3 chiếc HCV mà đội tuyển bóng bàn Việt Nam giành được tại giải vô địch Đông Nam Á 2016 (đã bế mạc ngày 24-12) tại Indonesia là một kết quả đáng khích lệ ở thời điểm hiện tại. Tuy vậy, người làm bóng bàn trực tiếp đều biết rằng, kết quả của từng VĐV đạt được không thể không nhắc tới sự đầu tư ở địa phương...


Địa phương vẫn là chủ lực

8 tay vợt dự giải vô địch Đông Nam Á được tập trung từ các đơn vị địa phương gồm Quân đội (Đinh Quang Linh), Hà Nội (Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Anh Tú), Hải Dương (Nguyễn Đức Tuân, Đoàn Bá Tuấn Anh), TPHCM (Mai Hoàng Mỹ Trang), Bộ Công an (Nguyễn Thị Việt Linh, Phan Hoàng Tường Giang).

Ai cũng hiểu, từ cấp cơ sở được đầu tư hiệu quả nên VĐV mới mạnh mẽ như vậy khi ở đội tuyển. Trường hợp bóng bàn Quân đội, Hà Nội hay Hải Dương đầu tư rất mạnh cho VĐV nam. Trong một năm, những tay vợt như Đức Tuân, Tuấn Anh, Quang Linh, Anh Tú luôn được đơn vị chủ quản đưa đi tập luyện tại Trung Quốc theo giai đoạn và cho thi đấu cọ xát nhiều giải từ không chuyên tới chuyên nghiệp.

Hay nói thẳng ra địa phương biết đó là mũi nhọn của mình và không thể trông chờ vào ai nên đầu tư để đạt thành tích chuyên môn. Nếu Đinh Quang Linh không được thi đấu quốc tế nhiều và được cả tập huấn một thời gian, tay vợt này chưa chắc đã duy trì được sự bền bỉ như vậy. Nguyễn Anh Tú hoặc Đức Tuân, Tuấn Anh nếu không được đơn vị của mình cho đi tập tại Trung Quốc từng giai đoạn ở mỗi chu kỳ huấn luyện, chuyên môn của họ rất khó tăng dần lên trong thời gian ngắn vừa qua.

 

Các tay vợt trẻ như Anh Tú cần được đầu tư lớn cho tương lai. Ảnh: Dũng Phương

Câu hỏi được giới chuyên môn đặt ra không phải không có lý rằng, sau thi đấu Giải vô địch Đông Nam Á 2016 và có HCV, bóng bàn Việt Nam sẽ có những đầu tư mạnh mẽ cụ thể hơn như thế nào? Chúng ta không thiếu lần đội tuyển đã đạt thành tích HCV ở giải Đông Nam Á hoặc một số giải quốc tế nhưng sau đó, sự đầu tư cho đà phong độ thăng tiến tiếp tục lại không ổn thỏa, nên đội tuyển nhiều giai đoạn rơi vào hụt hẫng. Thường khi có giải đấu (SEA Games hoặc vô địch châu Á), đội tuyển mới tập trung cao độ rèn quân tìm cơ hội tranh chấp thành tích. Ngoài ra, nhiều địa phương muốn VĐV của mình lên đội tuyển phải được tập luyện, gia tăng chuyên môn chứ nếu không tạo được sự khác biệt thì các HLV đơn vị khó mặn mà cho vận động viên tham gia.

Nếu thêm cơ hội tập huấn...

Trưởng bộ môn bóng bàn Phan Anh Tuấn khẳng định, sau khi theo dõi chuyên môn tại Giải vô địch Đông Nam Á 2016 và nắm thông tin chuẩn bị lực lượng bóng bàn của các quốc gia cho SEA Games 2017, sẽ có một số chương trình đầu tư mạnh ở khả năng tài chính cho phép đối với đội tuyển nam, nữ trong giai đoạn tập trung năm 2017. Các tay vợt và BHL đội tuyển muốn nhà quản lý tích cực tạo điều kiện để vận động viên được ra nước ngoài rèn luyện “đổi gió”. Khi đó, vận động viên tốt về tâm lý lẫn chuyên môn tích lũy. 

Năm 2017, bóng bàn Việt Nam bắt đầu khởi động thi đấu quốc tế vào tháng 4 với Giải vô địch châu Á tại Trung Quốc. Sau đó 1 tháng, Giải vô địch thế giới 2017 được tổ chức. Trong nước, vận động viên thi đấu Giải vô địch quốc gia 2017 tháng 6. Các tay vợt được cọ xát với vận động viên ngoại Giải cây vợt Vàng 2017 (tháng 7). Tháng 8, đội tuyển bóng bàn dự SEA Games 29-2017 tại Malaysia. 

Chương trình tập huấn nước ngoài có hay không vẫn sẽ chờ. Kết quả đã sẵn có là 3 huy chương vàng sau giải Đông Nam Á 2016, một số huy chương vàng của đội tuyển bày tỏ rằng muốn được tập và thi đấu nhiều hơn khi tập huấn nước ngoài. Mãi thi đấu với đối thủ trong nước, khả năng gia tăng thêm chuyên môn là không nhiều. 
 

 Về quy định thưởng mới của ngành TDTT Hà Nội cho VĐV thi đấu giải vô địch Đông Nam Á ở các môn thể thao nhóm 1, HCV sẽ nhận 48 triệu đồng, HCB là 24 triệu đồng và HCĐ là 18 triệu đồng. Bóng bàn là môn thể thao nhóm 1, nên việc các tay vợt Nguyễn Anh Tú và Nguyễn Thị Nga đã giành HCV tại giải Đông Nam Á 2016 sẽ trở thành những VĐV đầu tiên được hưởng chế độ thưởng mới này của thể thao Hà Nội. 

 


Xóa tan hiềm khích

Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, bóng bàn Việt Nam mới giành được đến 3 ngôi vô địch và đều quan trọng ở giải đấu cấp khu vực (vô địch đồng đội nam, đồng đội nữ và đơn nam), thậm chí suýt chút nữa Mai Hoàng Mỹ Trang giành thêm danh hiệu đơn nữ nếu may mắn hơn trong trận chung kết trước Lin Ye (Singapore, hạng 49 thế giới).

Vượt qua được quốc gia mạnh như Singapore (sở hữu hầu hết các tay vợt gốc Trung Quốc) cho dù họ có đem đến giải thành phần mạnh nhất hay không cũng được xem là điều đáng kể. Lâu nay, bóng bàn khu vực Đông Nam Á đã phải chịu nhiều thiệt thòi trước sự chiếm lĩnh của Singapore, nhờ vào các tay vợt gốc Trung Quốc và luôn có tên trong tốp đầu thế giới. Ngay cả những tay vợt trẻ của Singapore cũng được tuyển chọn kỹ từ cường quốc bóng bàn kể trên, thành thử luôn tồn tại khoảng cách về trình độ của họ so với phần còn lại của khu vực.

 

HLV Nguyễn Nam Hải (trái) đã xóa tan hiềm khích tồn tại ở đội tuyển bóng bàn. Ảnh: Nhật Anh

Thế cho nên, thắng lợi của bóng bàn Việt Nam trong cuộc đua ở giải đấu số 1 khu vực cũng là động lực thúc đẩy các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Philippines vươn lên. SEA Games 28 diễn ra hồi tháng 6 năm ngoái, bóng bàn nữ Việt Nam và Thái Lan từng hợp sức loại hết những tay vợt nữ hàng đầu của Singapore khỏi cuộc chạy đua đến tấm HCV đơn nữ, trong khi các tay vợt nam của Việt Nam cũng đã trở thành thách thức thực sự của Singapore ở trận chung kết đồng đội nam.

Điều đó có nghĩa bóng bàn Việt Nam và khu vực đang tiến bộ vượt bậc, hay Singapore đang chững lại và sa sút? Có lẽ là cả hai. Thế nhưng, trên góc độ đánh giá của những nhà chuyên môn khu vực, thì rõ ràng trong khoảng 4-5 năm trở lại đây, các tay vợt Đông Nam Á không còn quá sợ hãi khi đối đầu với các tay vợt Singapore, và việc Thái Lan “giật” của họ 1 tấm HCV đơn nữa ở SEA Games 2015 chỉ là khởi đầu cho một cuộc lật đổ còn lớn hơn trong tương lai.

Ngoài sự tiến bộ và việc Singapore chưa cử đi những tay vợt xuất sắc nhất của mình (họ có thói quen chuẩn bị đội hình 1 cho các sự kiện lớn như SEA Games, các giải châu Á và thế giới), thành công của bóng bàn Việt Nam còn dựa vào những yếu tố quan trọng khác, tức là tính đoàn kết và tinh thần đồng đội trong thi đấu. Đấy là điều mà không chỉ giới làm nghề, mà người hâm mộ cũng đang trông mong rất nhiều, sau một thời gian đội tuyển chìm vào điều tiếng của sự cãi vã, VĐV nói xấu lẫn nhau và thậm chí từng xảy ra ẩu đả khi đội tuyển xuất ngoại…

Có vẻ như, những hiềm khích trong quá khứ đã trôi dần vào quên lãng, để thay vào đó là sự tươi mới từ băng ghế huấn luyện với sự xuất hiện của nhà cầm quân trẻ Nguyễn Nam Hải, và một tập thể biết cách siết chặt tay nhau mà bước tới.

 

                                                      TheoSGGP

Các tin khác


Việt Nam - Indonesia: Điểm tựa Mỹ Đình

Chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam lại bị dư luận phản ứng nhiều như hiện tại. Điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Philippe Troussier.

Họp Ban tổ chức địa phương Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 25/3, Ban Tổ chức địa phương cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình TP Hồ Chí Minh lần thứ 36 năm 2024 tỉnh Hoà Bình đã họp triển khai công tác phối hợp tổ chức giải.

Dồn lực để chinh phục huy chương tại Olympic Paris 2024

Ngành Thể dục thể thao đặt mục tiêu có từ 12-15 suất tham dự Thế vận hội Olympic Paris 2024.

Một vận động viên người Việt tham gia Giải chạy Việt Nam Siêu Marathon tử vong

Chiều nay 24/3, Ban Tổ chức (BTC) Giải chạy Vietnam Ultra Marathon (Vietnam Siêu Marathon) thông tin trên trang Fanpage của giải về một vận động viên (VĐV) tham dự sự kiện qua đời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân

Ngày 24/3, tại Quảng trường Hòa Bình, trên 2.000 người đã tham gia Lễ phát động Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục