Mô hình trang trại trồng cây lâm nghiệp ở xã Liên Hoà đang đem lại những kết quả tich cực.
(HBĐT) - Với nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu và thị trường, nhiều năm qua, Lạc Thuỷ chú trọng phát triển mô hình kinh tế trang trại và đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Đến nay, huyện Lạc Thuỷ có 47 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ NN&PTNT, mô hình này đã và đang góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng phát triển của nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở địa phương; góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá và thúc đẩy các ngành nghề kinh tế khác phát triển. Các trang trại trên địa bàn huyện hoạt động khá tốt trên các lĩnh vực, góp phần tạo việc làm nhàn rỗi ở nông thôn, đem lại nguồn thu nhập bình quân trên 600 triệu đồng/năm.
Đến thăm mô hình của gia đình anh Hà Anh Tuấn, Khu 7, thị trấn Chi Nê, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về quy mô và cách làm sáng tạo của họ. Để có được vườn rộng, sai trĩu quả như ngày hôm nay, 6 năm trước, anh và gia đình đã mạnh dạn đầu tư trồng cam và chanh trên diện tích đất hơn 4 ha. Để tiện cho việc chăm sóc, đặc biệt đáp ứng được nhu cầu của thị trường, anh trồng xen canh nhiều loại cam, chanh khác nhau như: cam canh, cam V2, chanh lòng vàng, chanh đào, chanh trắng,... Nhờ cách làm này, 3 năm sau, gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định bình quân trên 1 tỷ đồng/năm. Bên cạnh việc trồng cam, chanh, anh còn kết hợp chăn nuôi ngan, ngỗng và đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Anh Tuấn chia sẻ: “Trước khi làm, mình tìm hiểu kỹ về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống bệnh hại cho cây, đầu ra sản phẩm và dựa vào sự định hướng của chính quyền địa phương nên khi thực hiện khá thuận lợi, đạt được kết quả như mong muốn”.
Cũng giống như gia đình anh Tuấn, gia đình anh Đặng Văn Bình, xóm Đồng Huống (xã Liên Hoà) hay gia đình anh Dương Quốc Thắng, Thôn Rị (xã Phú Thành),...đã phát triển mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả trên diện tích vườn nhà và đem lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Ngoài ra, còn rất nhiều mô hình khác về chăn nuôi mà nhắc đến tên người dân nơi đây đều biết như: mô hình nuôi gà đẻ trứng của gia đình ông Phạm Xuân Sinh (thôn Đồng Nhất - xã Đồng Tâm), gia đình anh Nguyễn Duy Lành (thôn Bột - xã Phú Thành) với mô hình nuôi gà thịt và gà đẻ trứng. Tất cả những thành công đó có sự cộng hưởng của hai yếu tố: định hướng phù hợp, quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương và sự chuẩn bị của chính người dân khi bắt tay vào xây dựng trang trại.
Với những kết quả đã đạt được, việc phát triển mô hình kinh tế trang trại đang là một hướng đi được Lạc Thuỷ chú trọng. Chia sẻ về phương hướng sắp tới, đồng chí Ngọ Đình Tâm, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Thuỷ cho biết: chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, vực dậy những trang trại chưa hiệu quả và giúp đỡ người dân xây dựng các mô hình trang trại mới; tuỳ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để định hướng phát triển loại mô hình phù hợp. Phấn đấu đến hết năm 2015, nâng tổng số mô hình trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27 lên 60 mô hình.
Viết Đào
(HBĐT) - Ở vào thời điểm những năm 2012 – 2013, trên địa bàn huyện Lương Sơn xảy ra dịch tai xanh ở lợn và cúm trên đàn gia cầm. Trong khi tình hình tiêu thụ gia trại của nhân dân vùng dịch bị ngưng trệ, nghiêm cấm không được bán ra ngoài thì các cơ sở chăn nuôi, trang trại của huyện nhờ có giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đảm bảo nên vẫn thuận lợi xuất ra thị trường ngoại tỉnh.
(HBĐT) - Tính đến tháng 9/2015, toàn tỉnh duy vẫn duy trì ở mức 2.500 ha nuôi trồng thủy sản, trong ao hồ nhỏ. Thống kê, các địa phương đã phát triển đạt 2.100 lồng nuôi cá, tăng 400 lồng so cùng kỳ năm 2014.
(HBĐT) - Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh ta bắt đầu thực hiện từ năm 2014 với định hướng xuyên suốt là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây thực chất là quá trình tạo ra sự thay đổi trong từng lĩnh vực của ngành, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa (SXHH) tập trung với quy mô hợp lý, đạt hiệu quả cao dựa trên nền tảng sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại.
(HBĐT) - Huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng là một trong những giải pháp quan trọng để huyện Cao Phong tăng cường cơ sở vật chất thiết yếu như giao thông, thuỷ lợi, điện, trạm y tế, trụ sở, trường học, tạo nền tảng cho phát triển KT -XH, đảm bảo AN -QP trong những năm qua và các năm tiếp theo.
(HBĐT - Theo thống kê sở NN&PTNT, tổng đàn lợn trên địa bàn toàn tỉnh hiện đạt gần 350.000 con. Toàn tỉnh đã phát triển được 17 trại chăn nuôi lợn nái và hậu bị, cung cấp hơn 150.000 lợn giống/năm và 19.000 lợn hậu bị/ năm.
(HBĐT) - Giai đoạn 2011 – 2015, Hội Nông dân tỉnh đã tăng cường phối hợp với các ngành thực hiện hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.