Kho bạc Nhà nước thường xuyên phối hợp với các chủ đầu tư để nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN.
(HBĐT) - Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh, số dư tạm ứng vốn đầu tư phát triển của các dự án trên toàn tỉnh tính từ năm 2008 đến ngày 15/10/2015 còn trên 180,4 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án tạm ứng chưa có khối lượng để thực hiện thanh, quyết toán. Để giải quyết vấn đề này, theo đồng chí Nguyễn Thế Dũng, Trưởng phòng Kiểm soát chi - KBNN tỉnh cần có những biện pháp, chế tài mạnh để khắc phục tình trạng tạm ứng vốn đầu tư phát triển bị tồn đọng, kéo dài, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách.
Nhiều dự án có số dư tạm ứng lớn
Theo đánh giá của KBNN tỉnh, nguyên nhân dẫn đến số dư tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn tỉnh vẫn còn lớn là do vào khoảng những năm 2008 - 2009, cơ chế tạm ứng theo quy định của Nhà nước được thực hiện rất thoáng. Khi đó, chỉ cần Chủ đầu tư và nhà thầu ký kết hợp đồng triển khai dự án đầu tư XDCB là đã có thể được tạm ứng đến 50%, thậm chí 100% giá trị hợp đồng. Ngoài ra, ở thời điểm đó về cơ chế còn có nhiều hạn chế, làm ngược so với quy trình xét duyệt dự án đầu tư như khi chưa hoàn thành đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), chủ đầu tư và đơn vị thi công đã ký kết hợp đồng trúng thầu. Trên thực tế, công tác GPMB là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp đã có nhiều dự án chậm tiến độ thi công trong nhiều năm liền do không có đất sạch để thi công, phương án đền bù không được dân chấp thuận nên chưa có hồ sơ để thanh toán tạm ứng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số dư nợ tạm ứng vốn đầu tư vẫn còn lớn. Ngoài ra, số dư tạm ứng vốn đầu tư XDCB còn nhiều và chậm được xử lý một phần là do một số dự án chưa hoàn thiện hoặc chưa có hồ sơ khối lượng gửi về KBNN để thanh toán hoàn ứng. Tính đến thời điểm 15/10/2015, theo thống kê của KBNN tỉnh, số dư tạm ứng quá hạn toàn tỉnh hiện vẫn còn trên 180,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số dư tạm ứng quá hạn tập trung chủ yếu ở BQL dự án XDCB ngành NN &PTNT với tổng số tiền hơn 61,3 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng số dư nợ quá hạn toàn tỉnh. Trong đó dự án có số dư nợ tạm ứng quá hạn trong nhiều năm như dự án công trình kè sông Đà thuộc xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) còn dư nợ tạm ứng chi phí xây lắp với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng từ năm 2008; công trình kè Đồng Tiến - Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) còn dư nợ hơn 7,3 tỷ đồng từ năm 2009; công trình kè bờ sông Đà thuộc địa phận xã Trung Minh (TP Hòa Bình) còn dư nợ tạm ứng chi phí xây lắp trên 28,8 tỷ đồng từ năm 2012; công trình đê ngăn lũ kết hợp làm đường giao thông Pheo - Chẹ (Kỳ Sơn) còn dư nợ tạm ứng chi phí xây lắp trên 7 tỷ đồng; kè chống sạt lở sông Bùi đoạn thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) còn dư nợ tạm ứng chi phí xây lắp hơn 2,2 tỷ đồng...
Khắc phục khâu yếu trong GPMB, khơi thông dòng vốn
Trong điều kiện còn khó khăn về ngân sách đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng KT -XH, tỉnh đã phải huy động vốn vay theo Luật NSNN với số tiền hơn 400 tỷ đồng để đảm bảo hoàn thành một số công trình trọng điểm theo đúng tiến độ đề ra thì việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp thu hồi số dư tạm ứng quá hạn là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Theo đồng chí Nguyễn Thế Dũng, để giải được bài toán này góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư từ NSNN, ngoài nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý, đôn đốc các đơn vị thi công sử dụng hiệu quả, đúng mục đích số tiền tạm ứng đầu tư xây dựng các gói thầu thì cần phải thực hiện tạm ứng theo đúng quy định hiện hành và cần có sự tính toán mức tạm ứng hợp lý cho từng gói thầu. Đối với các dự án, gói thầu còn vướng về mặt bằng thi công cũng cần tính toán mức tạm ứng hợp lý để thực hiện, tránh tạm ứng nhưng không thi công được do những vướng mắc về GPMB. Trường hợp vốn tạm ứng chưa thu hồi, nếu quá thời hạn 6 tháng, nhà thầu chưa thực hiện hoặc sử dụng không đúng mục đích, chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi hoàn trả NSNN theo quy định.
Ngoài ra, theo báo cáo của KBNN tỉnh, trong năm 2012, trước tình trạng số dư tạm ứng đầu tư phát triển trên địa bàn tăng cao, tại thời điểm tháng 6/2012 số dư tạm ứng toàn tỉnh vào khoảng 670 tỷ đồng. Trong đó, số dư tạm ứng quá hạn khoảng 250 tỷ đồng, KBNN đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện biện pháp thu hồi vốn tạm ứng quá hạn. Được UBND tỉnh cho phép, KBNN đã ngừng giao dịch với các đơn vị, chủ đầu tư có số dư tạm ứng quá hạn chưa thu hồi và thường xuyên có công văn đôn đốc các chủ đầu tư thu hồi vốn tạm ứng. Kết quả trách nhiệm thu hồi tạm ứng của đa số các chủ đầu tư đã được nâng cao.
Cùng với các biện pháp nêu trên, tháng 4/2015, KBNN đã tổ chức tọa đàm về thanh toán vốn đầu tư cho các chủ đầu tư và các BQL dự án. Buổi tọa đàm đã bàn và đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chính từ biện pháp đó, số dư tạm ứng toàn tỉnh tính đến thời điểm tháng 10/2015 giảm xuống còn 362 tỷ đồng. Trong đó, số dư tạm ứng quá hạn trên 180 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của KBNN tỉnh, việc ngừng giao dịch với các đơn vị, chủ đầu tư có số dư tạm ứng quá hạn chưa thu hồi cũng chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài khó có thể xem đây là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng dư nợ tạm ứng quá hạn trong đầu tư XDCB trên địa bàn tỉnh. Để giải quyết tình trạng này, ngoài có chế tài đủ mạnh để nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư, BQL dự án và nhà thầu thi công cần xem xét, nghiên cứu và làm rõ nguyên nhân gốc rễ của vấn đề gây ra tình trạng số dư tạm ứng còn cao chưa thu hồi được. Theo phân tích, nghiên cứu thực tế, vướng mắc chủ yếu gây ra tình trạng chậm tiến độ, chậm giải ngân vốn đầu tư là do khó khăn trong công tác GPMB thi công. Theo thống kê của KBNN, trong số 39 dự án còn có số dư tạm ứng có 18 dự án có những vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, GPMB, thậm chí có những dự án còn đang vướng mắc kéo dài nhiều năm chỉ vì... 1 hộ dân không nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng như công trình đê, kè Ngòi Dong (TP Hòa Bình) thuộc dự án đập hạ lưu thuỷ điện; công trình nâng cấp, kiên cố kênh tiêu 20; công trình đê ngăn lũ kết hợp đường giao thông Pheo - Chẹ (Kỳ Sơn) do BQL dự án XDCB ngành NN &PTNT làm chủ đầu tư. Chính vì lẽ đó, các chủ đầu tư, BQL các dự án cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương làm tốt công tác GPMB, tạo quỹ đất sạch để thi công, triển khai dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh tình trạng lãng phí vốn đầu tư kéo dài trong nhiều năm liền.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Đồng chí Vũ Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Phú Lai (Yên Thủy) cho biết: Xã có thuận lợi là giáp với trung tâm huyện lỵ nhưng hạ tầng, cơ sở vật chất lại yếu và thiếu. Năm 2015, xã được tiếp sức mạnh mẽ từ đầu tư về hạ tầng hoàn hiện các tiêu chí để trở thành 1 trong 3 xã (Ngọc Lương, Yên Trị, Phú Lai) về đích NTM của huyện Yên Thủy. Ngoài tiêu chí chợ nông thôn không phải thực hiện do ở không xa thị trấn Hàng Trạm. Các công trình: nhà văn hóa, trạm y tế, trường mầm non, tiểu học, THCS, hệ thống giao thông, thủy lợi, kênh mương nội đồng được bổ sung nguồn lực đầu tư xây dựng tạo nên sự thay đổi lớn trong diện mạo nông thôn mà cách đây chỉ vài năm luôn trong tình trạng yếu kém và thiếu đồng bộ.
(HBĐT) - Trong tình hình hiện nay, tại một số doanh nghiệp trên địa bàn đang có tình trạng thiếu hụt trong tuyển dụng lao động. Ngay cả một số doanh nghiệp mặc dù đã đầu tư dây chuyền, trang thiết bị máy móc hiện đại tại địa bàn các huyện nhưng vẫn khó tuyển dụng lao động có tay nghề.
(HBĐT) - Ngay sau khi vụ tai nạn sập hầm khu vực thăm dò mỏ khai thác than của Công ty TNHH Tân Sơn tại xóm Chiềng, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc), ngày 20/11/2015, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Văn phòng Tỉnh uỷ đã có Công văn số 177-CV/VPTU “về việc xử lý, khắc phục hậu quả tai nạn lao động và rà soát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh”.
(HBĐT) - Chiều 20/11, tại Nhà văn hoá xã Liên Sơn, UBND huyện Lương Sơn đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận xã Liên Sơn đạt chuẩn NTM năm 2015. Về dự và chúc mừng buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Văn Tứ, UVTV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Thanh Mịch, UVTV, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh cùng đông đảo nhân dân trong xã.
(HBĐT) - Trong 2 ngày (20 – 21/11), tại V – Resort, Kim Đức, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi), Cơ quan Hợp tác Phát triển Thuỵ Sỹ và UBND 2 tỉnh Hoà Bình, Cao Bằng đã đồng tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả và kinh nghiệm Dự án PSARD (Chương trình Cải thiện cung cấp dịch vụ công trong Nông nghiệp & PTNT).
(HBĐT) - Triển khai kế hoạch đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện; tuyên truyền các chính sách liên quan; rà soát các dự án sử dụng đất lâm nghiệp; triển khai trồng rừng thay thế toàn bộ diện tích chuyển đổi... Đó là những bước đi cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả đề án trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh. Dự kiến đến cuối năm 2016, tỉnh ta sẽ hoàn thành kế hoạch trồng rừng thay thế, đảm bảo đúng tiến độ chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.