tỷ đồng, bàn giao mặt bằng cho 28 dự án với diện tích 19, 6 ha đất các loại.
Đáng chú ý, hệ thống kết cấu hạ tầng KT -XH đã được đầu tư, xây dựng, nâng cấp với tổng nguồn vốn đạt trên 1.650 tỷ đồng, trong đó, ngân sách cấp trên 1.110 tỷ đồng, ngân sách của thành phố trên 540 tỷ đồng. Vốn đầu tư hạ tầng cho giao thông đô thị được ưu tiên hàng đầu với tỷ lệ vốn chiếm tới 53,6%, thuỷ lợi chiếm 6,4%, văn hoá - xã hội chiếm 21%, xây dựng trụ sở và đầu tư khác chiếm 19%. Nhiều công trình có ý nghĩa thay đổi diện mạo đô thị của thành phố đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng như các tuyến đường: Thịnh Lang, Trương Hán Siêu, Chi Lăng kéo dài, Trần Quý Cáp, biểu tượng TP Hoà Bình... Toàn thành phố đã bê tông hoá 37, 2 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng. Hệ thống điện, cấp nước được chú trọng cải tạo, sửa chữa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Cùng với đó, cơ sở vật chất trường, lớp được chăm lo, Bệnh viện Đa khoa được đầu tư xây mới, các trạm y tế xã, phường được cải tạo, nâng cấp, các thiết chế văn hoá từng bước được xây dựng, các công trình thủy lợi cơ bản đảm bảo đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nhằm tạo chuyển biến bước đầu trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị, Thành uỷ đã lãnh đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 về thực hiện nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015 và phương hướng đến năm 2020 với những nội dung chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường, xây dựng ý thức văn minh trong SX -KD và nếp sống văn hoá, văn minh đô thị. Đến nay, so với tiêu chí đô thị loại II, thành phố đã đạt 9/20 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt chủ yếu về KT -XH, dân số, mật độ, công trình công cộng cấp đô thị, hệ thống giao thông, khu đô thị mới, tuyến phố văn minh.
Theo đồng chí Quách Tùng Dương, Bí thư Thành uỷ, thành phố đã đề ra mục tiêu, đưa ra những giải pháp cụ thể với quyết tâm cao để hoàn thành các tiêu chí còn lại của hạ tầng đô thị loại II. Trong đó, đẩy mạnh vận động thu hút nguồn vốn ODA, chỉ đạo thực hiện thường xuyên công tác chỉnh trang đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến năm 2017, thành phố phấn đấu 100% diện tích đất đô thị theo quy hoạch mới được lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. Xây dựng đề án nâng loại đô thị đến năm 2020 và thực hiện công khai các quy hoạch, đảm bảo thực hiện nghiêm xây dựng, phát triển theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong công tác quản lý trật tự đô thị, đất đai, xây dựng, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm. Quan tâm chỉnh trang đô thị, thực hiện các chương trình và mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững và tháo gỡ những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Bùi Minh
(HBĐT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020.
(HBĐT) - Vừa qua, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kết hợp mưa lũ đầu nguồn đổ về làm môi trường nước thay đổi đột ngột, tình trạng cá nuôi lồng chết rải rác đã xảy ra tại các xã Tân Mai, Phúc Sạn (Mai Châu), Ngòi Hoa (Tân Lạc), Thung Nai (Cao Phong), Hiền Lương (Đà Bắc) và Thái Thịnh (thành phố Hoà Bình). Số lượng cá nuôi lồng thiệt hại của các hộ gặp rủi ro khoảng trên 2 tạ. Ngay sau khi có thông tin phản ánh tình hình thiệt hại của hộ nuôi, chi cục Thuỷ sản đã cử cán bộ đến kiểm tra, xác định nguyên nhân và hướng dẫn xử lý.
(HBĐT) - Từ một xã vùng khó khăn, sản xuất chủ yếu thuần nông, xã Sơn Thủy đang trở thành “điểm sáng” trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Kim Bôi. Đồng chí Bùi Văn Lực, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy - người tiên phong và có thâm niêm đưa các giống nhãn, trong đó có giống nhãn Hương Chi (chín muộn) về đồng đất về xã này cho biết: Sơn Thủy không nhiều điều kiện thuận lợi, diện tích đất nông nghiệp ít, việc chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất là điều bắt buộc để cải thiện cuộc sống người dân.
(HBĐT) - Đến thời điểm này khi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đi gần hết giai đoạn (2011- 2015), huyện Yên Thuỷ vẫn còn nhiều tiêu chí khó thực hiện là giao thông, thuỷ lợi, trường học, hình thức tổ chức sản xuất và môi trường.
HBĐT) - Những năm gần đây, công dụng của xạ đen được biết đến nhiều như hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư, viêm gan B, các bệnh về gan, dùng hàng ngày để tăng cường sức khỏe, phòng - chống bệnh tật và ngăn ngừa ung thư... Xác định nhu cầu sử dụng xạ đen là rất lớn, bà con nông dân xã Cao Dương (Lương Sơn) đã tập trung đầu tư trồng và phát triển mở rộng diện tích.
(HBĐT) - Năm 2015, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được Sở LĐ-TB&XH triển khai 5 mô hình trên địa bàn huyện các huyện Đà Bắc, Kim Bôi, Tân Lạc và Lạc Sơn.