(HBĐT) - Hiện Độc Lập là xã nghèo nhất huyện Kỳ Sơn. Trong khi thu nhập trung bình của huyện đạt 32 triệu đồng/ người/năm nhưng thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 12 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 4,3% thì tỷ lệ hộ nghèo của xã tới 36,12% và 16,4% hộ cận nghèo. Độc Lập cũng là xã đứng tốp cuối của huyện về xây dựng NTM khi mới đạt 7 tiêu chí.
Là xã vùng 135 duy nhất của huyện Kỳ Sơn, Độc Lập có diện tích tự nhiên trên 3.152 ha. Trong đó có 279,92 ha đất nông nghiệp; 2.731,09 ha đất lâm nghiệp gồm 1.725,39 ha đất rừng sản xuất và 1.005,7 ha đất rừng phòng hộ, 13,88 ha mặt nước nuôi thủy sản, 95,68 ha đất ở và 31,64 ha đất khác. Toàn xã có 443 hộ, 1.912 nhân khẩu. Như vậy, không kể diện tích đất rừng phòng hộ, bình quân 1 nhân khẩu ở đây có gần 1.800 m2 đất. Vậy, hướng đi nào để Độc Lập đạt được mục tiêu trở thành xã thoát nghèo trong nhiệm kỳ 2015 - 2020?. Đó là vấn đề mấu chốt cho đến nay cấp ủy, chính quyền xã hết sức lúng túng để tìm ra hướng đi mới mang tính đột phá trong phát triển kinh tế, XĐ-GN bền vững.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, với tổng diện tích gieo trồng hàng năm 506,6 ha. Trong đó, năng suất lúa bình quân đạt 47 tạ/ha, tổng sản lượng 841,3 ha; năng suất ngô đạt 28 tạ/ha, sản lượng đạt 218,4 tấn, các cây trồng khác có gần 150 ha sắn, 9,83 ha khoai, Độc Lập đã đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Tuy nhiên, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển khá chậm. Trong điều kiện đất đai rộng, diện tích chăn thả lớn nhưng toàn xã hiện chỉ có 217 con trâu, bò, 1.050 con lợn, 8.000 con gia cầm. Tính riêng đại gia súc, bình quân 1 hộ chưa có được nửa con trâu, bò. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn khiêm tốn chưa có tính đột phá. Hiện toàn xã có 10,7 ha mướp đắng, 14,8 ha bí xanh, 4,8 ha bí đỏ và 2 ha dưa lấy hạt là các loại cây trồng được đánh giá đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa từ 2-3 lần nhưng cũng chỉ chiếm gần 12% diện tích đất nông nghiệp. Với hơn 1.700 ha đất rừng sản xuất cũng chỉ dừng lại ở trồng keo lai để thu hoạch theo chu kỳ, chưa có mô hình gia trại hoặc trang trại. Sản xuất TTCN mới có 4 cơ sở làm chổi chít và 6 hộ sản xuất chế biến gỗ, làm đồ mộc với số lao động được tạo việc làm không đáng kể. Chính vì vậy, hàng năm nguồn ngân sách chủ yếu do cấp trên cấp.
Những năm gần đây, được Nhà nước quan tâm đầu tư, 100% hộ trong xã đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Tuyến đường trục chính nối liền Độc Lập với TP Hòa Bình và các xã Dân Hạ, Đú Sáng đã được nhựa hóa. Xã có nguồn sinh thủy dồi dào và hệ thống thủy lợi khá đồng bộ cơ bản đảm bảo tưới tiêu cho diện tích đất canh tác. Đất rừng sản xuất chiếm trên 54% diện tích tự nhiên. Đó là những điều kiện để Độc Lập mở mang giao lưu, đẩy mạnh phát triển KT-XH. Tuy nhiên, xã còn gặp không ít khó khăn do trình độ dân trí không đồng đều; hệ thống đường liên xóm hầu hết là đường dân sinh chưa được đầu tư nâng cấp; vẫn còn một số hộ ở nhà tạm, xiêu vẹo; việc đào tạo, dạy nghề chưa được quan tâm, chú trọng...
Đến thời điểm này, mặc dù đã có chương trình công tác toàn khóa nhưng Đảng bộ xã vẫn lúng túng trong việc xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ mới. Từ thực tế đó, để Độc Lập đẩy mạnh phát triển KT-XH, xóa đói - giảm nghèo bền vững, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước nhằm phát triển hạ tầng KT-XH; tạo thuận lợi về nguồn vốn đầu tư SX-KD... tại buổi làm việc của đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy cùng lãnh đạo một số sở, ngành với xã Độc Lập mới đây, nhiều ý kiến tâm huyết với các xã vùng 135 nói chung và xã Độc Lập nói riêng đã góp ý, hiến kế cho xu hướng phát triển mới của Độc Lập, đó là: Cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã cần khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, nhất là tiềm năng về đất đai và nguồn nhân lực để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Đội ngũ CB, ĐV trong xã phải là những người đi đầu trong phát triển kinh tế, trở thành những hộ có mô hình điểm để nhân dân học tập noi theo. Chú trọng công tác đào tạo nghề giúp lao động trong xã có đủ điều kiện vào làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào xóa bỏ vườn tạp. Quan tâm thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào sản xuất nông -lâm nghiệp và những lĩnh vực có lợi thế khác.
Đức Phượng
(HBĐT) - Theo NHNN tỉnh đến cuối quý I/2016, các TCTD trên địa bàn có tổng nguồn vốn đạt trên 15.060 tỷ tăng 2% so với cuối năm 2015.
(HBĐT) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND thành phố Hà Nội khẩn trương bố trí đủ vốn để Bộ Giao thông vận tải thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thi công hoàn thành dứt điểm Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hoà Lạc trong năm 2016.
(HBĐT) - Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Thủy, Hưng Thi một thời được coi là chốn sỏi. Nhưng giờ đây, Hưng Thi ngập trong màu xanh ngút ngàn của trên 1.000 ha rừng. Rừng đã và đang mang đến những khởi sắc cho cuộc sống người dân Hưng Thi, trở thành hướng đi trong hành trình vượt khó, làm giàu của bà con nơi đây.
(HBĐT) - Xã Xuất Hoá nằm gần trung tâm huyện Lạc Sơn, có quốc lộ 12B và 12C chạy qua nên thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Sau 5 năm phát huy nội lực, xã Xuất Hoá đã đạt được 12 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng NTM. Với khí thế, quyết tâm cao, Đảng bộ, nhân dân trong xã đã và đang nỗ lực, gấp rút hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt, phấn đấu về đích NTM trong năm nay.
(HBĐT) - Ngày 24/3, UBND huyện Kim Bôi tổ chức lễ đón nhận xã Bắc Sơn đạt chuẩn NTM. Về dự và chúc mừng buổi lễ có lãnh đạo các sở, ban ngành trong tỉnh cùng đông đảo nhân dân trong xã.
(HBĐT) - Nằm cách trung tâm xã Toàn Sơn (Đà Bắc) 9km, xóm Phủ hiện có 86 hộ, 328 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Dao (chiếm 97%). Là xóm 135 chịu nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên khiến cho nơi đây luôn trăn trở bài toán phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con nhân dân.