Phát triển trồng rừng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế lớn  cho người dân xã Hưng Thi (Lạc Thủy). ảnh chụp tại xóm Khoang.

Phát triển trồng rừng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người dân xã Hưng Thi (Lạc Thủy). ảnh chụp tại xóm Khoang.

(HBĐT) - Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Thủy, Hưng Thi một thời được coi là chốn sỏi. Nhưng giờ đây, Hưng Thi ngập trong màu xanh ngút ngàn của trên 1.000 ha rừng. Rừng đã và đang mang đến những khởi sắc cho cuộc sống người dân Hưng Thi, trở thành hướng đi trong hành trình vượt khó, làm giàu của bà con nơi đây.

 

Từ năm 1998, trồng rừng đã phát triển ở Hưng Thi nhưng quy mô còn khiêm tốn vì giá cả thấp và tâm lý “ăn xổi” của bà con. Đến năm 2007, khi Dự án 661 (Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng) được triển khai thì những tiềm năng mới thực sự được đánh thức. Được dự án hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật, bà con trong xã đã tập trung phát triển trồng rừng sản xuất và sau chu kỳ khai thác đầu tiên (khoảng 5-7 năm), nhiều hộ đã có được nguồn thu nhập mà trước đây trong mơ cũng không dám nghĩ tới.

 

Thấy được những lợi ích từ trồng rừng đem lại, mỗi năm, UBND xã Hưng Thi thống kê diện tích rừng nghèo kiệt đề nghị UBND tỉnh phê duyệt cho chuyển mục đích sang trồng rừng sản xuất nên diện tích rừng trồng không ngừng  tăng lên. Đến nay, tổng diện tích đất lâm nghiệp của xã có 2.861 ha, trong đó, 1.320,2 ha rừng sản xuất phát triển xanh tốt. “6/9 xóm đang phát triển mạnh trồng rừng là Khoang, Niếng, Măng, Cui, Mán và Thơi. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ từ trồng rừng như các hộ: Bùi Văn Nhinh (xóm Khoang), Bùi Văn Chung (xóm Thơi), Bùi Thị Quyên (xóm Niếng)... Những đồi sắn, nương ngô ngày nào đã được thay bằng rừng keo vươn màu xanh no ấm” - Đồng chí Bùi Minh Thẩm, Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết.

 

Đổi đời nhờ rừng ở đây có gia đình ông Bùi Văn Đạo, xóm Niếng. Gia đình ông Đạo thuộc diện hộ nghèo, từ khi chuyển 4 ha đất đồi sang trồõng rừng, sau kỳ thu hoạch đầu tiên gia đình ông đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều trang thiết bị thiết yếu trong gia đình và thoát nghèo vào năm 2012. Hay trường hợp của gia đình ông Bùi Văn Thẻm, xóm Thơi cũng thuộc diện hộ nghèo và giờ cũng đã xây được nhà mái bằng và vươn lên khá giả.

 

 “Gia đình tôi chỉ có hơn 1 ha rừng, lứa đầu tiên thu được 30 triệu đồng, đến lứa thứ hai hơn 60 triệu đồng. Trồng rừng chỉ vất vả 2 năm đầu tiên nhưng còn đỡ vất hơn nhiều so với trồng ngô, sắn. Còn hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn”. Bà Bùi Thị Hòa, xóm Khoang cho hay. Cùng xóm với bà Hòa, gia đình ông Bùi Văn Quyển cũng thu được 115 triệu đồng với 1,3 ha keo sau 4 năm trồng. Với giá bán ổn định và kinh nghiệm tích lũy được, ông Quyển, bà Hòa tin tưởng những lứa sau hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.

 

Nói về trồng rừng ở Hưng Thi thì không thể không nhắc đến gia đình ông Bùi Văn Nhinh, xóm Khoang với trên 70 ha. Gắn bó với rừng từ năm 2003, thấy những tiềm năng lớn từ trồng rừng, gia đình ông đã thuê đất để phát triển rừng trồng. Nhờ tích lũy được kinh nghiệm và được tập huấn kỹ thuật nên rừng của gia đình ông lúc nào cũng xanh tốt. Với cách trồng kế vụ, năm nào gia đình ông cũng có khoảng 10 ha cho khai thác, lãi bình quân 80 triệu đồng/ha đem lại nguồn thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm. Bà Bùi Thị Im, vợ ông Nhinh chia sẻ: “Sau nhiều năm bươn trải, buôn bán, chăn nuôi vất vả nhưng hiệu quả không cao, chỉ đến khi đầu tư vào trồng rừng mới đem lại thành công cho gia đình tôi”. Nhờ trồng rừng mà gia đình bà đã xây dựng được cơ ngơi hàng tỷ đồng và nuôi dạy các con trưởng thành.

 

Nhìn vào con số trên 123 ha rừng trồng sau khai thác trong năm 2015 và mục tiêu trồng lại trên 126 ha rừng sau khai thác trong năm 2016, có thể thấy đây là hướng đi chính của xã Hưng Thi trong phát triển KT-XH. Cùng với đẩy mạnh cơ cấu kinh tế, những năm qua, Hưng Thi đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 25 triệu đồng/người/năm. Công cuộc xây dựng NTM đã hoàn thành 15 tiêu chí.

 

 

                                                                    Viết Đào (CTV)

 

 

 

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục