Chỉ trong khoảng nửa cuối tháng 3 này, gần như toàn bộ các giải đấu châu lục hay vô địch quốc gia trên toàn thế giới đều đã bị tạm hoãn mà chưa hẹn ngày trở lại. FIFA cũng như AFC tỏ ra vô cùng quyết liệt và nhanh chóng đưa ra quyết định lùi các trận đấu nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 ở những nơi tập trung đông người như sân vận động.
Tại Việt Nam, một vài giải đấu quốc nội vẫn diễn ra những vòng đầu tiên, tuy nhiên luôn trong điều kiện thi đấu ở sân không khán giả và phải trải qua quy trình kiểm tra y tế ngặt nghèo. Sau đó, Liên đoàn bóng đá (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã đi tới thống nhất tạm dừng lại toàn bộ để phục vụ công tác phòng chống dịch. Lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống giải đấu của Việt Nam bị ảnh hưởng và xáo trộn nghiêm trọng, buộc những người làm bóng đá nước nhà phải đối mặt với nhiệm vụ tìm ra phương án giải quyết phù hợp để giải quyết mùa giải từ nay đến cuối năm.
Theo Phó Chủ tịch thường trực VFF ông Trần Quốc Tuấn, rất nhiều sự kiện thể thao trên thế giới như Euro, Copa América, đua xe F1 hay mới đây nhất là Olympic đã đều phải tạm hoãn để hướng tới mục tiêu chung tay ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch Covid-19. Điều này rõ ràng đã ảnh hưởng tới hệ thống thi đấu thế giới, trong đó đương nhiên có cả Việt Nam. Hiện nay, trong giai đoạn các giải đấu tạm dừng, cầu thủ cũng như các CLB đang phải có biện pháp riêng cho mình, duy trì hoạt động ngoài thi đấu nhằm có được thể trạng tốt nhất để thi đấu chuyên nghiệp ở thời điểm các hoạt động thể thao có thể chính thức trở lại.
Phó Chủ tịch thường trực VFF nhấn mạnh, tất cả hoạt động của bóng đá khu vực cũng như châu lục vẫn có kế hoạch diễn ra vào cuối năm nay, đặc biệt là vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á dự kiến trở lại trong tháng 10, bên cạnh đó là Vòng chung kết AFF Suzuki Cup 2020 vào cuối tháng 11. Đây là hai trong số những mục tiêu lớn sức quan trọng với bóng đá Việt Nam. "Việc thi đấu không khán giả hoặc lùi lịch thi đấu là biện pháp bất đắc dĩ, nhằm tránh tập trung đông người trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn tiếp tục bùng phát. Điều này cũng là một trong những cản trở đối với kế hoạch chuẩn bị cho các đội tuyển quốc gia”, ông Trần Quốc Tuấn chia sẻ về những khó khăn trong công tác tổ chức giải đấu cũng như tập trung của đội tuyển Việt Nam.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực VFF.
V-League 2020 đã trải qua hai vòng đấu với sự kiểm soát chặt chẽ của bộ phận y tế, sự quản lý của các CLB. Cầu thủ là tài sản của CLB, nên các đội bóng đều nhận thức rõ trách nhiệm bảo vệ thành viên của mình. Ban điều hành giải cùng ban tổ chức trận đấu đã rất cố gắng, phối hợp chặt chẽ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn sức khỏe cho các thành viên tham dự giải và cho cộng đồng. Các cầu thủ cũng đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn trong tập luyện, thi đấu và duy trì phong độ. Tuy nhiên, việc di chuyển liên tục theo cường độ hoạt động bóng đá dễ tạo ra tiếp xúc, lây nhiễm trong quá trình đi lại nên ban tổ chức đã quyết định tạm dừng tất cả các giải đấu khi dịch Covid lên mức đỉnh điểm.
Việc V-League bị đình trệ dẫn tới nhiều hệ quả tiêu cực không chỉ với giải đấu, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới các CLB và các cầu thủ. Không được thi đấu, các cầu thủ rơi vào tình trạng "thất nghiệp”, trong khi các CLB vẫn phải duy trì hoạt động và trả lương đầy đủ cho toàn đội bóng. Điều này ảnh hưởng tới tài chính, sự ổn định và phát triển của các đội bóng trong nước. Hy vọng vấn đề này sẽ có phương án giải quyết trong thời gian sớm nhất, bởi nếu diễn ra trong quá trình dài thì đây thực sự là cuộc khủng hoảng tồi tệ với bóng đá thế giới nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng.
"Do vậy, chúng tôi đang rất cố gắng đề ra các giải pháp, đồng thời tính toán thật kỹ, bảo đảm cho các CLB và cầu thủ duy trì hoạt động chuyên môn nghề nghiệp. Chúng ta đều biết rằng, tất cả các hoạt động của V-League có giá trị rất quan trọng đối với sự chuẩn bị của đội tuyển Việt Nam hướng đến Vòng loại World Cup 2022 và AFF Suzuki Cup 2020”, Phó Chủ tịch thường trực VFF nói thêm.
Trong mọi giải pháp, ban tổ chức V-League đều tính toán các yếu tố về thời gian, mật độ thi đấu, làm sao có thể bảo đảm hài hòa, mang lại điều kiện tốt cho các CLB tham gia giải trong nước. VFF và VPF cũng đã tính đến phương án tổ chức thi đấu tại một số địa điểm tập trung, tạo điều kiện cho các CLB chỉ phải di chuyển bằng ô-tô và hạn chế tối đa việc sử dụng máy bay. Trên hết, yếu tố quan trọng nhất là những hoạt động chuyên môn cần được bảo đảm để các cầu thủ có thể duy trì hoạt động thi đấu, qua đó đạt được trạng thái phong độ tốt nhất khi đội tuyển tập trung trở lại, phục vụ các nhiệm vụ quan trọng vào cuối năm nay.
Ông Trần Quốc Tuấn cũng chia sẻ thêm về kế hoạch dự Giải quốc tế Maurice Toulon Revello 2020 tại Bouches-du-Rhône (Pháp) của đội tuyển U21 Việt Nam vào tháng 6. Ông cho biết, quyết định tổ chức hay hoãn giải đấu đều phụ thuộc phía ban tổ chức. Hiện tại, VFF cũng đang hết sức lo lắng vì tâm điểm của đại dịch Covid-19 đang ở châu Âu. Tuy vậy, VFF vẫn luôn có phương án dự phòng và sẽ lên kế hoạch điều chỉnh công tác chuẩn bị lực lượng của đội U21 quốc gia hướng tới SEA Games 31, trong trường hợp Giải quốc tế Maurice Toulon Revello 2020 không thể tổ chức.
TheoNhanDan