Nuôi gà ri thả vườn đang trở thành hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với bà con xã Chí Thiện, huyện Lạc Sơn. (Ảnh chụp mô hình nuôi gà thả vườn của gia đình ông Quách Văn Sỹ, xóm Vó 2).

Nuôi gà ri thả vườn đang trở thành hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với bà con xã Chí Thiện, huyện Lạc Sơn. (Ảnh chụp mô hình nuôi gà thả vườn của gia đình ông Quách Văn Sỹ, xóm Vó 2).

(HBĐT) - Tận dụng diện tích đất đồi và giống gà ri bản địa có chất lượng thương phẩm ngon nhất nhì vùng, vài năm trở lại đây, xã nghèo Chí Thiện (Lạc Sơn) đang có những sự chuyển mình tích cực trong hành trình XĐ-GN.

 

Đồng chí Bùi Xuân Tiến, Chủ tịch UBND xã Chí Thiện cho biết: Chỉ cách trung tâm huyện Lạc Sơn chừng 10 km nhưng xã Chí Thiện lại thuộc diện những xã “top cuối” trong phát triển KT-XH. Những năm trước đây, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của bà con trong xã diễn ra rất chậm, cây lúa, cây ngô vẫn là cây chủ lực nên thu nhập của bà con vẫn ở mức thấp. Nuôi gà ri đã có từ lâu nhưng chỉ ở mức để cải thiện bữa ăn ngày, thỉnh thoảng mang ra chợ bán đổi lấy mắm, muối. Phải đến những năm 2013 – 2014, sau khi thấy một số hộ trong xã nuôi gà ri theo hình thức thả vườn đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ mong muốn làm theo nhưng lại gặp nhiều khó khăn về nguồn giống. Chỉ đến khi cơ sở ấp trứng của anh Bùi Văn Huế, xóm Đảng 1 ra đời, nguồn giống có sẵn ở địa phương thì mô hình mới thực sự được lan tỏa khắp các xóm trong xã.

“Có những thời điểm giá gà lên tới 150 nghìn đồng/kg nên bà con rất phấn khởi và nhà nhà chuyển sang nuôi gà. Nếu năm 2014, tổng số đàn gà nuôi trong xã khoảng 30.000 con thì năm 2015 đã tăng lên trên 40.000 con và ước tính con số này sẽ tăng lên trên 60.000 con trong năm 2016”, đồng chí Bùi Xuân Tiến cho biết. Để mô hình này thực sự được lan tỏa, ngoài yếu tố về nguồn giống bản địa có chất lượng thơm ngon nổi tiếng và nguồn thức ăn từ trồng trọt rất dồi dào thì việc kiểm soát tốt dịch bệnh và địa hình chủ yếu là đồi thấp rất phù hợp với việc chăn thả.  Hiện, 7/7 xóm đều phát triển mô hình này, trong đó tập trung nhiều nhất ở các xóm: Đảng 1, Đảng 2, Cài và Vó 2. Ngoài cái tên Bùi Văn Huế, chàng thanh niên trẻ của xóm Đảng 1, một trong những người đi tiên phong và được nhận giải thưởng Lương Định Của thì những hộ khác cùng xóm như Bùi Văn Hòa, Bùi Văn Hùng, Bùi Văn Bờn đều nuôi gà với quy mô trên 1.000 con. Các hộ Bùi Văn Thức, Bùi Văn Lương (xóm Cài) hay Quách Văn Dự, Quách Văn Sỹ (xóm Vó 2) đều đã và đang gắn bó với mô hình này với quy mô tương tự.

Chúng tôi đến thăm một số mô hình ở xóm Vó 2. Trưởng xóm Bùi Văn Nhưng cho biết: “Thấy hiệu quả kinh tế khá nên hiện nay, hầu như hộ nào trong xóm cũng nuôi gà, ít thì 50 – 60 con, nhiều thì vài trăm đến nghìn con”. Ông Nhưng đưa chúng tôi vào thăm mô hình của gia đình ông Quách Văn Sỹ, là hộ có số lượng nuôi nhiều nhất nhì trong xóm. Với đất vườn rộng, gia đình ông đã mua lưới quây quanh vườn để nuôi gà, đến nay đã duy trì được 3 năm. Với số lượng bình quân 1.200 con/lứa (1 năm 2 lứa), giá bán dao động từ 100 – 150 nghìn đồng/1 kg đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể để gia đình ông cải thiện đời sống.

Cách nhà ông Sỹ không xa, gia đình ông Bùi Văn Thịnh cũng đã duy trì nuôi gà được 3 năm. Với đồi keo rộng trên 1 ha, sau lứa gà đầu tiên, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư 30 triệu đồng để mua lưới thép b40 quây xung quanh vườn để nuôi gà. “Hiệu quả 2 trong 1, như anh thấy đấy, gà ăn cỏ nên vườn lúc nào cũng quang đãng, còn vườn rộng nên gà tha hồ đi kiếm ăn. Bây giờ, chưa có vốn nhiều nên gia đình chỉ nuôi 500 con/lứa, hiệu quả kinh tế thì khá hơn rất nhiều so với cây trồng, vật nuôi khác”, ông Thịnh chia sẻ. Theo ông Thịnh, hiện gia đình ông có 120 con gà mái đang đẻ trứng, lượng thức ăn khoảng 10 kg ngô/ngày, với năng suất khoảng 60 trứng/ngày và giá bán 4.000 đồng/trứng thì trừ chi phí gia đình ông có được thu nhập 170 – 180 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra, gia đình ông còn có trên 300 con gà thương phẩm, chỉ khoảng 3 tháng nữa là có thể xuất chuồng.

“Hằng năm, Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức rất nhiều lớp chuyển giao kỹ thuật cho bà con trong chăm sóc, phòng chống dịch bệnh nên hộ nào cũng biết phòng dịch bệnh cho đàn gà. Dẫu giá bán còn bấp bênh nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tìm đầu ra tốt hơn, đồng thời quán triệt với các hộ nuôi phải giữ nguồn giống gà bản địa để duy trì thương hiệu gà ri Chí Thiện. Cùng với đó, xã chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế để từng bước nâng cao thu nhập cho bà con”, đồng chí Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.

 

                                                                 Viết Đào

Các tin khác

Nhà máy điện Đồng Chum 2 (Đà Bắc) vừa khai trương đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm và sản xuất điện năng hòa vào mạng lưới quốc gia.
HTX nông - lâm nghiệp Thống Nhất (TP Hòa Bình) đang là một trong những HTX nông nghiệp kiểu mới tiêu biểu của tỉnh, rất thành công với mô hình trồng rau an toàn, mang lại thu nhập cao và ổn định cho các xã viên.
Vườn lặc lày mới trồng của gia đình anh Nguyễn Văn Đại  xóm Gừa, xã Cư Yên (Lương Sơn).
Người dân xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) chuẩn bị giống cây dổi phục vụ trồng rừng năm 2016 theo kế hoạch.

Quý I, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 602 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo báo cáo của Sở Tài chính, thu ngân sách Nhà nước quý I/2016 trên địa bàn tỉnh ước đạt 602 tỷ đồng, bằng 24% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 22% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh.

Toàn tỉnh làm cỏ đợt 1 trên 11.800 ha lúa chiêm xuân

(HBĐT) - Vụ chiêm xuân năm nay toàn tỉnh cấy được 15.696 ha lúa, đạt 100,73% kế hoạch, chủ yếu là các giống lúa thuần, lúa lai. Hiện, các địa phương đang tập trung chăm sóc, bón phân, làm cỏ lần 1 cho diện tích lúa. Tính đến ngày 17/3, toàn tỉnh đã làm cỏ lần 1 cho 11.810 ha lúa, tăng 2.139 ha so với kỳ trước.

Đổi mới quan hệ sản xuất - giải pháp trọng tâm để tái cơ cấu ngành nông nghiệp

(HBĐT) - Đổi mới quan hệ sản xuất được UBND tỉnh xác định là giải pháp trọng tâm để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Với nội dung cốt lõi là tổ chức lại sản xuất, đây hứa hẹn sẽ là cuộc cách mạng có tác dụng “lọc máu” cho ngành nông nghiệp địa phương.

Thông tin về vi phạm pháp luật của người quản lý doanh nghiệp

(HBĐT) - Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHéT-BTC hướng dẫn việc trao đổi thông tin về doanh nghiệp giữa hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và hệ thống thông tin thuế sẽ có hiệu lực từ ngày 15/4/2016.

Kinh tế tập thể góp phần phát triển KT -XH

(HBĐT) - Năm 2015, khu vực kinh tế HTX trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các chỉ tiêu về nâng cao giá trị kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển KT -XH của tỉnh.

Cao Phong tập trung chăm sóc lúa chiêm xuân

(HBĐT) - Vụ chiêm xuân 2016 huyện Cao Phong có kế hoạch gieo trồng 4.900 ha. Trong đó cây lương thực có hạt là 1.250 ha, gồm: lúa 420 ha lúa, 830 ha ngô; cây công nghiệp:2.750 ha gồm: cây lạc 50 ha, đậu tương 50 ha, mía 2.600 ha, cây công nghiệp khác 50 ha; cây màu khác 750 ha. Rút kinh nghiệm từ kết quả sản xuất các vụ chiêm xuân trước, tuỳ theo từng loại đất, từng cánh đồng và nguồn nước thuận lợi cũng như đặc điểm tiểu khí hậu của từng vùng để các xã xác định và bố trí cơ cấu trà, cơ cấu giống hợp lý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục