Đồng chí Lý Văn Tuấn (bên trái), trưởng xóm Phủ đang thăm hỏi gia đình ông Đặng Văn Lan, thuộc diện hộ nghèo và đang phải sử dụng nhà tạm.

Đồng chí Lý Văn Tuấn (bên trái), trưởng xóm Phủ đang thăm hỏi gia đình ông Đặng Văn Lan, thuộc diện hộ nghèo và đang phải sử dụng nhà tạm.

(HBĐT) - Nằm cách trung tâm xã Toàn Sơn (Đà Bắc) 9km, xóm Phủ hiện có 86 hộ, 328 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Dao (chiếm 97%). Là xóm 135 chịu nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên khiến cho nơi đây luôn trăn trở bài toán phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con nhân dân.

 

Xóm Phủ thuộc diện khó khăn nhất của xã Toàn Sơn (Đà Bắc), người dân gặp nhiều bất lợi trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Kinh tế chủ yếu là nông - lâm - thuỷ sản với 60 ha cây hoa màu (ngô, sắn), 50 ha rừng trồng (luồng, keo) và 28 lồng nuôi cá. Dân cư phân bố không đồng đều khiến cho việc tập trung các khu sản xuất chưa được đồng bộ. Hiện xóm Phủ có 4 khu sản xuất bao gồm: Áng Trâu, Suối Xanh, Suối Né, Rồng (xã Hiền Lương). Tuy nhiên, chủ yếu là đất thầu ở khu vực xóm Rồng (xã Hiền Lương) với hơn 30 ha, chiếm 50% đất sản xuất nông nghiệp của cả xóm. Quỹ đất sản xuất còn hạn chế do địa hình núi dốc, diện tích nước hồ khá nhiều dẫn đến bưa bãi bằng để canh tác bị thu hẹp. Hơn nữa, mới chỉ có một tuyến đường được mở vào khu sản xuất nông nghiệp Áng Trâu năm 2015, một tuyến đường vào khu sản xuất Suối Xanh hiện đang thi công, còn lại 2 khu chưa được mở đường. Do đó, năng suất thu hoạch sản phẩm bị hạn chế vì phải vận chuyển bằng sức người, sức ngựa.

 

Bên cạnh đó, vốn đầu tư sản xuất và nguồn giống cây trồng, vật nuôi cũng là vật cản lớn khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế khá chậm. Ngay như cá lồng được nuôi hiện nay cũng cho năng suất không cao, bởi chất lượng cá giống thấp, không đảm bảo yêu cầu thị trường. Chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chưa phát triển thành chuồng trại tập trung để tăng hiệu quả. Trình độ dân trí chưa cao nên việc áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất còn hạn chế. Ngoài ra, xóm Phủ cũng chịu tác động không nhỏ từ yếu tố thời tiết. Vào mùa hạn hán, người dân không trồng được cây ngô bởi đất khô cằn, nguồn nước tưới duy nhất là nước mưa thì bị cắt đứt, việc vận chuyển nước tưới vô cùng khó khăn do địa hình dốc núi. Vào mùa mưa lũ, nước suối dâng cao cuốn trôi một phần các sản phẩm nông sản của bà con, việc thu hoạch và vận chuyển bị gián đoạn. Theo đó, giá các loại nông sản bán ra cũng ở mức thấp: sắn là 8.000 đồng/ yến, ngô là 42.000 đồng/ yến,… Ngoài ra, người dân xóm Phủ vẫn chưa có nước sạch để sử dụng, nguồn nước hiện nay chủ yếu là nước tự chảy từ khe suối. Xóm Phủ hiện vẫn còn 5% nhà tạm, ông Đặng Văn Lan, một hộ dân đang ở nhà tạm cho biết: “Do không có đất bằng để sản xuất nông nghiệp nên kinh tế gia đình khá eo hẹp. Thu nhập của cả nhà chỉ khoảng 7-8 triệu đồng/năm chủ yếu từ làm thuê theo mùa vụ. Con trai út đang học lớp 3 là trường hợp học sinh hoà nhập do cháu bị thiểu năng trí tuệ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cái mong lớn nhất của tôi hiện giờ là được hỗ trợ xây dựng một căn nhà kiên cố để tránh những lúc trời trở rét và một phần đất để trồng trọt cải thiện cuộc sống”.

 

Qua đó, năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo ở xóm Phủ vẫn còn ở mức cao chiếm 46%, thu nhập bình quân mới chỉ đạt 15 triệu đồng/người/năm. Ông Lý Văn Tuấn, trưởng xóm Phủ chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn được sự quan tâm của chính quyền tạo điều kiện để đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tập trung vào một loại cây năng suất cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Tăng cường các nguồn vốn đầu tư với lãi suất thấp cho bà con vay vốn để phục vụ sản xuất. Hỗ trợ xoá bỏ nhà tạm. Cung cấp các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao. Mở thêm các lớp tập huấn chuyển giao KH-KT và trực tiếp hướng dẫn cho bà con nhân dân. Đồng thời, mở các tuyến đường vào khu sản xuất nông nghiệp cho bà con để tiện việc chăm sóc và thu hoạch để có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất”.

 

Đồng chí Đặng Thái Sơn, Chủ tịch UBND xã Toàn Sơn (Đà Bắc) cho biết: “ Xóm Phủ nằm trong diện 135 nên còn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục, chúng tôi sẽ có những giải pháp phù hợp tháo gỡ từng nút thắt như tập trung vào công tác trồng và bảo vệ rừng, đề nghị lên cấp trên việc mở các tuyến đường vào các khu sản xuất để việc vận chuyển hàng hoá được thuận lợi, hỗ trợ bà con vay vốn ưu đãi và các loại giống cây trồng vật nuôi năng suất cao. Đồng thời chúng tôi tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, khơi gợi thúc đẩy yếu tố nội lực người dân nơi đây vươn lên.

 

 

                                                         Thanh Sơn (CTV)

 

 

 

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục