Cất cánh.

Cất cánh.

(HBĐT) - Chưa bao giờ xã Chí Đạo, Ngọc Sơn (Lạc Sơn) lại đông vui như vậy. Vào những ngày thi chính thức của giải Dù lượn Việt Nam mở rộng đầu tháng 11/2014, ngay từ sáng sớm con đường liên xã đã nườm nượp người, xe. Lần thứ hai đăng cai giải có đến hàng vạn người tập trung để chiêm ngưỡng “người bay”, đông hơn lần tổ chức đầu vào năm 2012. Khán giả cổ vũ không chỉ có thanh niên mà cả các cụ đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” trong vùng. Người hâm mộ còn vượt hàng trăm km từ các huyện, thành phố trong tỉnh hay Thủ đô Hà Nội, thậm chí vượt hàng nghìn km từ TP. Hồ Chí Minh...

 

“Công việc đồng áng tạm gác lại, tất cả 5 người trong gia đình gồm 2 vợ chồng, 2 đứa con và bà cụ 90 tuổi đều đi xem. Buổi sáng, tôi đã mua sẵn bún để trưa không phải về. Thú vị lắm!”  - Chị Bùi Thị Nhanh, xóm Cài, xã Chí Thiện hồ hởi tâm sự. Anh Lê Minh Hoàng, đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi và mấy người bạn đến cổ vũ cho đội và cũng là để thăm quan, tìm hiểu văn hóa Hòa Bình. Ở xa nên chúng tôi ăn, nghỉ tại thị trấn Vụ Bản, món ăn ở đây giàu bản sắc, con người thân thiện”. Không phụ lòng người hâm mộ, các phi công trong và ngoài nước cũng gần gũi, sẵn sàng trò chuyện. ấn tượng nhất là họ đã cống hiến những đường bay đẹp, hấp dẫn và trở thành những “người bay” phi thường trong mắt người xem.

 

Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao con người lại có thể bay lượn như chim và làm chủ được đôi cánh trên không trung như vậy? Chúng tôi tìm được câu trả lời từ trọng tài chính của giải cũng là một phi công cừ khôi Vũ Anh Tuấn. Theo anh Tuấn, dù lượn có điểm khác biệt là bay dựa vào các cột khí giống như loài chim. Nhờ đó, người bay có thể ở trên trời hàng giờ và bay những quãng đường hàng trăm cây số. Phi công ngồi vào ghế bên dưới một cánh dù làm bằng vải khoảng 25 - 35 m. Cánh dù được bơm căng nhờ vào áp lực không khí để giữ hình dáng khí động học. Khi điều khiển, phi công dùng tay kéo phần phía sau của dù bằng một sợi dây được gọi là dây phanh làm dù chuyển hướng hay tăng, giảm tốc độ. “Được phiêu lưu cùng tốc độ gió và có cảm giác của một chú chim tự do chao lượn bằng đôi cánh của riêng mình, được ngắm nhìn thiên nhiên tuyệt đẹp ở một vị trí đặc biệt... Đó là sức hút khó cưỡng từ dù lượn. Vì vậy, cứ cuối tuần, chúng tôi gác lại bộn bề công việc, khoác ba lô lên đỉnh núi rồi hóa thân thành cánh chim. Bao mệt mỏi trong cuộc sống, công việc dường như tan biến hết - phi công Nguyễn Văn Thanh, thành viên CLB Dù lượn Hà Nội chia sẻ. Niềm hân hoan của những “người bay” dường như lan tỏa tới khán giả. Nếu những người có mặt ở đỉnh Bái Nhạ hồi hộp khi phi công chạy đà và nhảy xuống vách núi thì hàng vạn người ở bãi đáp reo hò, thán phục khi phi công hạ cánh chính xác vào tâm vòng tròn. 60 phi công đến từ các CLB dù lượn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và các nước Pháp, Nhật, Ba Lan, Anh, Indonesia cứ thế cất cánh, bay lượn. Bầu trời Mường Vang như có một đàn chim sặc sỡ.

 

Lãnh đạo Bộ VH -TT&DL đánh giá: Bái Nhạ là một trong 3 điểm bay đẹp nhất Việt Nam. Đỉnh Bái Nhạ nằm ở độ cao 480 m so với mực nước biển. Từ đây có thể ngắm nhìn khu bảo tồn thiên thiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông và bức tranh quê mộc mạc nhưng đậm bản sắc văn hóa Mường với những nếp nhà sàn thấp thoáng giữa vườn cây trái, nương ngô. Người dân bản địa mộc mạc, thân thiện, chính quyền chuẩn bị, giúp đỡ chu đáo, tạo không khí phấn khởi cho đội bay. Vì vậy, Bái Nhạ là nơi được chọn là hai trong tổng số ba lần tổ chức giải chính thức.

 

Phi công đội Nhật Bản Patrick Bal nhận xét: Tôi rất ấn tượng khi đến Bái Nhạ. Điểm bay có phong cảnh hữu tình, con người dễ mến. Tôi mong muốn được trở lại trong các giải đấu sau và cũng là để thăm quan du lịch, tìm hiểu văn hóa Hòa Bình. Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch An Thịnh, Trưởng BTC giải cho biết: Giải năm 2014 được tổ chức chuyên nghiệp hơn, hiệu ứng truyền thông tốt hơn, thu hút được nhiều người tham gia thi đấu và cổ vũ hơn. Là đơn vị kinh doanh du lịch, chúng tôi hy vọng giải được tổ chức tại Bái Nhạ là cơ hội để giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, văn hóa Hòa Bình tới du khách trong và ngoài nước. Qua đây, chúng tôi mong muốn giải Dù lượn Việt Nam mở rộng sẽ được tổ chức thường niên và ngày càng mở rộng, bài bản hơn, chuẩn bị cho tiền Sea Games và tiến tới thi đấu tại Sea Games. Chúng tôi cũng đã có những dự định bước đầu tại khu vực này.

 

 

                                                       

                                                                                   Cẩm Lệ

 

 

Các tin khác


Việt Nam - Indonesia: Điểm tựa Mỹ Đình

Chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam lại bị dư luận phản ứng nhiều như hiện tại. Điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Philippe Troussier.

Họp Ban tổ chức địa phương Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 25/3, Ban Tổ chức địa phương cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình TP Hồ Chí Minh lần thứ 36 năm 2024 tỉnh Hoà Bình đã họp triển khai công tác phối hợp tổ chức giải.

Dồn lực để chinh phục huy chương tại Olympic Paris 2024

Ngành Thể dục thể thao đặt mục tiêu có từ 12-15 suất tham dự Thế vận hội Olympic Paris 2024.

Một vận động viên người Việt tham gia Giải chạy Việt Nam Siêu Marathon tử vong

Chiều nay 24/3, Ban Tổ chức (BTC) Giải chạy Vietnam Ultra Marathon (Vietnam Siêu Marathon) thông tin trên trang Fanpage của giải về một vận động viên (VĐV) tham dự sự kiện qua đời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân

Ngày 24/3, tại Quảng trường Hòa Bình, trên 2.000 người đã tham gia Lễ phát động Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục