Biểu diễn phục dựng vật cổ truyền dân tộc Mường tại Lễ hội đình Khói năm 2020, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn).
Vật cổ truyền dân tộc Mường đã có từ hàng nghìn năm. Trước đây, không chỉ có trong các hội xuân mà ngay cả trong cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày, người dân thường chơi vật cổ truyền. Tại lễ khai mạc phục dựng Lễ hội đình Khói năm 2020, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn), biểu diễn phục dựng vật cổ truyền dân tộc Mường đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của đông đảo người dân.
Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) cho biết: "Năm 2017, môn vật cổ truyền đã được thi đấu chính thức trong Đại hội TDTT huyện Lạc Sơn. Đây không chỉ là một trò chơi truyền thống mà còn là một nghi thức tín ngưỡng dân gian có trong các lễ hội dân gian như lễ hội đình Khói. Trò chơi này khá đơn giản, chỉ cần hướng dẫn một vài động tác là có thể chơi, nhưng để chơi giỏi cần phải có kinh nghiệm, kỹ thuật mới có thể chiến thắng đối phương”. Cũng theo nghệ nhân, môn vật cổ truyền dân tộc Mường phổ biến và được người dân chơi nhiều nhất ở xã Liên Vũ cũ (nay là thị trấn Vụ Bản).
Tại khu Mường Khênh, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) có ngôi đình (nay đã bị phá) thờ ông Chưởng Tín và bà Triệu Ân (tương truyền là bộ tướng của bà Triệu Thị Trinh) - những người có công lãnh đạo dân binh đánh quân giặc Ngô. Theo truyền thuyết, ngoài việc luyện cho quân sĩ bắn bia, bắn nỏ, hai vị còn đưa vật Mường trở thành bài huấn luyện bắt buộc cho quân sĩ hàng ngày tập luyện. Cứ 3 năm 1 lần, vào ngày rằm tháng hai âm lịch, người dân Mường mở hội lớn. Trò vật cổ truyền, bắn bia bắn nỏ... được người dân đưa vào chiến tích, chơi lại như một nghi thức, tín lễ tưởng nhớ ông Chưởng Tín và bà Triệu Ân huấn luyện quân sĩ khi xưa.
Trò chơi này thường được tổ chức trên các bãi đất bằng phẳng hoặc bãi cát sạch, không có bất kỳ cây que hay đá sỏi để đảm bảo an toàn cho người chơi. Một keo hay một hiệp chỉ có hai đối thủ cùng tham gia. Khi vào trận đấu, hai bên phải tuyệt đối nghe theo hiệu lệnh của trọng tài. Người thắng sẽ được đi tiếp vào vòng trong, còn người thua bị loại.
Vật cổ truyền dân tộc Mường khá đa dạng về kiểu cách và mưu mẹo chơi, nhưng có một số bước cơ bản như: bước chuẩn bị, còn gọi là "bắt boóc" (ôm vóc), hai đô vật bước tới giáp mặt, lưng thẳng, ngực cọ ghì sát vào nhau, hai tay đưa ra ôm bắt sau thắt lưng đối thủ theo nguyên tắc tay trong, tay ngoài. Yêu cầu ở bước này lưng phải thẳng tự nhiên, không được lên gồng, hai bàn chân kề áp song song với chân đối thủ cũng theo nguyên tắc chân ngoài, chân trong. Khi hai bên không phạm luật bắt boóc, trọng tài sẽ ra hiệu lệnh cho hai đô vật vào cuộc chơi. Ai bị ngã xuống đất hoặc bị quật buông xuống đất là thua. Luật chơi tưởng chừng đơn giản nhưng cách chơi áp sát khó để đối phương sử dụng những mánh khóe xấu hay gian lận.
Hiện nay, nhiều môn thể thao hiện đại đã dần thay thế môn vật cổ truyền dân tộc Mường. Trong thời gian tới, mong ngành VH-TT&DL tỉnh quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có môn vật cổ truyền dân tộc Mường.
Linh Nhật