Việc luyện tập đều đặn để duy trì và nâng cao trình độ luôn là yêu cầu tiên quyết của các VĐV trong mọi môn thể thao. Với ngành thể thao Việt Nam, vấn đề này đã và đang được giải quyết một cách hợp lý, dù các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia lớn nhất cả nước phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19.


Các cán bộ công chức, viên chức, người lao động, HLV và VĐV tại TTHLTTQG Hà Nội nghiêm chỉnh thực hiện chương trình phòng, chống dịch Covid-19.

Các đội tuyển thể thao linh hoạt ứng biến phương pháp tập luyện

Đã từ lâu, bốn trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (TTHLTTQG) tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ là những nơi "ăn tập” của phần lớn các vận động viên (VĐV) thể thao đỉnh cao của Việt Nam. Tuy vậy, thời gian qua, không khí sinh hoạt, tập luyện của các chuyên gia, huấn luyện viên (HLV) và các VĐV tại đây đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch Covid-19.

Theo dự kiến kế hoạch ban đầu, một vài VĐV thuộc các đội tuyển đang tập luyện tại TTHLTTQG Hà Nội sẽ có chuyến tập huấn nước ngoài trong giai đoạn đầu năm 2020. Tuy nhiên, sự bùng phát mạnh mẽ của dịch Covid-19 trên thế giới nói chung đã buộc ban huấn luyện phải có những điều chỉnh phù hợp. Ngay sau khi trở lại từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các thành viên đội tuyển đều tập trung tại trung tâm, hủy bỏ các hoạt động dã ngoại, tập huấn tại các địa phương ngoài Hà Nội. Như trường hợp của đội tuyển xe đạp quốc gia đã phải hủy bỏ đợt tập huấn tại hai tỉnh Hòa Bình và Lào Cai, tổ chức đạp xe "băng đồng” hàng trăm vòng trong khuôn viên trung tâm huấn luyện.

Theo chia sẻ của Trưởng Phòng huấn luyện thuộc TTHLTTQG Hà Nội Nguyễn Mạnh Sơn, nhằm chuẩn bị tốt cho các sự kiện thể thao trong và ngoài nước trong năm nay, trung tâm hiện đang quản lý khoảng 600 VĐV của các đội tuyển quốc gia pencak silat, bóng bàn, bắn súng, bắn cung, cử tạ, taekwondo, điền kinh, thể dục dụng cụ, vật, wushu, đấu kiếm, đua thuyền... Do dịch Covid-19, nhiều chuyên gia quốc tế không thể có mặt tại Việt Nam để giảng dạy, bên cạnh đó, không ít giải đấu cọ xát của nhiều môn thể thao cũng không thể tổ chức cũng làm ảnh hưởng tới kế hoạch và quá trình tập luyện của các đội tuyển. Dù vậy, "có thể khẳng định, đến thời điểm này, mọi hoạt động cũng như kế hoạch tập luyện của các đội tuyển tại trung tâm tuy có những thay đổi, xáo trộn nhưng vẫn được bảo đảm ", ông Nguyễn Mạnh Sơn khẳng định.

Các thành viên tại TTHLTTQG Hà Nội chấp hành đầy đủ biện pháp phòng, chống lây nhiễm dịch Covid-19.

Các đội tuyển đã vượt khó trong mùa dịch bằng nhiều phương án rất thú vị. Không thể trực tiếp nhận sự huấn luyện của các chuyên gia, các VĐV đã lựa chọn việc tiếp thu bài giảng và thực hiện các yêu cầu của HLV qua mạng internet. Các VĐV thực hiện và thu hình các bài tập đúng theo giáo án đã trao đổi với HLV qua các kênh trực tuyến. Từ đó, HLV có thể quan sát tiến trình luyện tập của các VĐV và kịp thời đưa ra lời khuyên, hướng dẫn điều chỉnh về kỹ thuật sao cho hiệu quả nhất để hoàn thiện bài tập trong giáo án.

Cùng chung khó khăn như trung tâm tại Thủ đô Hà Nội, TTHLTTQG Đà Nẵng đang là nơi đóng quân của 212 VĐV, 42 HLV và một chuyên gia thuộc 12 đội tuyển trẻ, sáu đội tuyển quốc gia và đội tuyển bơi người khuyết tật. Giám đốc TTHLTTQG Đà Nẵng - TS Lê Hồng Sơn cho biết: "Để duy trì sự an toàn cho sức khỏe của các VĐV đang tập trung tập huấn, ngay từ đầu tháng 4, trung tâm đã thực hiện lệnh cấm trại, hầu hết cán bộ, công nhân viên chức ở các bộ phận liên quan đến VĐV và HLV đều sinh hoạt, cùng tập luyện, ăn, nghỉ tại trung tâm. Số lượng không nhiều các cán bộ ít liên quan đến VĐV, HLV thì được giải quyết cho làm việc tại nhà.

Tuy vậy, phương án này không phải không có bất cập, như trường hợp của đội tuyển bơi, các VĐV phải tập luyện "chay” trên cạn thay vì bể bơi; hay đội tuyển cầu lông tập luyện tại chỗ vì không thể di chuyển đến Nhà thi đấu Trường Đại học thể dục thể thao (TDTT) Đà Nẵng cách đó không xa. Cá biệt, đội tuyển đua thuyền phải tập luyện ở địa điểm cách trung tâm gần 30 km nên thường xuyên phải cần tới sự giám sát vô cùng chặt chẽ về yêu cầu phòng, chống dịch.

Song song với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, VĐV thuộc các đội tuyển tại TTHLTTQG Đà Nẵng vẫn duy trì tập luyện đều đặn theo đúng kế hoạch.

Với TTHLTTQG TP Hồ Chí Minh, đơn vị đang quản lý hơn 250 VĐV thuộc hơn 20 đội tuyển, trong đó có chín đội tuyển quốc gia và hai đội tuyển thể thao người khuyết tật. Trung tâm vấp phải khá nhiều khó khăn bởi đặc thù có đến hai cơ sở (tại Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh và Phan Thiết - Bình Thuận), bên cạnh đó là một số đội tuyển khác cũng đang tập huấn ở Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh và các CLB, dẫn tới trở ngại về công tác quản lý VĐV, HLV trong mùa dịch.

Nhằm khắc phục khó khăn, theo chia sẻ của Giám đốc TTHLTTQG TP Hồ Chí Minh Võ Quốc Thắng, trung tâm đã triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 vào công tác quản lý, giám sát quá trình tập luyện, chế độ dinh dưỡng, ăn uống của từng VĐV và đội tuyển.

Áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả

Là đơn vị tập trung nhiều VĐV nhất trong số bốn trung tâm lớn, để triển khai công tác quản lý nhân sự và phòng, chống dịch bảo đảm hiệu quả, theo chia sẻ của Phó Giám đốc TTHLTTQG Hà Nội ông Nguyễn Anh Minh, trung tâm được tổ chức gần giống một doanh trại quân đội, một khu cách ly đặc biệt, "nội bất xuất, ngoại bất nhập” và kiểm soát người ra vào vô cùng khắt khe.

Ngay từ những ngày đầu tháng 4, TTHLTTQG Hà Nội đã bố trí phân công luân phiên trực và làm việc giữa các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Theo đó, một nhóm sẽ "trực chiến” tại trung tâm làm việc 24/24 (không về nhà, ăn, ngủ tại trung tâm) để vận hành các hoạt động của trung tâm diễn ra hằng ngày, trong khi một nhóm khác sẽ làm việc trực tuyến tại nhà. Hai nhóm làm việc này sẽ thay đổi nhiệm vụ với nhau theo tuần.

Trước đó, từ cuối tháng 3, Tổng Cục trưởng TDTT Vương Bích Thắng đã có yêu cầu thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với VĐV, HLV đang tập huấn tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Đồng thời, yêu cầu Bệnh viện Thể thao Việt Nam chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ điều trị, cách ly theo quy định của Bộ Y tế; chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch tại bệnh viên, cũng như có phương án phối hợp các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia để ngăn ngừa dịch bệnh.

TTHLTTQG Hà Nội đã thực hiện rất nghiêm túc yêu cầu của lãnh đạo Tổng cục, cả hai khu A và B đều được bố trí khu vực cách ly riêng biệt, bảo đảm kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Tại đây, đội ngũ y bác sĩ luôn sẵn sàng, cũng có nhà bếp riêng… hằng ngày đều tiến hành đều đặn việc đo thân nhiệt và kiểm soát sức khỏe cho các thành viên tại trung tâm.

Với mục tiêu bảo đảm an toàn sức khỏe, thể lực cho các VĐV được đặt lên hàng đầu, TTHLTTQG TP Hồ Chí Minh đã tiến hành phát khẩu trang cho toàn bộ HLV, VĐV, chuyên gia, quản lý, viên chức và người lao động trong trung tâm, trang bị bình nước rửa tay, bình sát khuẩn nhanh. Xác định việc giữ gìn môi trường cơ quan sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh cũng là góp phần ngăn ngừa dịch bệnh, trung tâm đã tiến hành tiêu độc, khử trùng triệt để toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị tại đơn vị.

Bên cạnh đó, việc tăng cường chế độ dinh dưỡng cho VĐV cũng được các TTHLTTQG chú trọng như một trong những biện pháp phòng, chống dịch. Ngoài việc thay đổi thực đơn thường xuyên, các món ăn phong phú, bảo đảm dinh dưỡng, bữa ăn dành cho các VĐV được tăng cường chất đạm, bổ sung các loại rau, củ quả và thuốc bổ, thực phẩm chức năng... Các khâu như lựa chọn thực phẩm, chế biến đều được kiểm duyệt kỹ lưỡng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sức khỏe các VĐV.

Với việc áp dụng nhiều biện pháp trên nhiều kênh khác nhau, công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 tại các TTHLTTQG đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Vượt lên trên những hạn chế và khó khăn, các VĐV thể thao Việt Nam vẫn đều đặn duy trì chế độ tập luyện, ổn định về mặt tâm lý để sẵn sàng hướng tới giai đoạn bắt nhịp trở lại các giải đấu đỉnh cao trong nước và quốc tế khi dịch bệnh qua đi.

TheoNhanDan


Các tin khác


Việt Nam - Indonesia: Điểm tựa Mỹ Đình

Chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam lại bị dư luận phản ứng nhiều như hiện tại. Điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Philippe Troussier.

Họp Ban tổ chức địa phương Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 25/3, Ban Tổ chức địa phương cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình TP Hồ Chí Minh lần thứ 36 năm 2024 tỉnh Hoà Bình đã họp triển khai công tác phối hợp tổ chức giải.

Dồn lực để chinh phục huy chương tại Olympic Paris 2024

Ngành Thể dục thể thao đặt mục tiêu có từ 12-15 suất tham dự Thế vận hội Olympic Paris 2024.

Một vận động viên người Việt tham gia Giải chạy Việt Nam Siêu Marathon tử vong

Chiều nay 24/3, Ban Tổ chức (BTC) Giải chạy Vietnam Ultra Marathon (Vietnam Siêu Marathon) thông tin trên trang Fanpage của giải về một vận động viên (VĐV) tham dự sự kiện qua đời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân

Ngày 24/3, tại Quảng trường Hòa Bình, trên 2.000 người đã tham gia Lễ phát động Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục