(HBĐT) - Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã từng khắc hoạ thành công những nguyên mẫu anh hùng - liệt sĩ như: bà Nguyễn Thị Huỳnh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng, chị Võ Thị Sáu, 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc và liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm...


Chị Tư Hậu - Phim "Chị Tư Hậu” (1962)

"Chị Tư Hậu” là bộ phim được chuyển thể từ kịch bản là tác phẩm văn học "Một chuyện chép ở bệnh viện” của nhà văn Bùi Đức Ái viết năm 1958, do NSND Phạm Kỳ Nam làm đạo diễn.

Bộ phim kể về chị Tư Hậu, người phụ nữ sống trong thời chiến, chịu nhiều vất vả, tủi nhục. Trong một trận càn của giặc Pháp, chị Tư Hậu bị cưỡng hiếp. Nỗi đau ấy khiến chị suýt tự tử nhưng khi nghe tiếng khóc xé lòng của đứa con nhỏ khát sữa, chị bừng lên ý nghĩ phải sống, phải chiến đấu, phải đòi lại hạnh phúc, giành lại quyền sống, quyền được bình yên cho đồng bào.

NSND Trà Giang vào vai Chị Tư Hậu. Ảnh: TL.
NSND Trà Giang vào vai Chị Tư Hậu. Ảnh: TL.

Tuy gặp nhiều đau khổ, bất hạnh, chồng hy sinh, con bị giặc bắt, nhưng với sự trưởng thành và cứng rắn qua đạn bom gian khổ, chị Tư Hậu ngày càng vững vàng hơn để trở thành một nữ chiến sĩ cách mạng kiên cường.

Trong phim, NSND Trà Giang đóng vai chị Tư Hậu. Nhân vật nguyên mẫu của chị Tư Hậu chính là bà Nguyễn Thị Huỳnh, một cán bộ lão thành cách mạng quê ở Khánh Hòa (đã qua đời vào năm 2003). Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà Huỳnh từng bị giặc bắt bớ, tra tấn và hành hạ dã man. Tuy nhiên, bà vẫn kiên cường cùng chồng là ông Mai Dương hoạt động cách mạng cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Sự hy sinh và đóng góp của vợ chồng bà là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo.

Chị Út Tịch - phim "Mẹ vắng nhà” (1979)

"Mẹ vắng nhà” là bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng "Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi, do Nguyễn Khánh Dư làm đạo diễn.

Phim lấy nguyên mẫu từ cuộc đời của bà Nguyễn Thị Út (Trà Vinh), do NSƯT Ngọc Thu đóng vai chính. Bà hoạt động tích cực trên vai trò giao liên, liên lạc cho các cán bộ quân sự... Sau khi lập gia đình với ông Lâm Văn Tịch, một chiến sĩ Việt Minh tại địa phương, bà vẫn tiếp tục hoạt động trong đội du kích địa phương, tham gia tổng cộng 8 trận công đồn, gây nhiều thiệt hại cho quân địch.

NSƯT Ngọc Thu vào vai chị Út Tịch khi mới 23 tuổi. Ảnh: TL.
NSƯT Ngọc Thu vào vai chị Út Tịch khi mới 23 tuổi. Ảnh: TL.

Vợ chồng bà Út Tịch là những chiến sĩ trinh sát dũng cảm, mưu trí, lập được nhiều thành tích trong việc tiêu diệt và tịch thu vũ khí của giặc. Dù vướng 9 con nhỏ nhưng bà Út Tịch vẫn không để chuyện gia đình ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu.

Như thấu hiểu công việc của cha mẹ, các con của chị Út đều sớm có tinh thần tự lập, chăm sóc, bảo ban lẫn nhau để mẹ cha an tâm công tác. Trong một trận oanh kích bằng máy bay B52 của Mỹ vào ngày 27/11/1968 xuống vùng Tân Châu, Châu Đốc (nay thuộc tỉnh An Giang), chị Út Tịch và người con gái thứ 3 không may tử thương. Khi đó cô con gái út của chị mới được 14 ngày tuổi.

Khi chuyển thể tác phẩm cảm động này thành phim, đạo diễn Nguyễn Khánh Dư giữ nguyên được hồn cốt, tinh thần và thu hút được sự yêu mến của khán giả.

Chị Sứ - Phim "Hòn đất” (1983)

Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Anh Đức, do Hồng Sến làm đạo diễn. Phim bắt nguồn từ câu chuyện có thật về cuộc đời hoạt động cách mạng anh dũng của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng (Kiên Giang). Bà Phan Thị Ràng tham gia đội Thiếu niên cứu quốc khi mới 13 tuổi.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà Ràng từng lập được nhiều chiến công khi được giao cản trở và bao vây đồn bốt địch, vận động nhân dân đấu tranh chính trị - binh vận, vừa liên lạc với các đơn vị trong khu căn cứ... Khi bị địch bắt năm 1962, bà Ràng vẫn một lòng trung thành với cách mạng và cuối cùng tự sát khi vừa bước sang tuổi 25.

Hình ảnh bà Phan Thị Ràng - nguyên mẫu của nhân vật chị Sứ. Ảnh: TL.
Hình ảnh bà Phan Thị Ràng - nguyên mẫu của nhân vật chị Sứ. Ảnh: TL.

Người đóng vai chị Sứ là cô giáo Ngô Thị Hiệp Định, sinh năm 1954, dạy Sử tại trường Trung học Sư phạm TP.HCM. Bộ phim được xem là thiên sử thi điện ảnh bi tráng với các tuyến nhân vật được xây dựng công phu và đã trở nên nổi tiếng trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là nhân vật chị Sứ.

Chị Sứ trong phim là một nữ du kích đằm thắm, dịu dàng nhưng vô cùng bất khuất, ngoan cường trước quân địch. Bị địch bắt, tra tấn, hành hạ dã man nhưng chị Sứ vẫn cắn răng, không khai nửa lời về đồng đội. Hình ảnh người con gái Kiên Giang với suối tóc dài chấm gót bị kẻ địch dùng dao chém, gậy đâm đã khiến bao thế hệ người xem ứa nước mắt và sôi sục lòng căm thù quân địch bất nhân, tàn độc.

Chị Võ Thị Sáu - phim "Người con gái đất đỏ” (1994)

Phim được đạo diễn Lê Dân xây dựng nguyên mẫu từ cuộc đời nữ anh hùng Võ Thị Sáu - một người con vùng Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa.

Nữ anh hùng Võ Thị Sáu tham gia Việt Minh năm 14 tuổi với vai trò liên lạc, tiếp tế. Năm 17 tuổi, chị bị chính quyền Pháp bắt vì đã ném lựu đạn cản trở các mục tiêu của quân Pháp và Việt gian, tiêu diệt hai chỉ điểm viên của thực dân Pháp là Cả Suốt và Cả Đay. Sau gần 3 năm bị giam cầm và tra tấn, quân Pháp đưa chị từ khám Chí Hòa ra giam ở Côn Đảo.

NSƯT Thanh Thúy vào vai anh hùng Võ Thị Sáu năm 17 tuổi. Ảnh: TL.
NSƯT Thanh Thúy vào vai anh hùng Võ Thị Sáu năm 17 tuổi. Ảnh: TL.

Do chị Võ Thị Sáu chưa đủ 18 tuổi nên quân Pháp không dám công khai hành quyết mà lén lút đem chị đi thủ tiêu. Người con gái vùng Đất Đỏ đã ngã xuống vùng đất Côn Đảo khi vẫn chưa đủ tuổi thành niên, trở thành huyền thoại sống ngàn đời về lòng yêu nước, ý chí tiêu diệt quân thù. Ngay trước đêm hy sinh, chị Sáu được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và công nhận là Đảng viên chính thức.

Người được đạo diễn Lê Dân giao đóng vai anh hùng Võ Thị Sáu là NSƯT Thanh Thúy thuộc Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7. Thời điểm đóng vai này, Thanh Thúy cũng mới 17 tuổi, vừa đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM 1994 với bài hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu.

10 TNXP Ngã ba Đồng Lộc - Phim "Ngã ba Đồng Lộc” (1997)

Phim do đạo diễn Lưu Trọng Ninh thực hiện dựa trên kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, với sự tham gia diễn xuất của: Thúy Hường , Hương Dung , Ngọc Dung , Xuân Bắc ... Phim kể về 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong ở Ngã ba Ðồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.

Vào trưa ngày 24/7/1968, mộ một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô đang tránh bom khi làm nhiệm vụ. Tất cả đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn trong số họ chưa lập gia đình.

10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: dantri.com.vn
10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: dantri.com.vn

Lấy nhân vật trung tâm là 10 cô gái anh hùng: Tần, Cúc, Hợi, Xuân, Rạng, Xuân, Hường, Xanh, Nhỏ, Hà… đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã tái hiện cuộc sống của tiểu đội thanh niên xung phong anh hùng với những tình tiết chân thực và cảm động.

Trên mảnh đất được coi là "tọa độ chết", mỗi một mét vuông có đến 3 quả bom địch, Tiểu đội 4 của các nữ thanh niên xung phong có nhiệm vụ phá bom mìn, sửa đường thông xe khi bị bom phá. Họ kiên trì với những sợi dây dò mìn thô sơ nhưng phá được không biết bao nhiêu chiến tích, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng cho cách mạng. Mảnh đất thiêng liêng nơi đây đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại khốc liệt của quân và dân ta.

Ngã ba Đồng Lộc là một tác phẩm điện ảnh đặc biệt, ca ngợi sự hy sinh của những người nữ thanh niên đã không tiếc máu xương để bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc.

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm - phim "Đừng đốt” (2009)

Phim do NSND Đặng Nhật Minh viết kịch bản và đạo diễn. Phim được xây dựng dựa trên quyển hồi ký nổi tiếng cùng tên của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm với sự tham gia diễn xuất của Minh Hương, Tina Duong và Ben Rindner.

Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm sinh trưởng trong một gia đình trí thức Hà Nội. Năm 1966, tốt nghiệp ĐH Y khoa Hà Nội, chị xung phong vào công tác ở chiến trường B. và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), một bệnh xá dân sự nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh.

Diễn viên, BTV Minh Hương vào vai bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Ảnh: TL.
Diễn viên, BTV Minh Hương vào vai bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Ảnh: TL.

Ngày 22/6/1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, bác sĩ Trâm bị địch phục kích và hy sinh khi chưa đầy 28 tuổi đời. Hài cốt của chị được nhân dân địa phương mai táng tại nơi hy sinh và luôn hương khói. Sau chiến tranh, mộ của chị được đồng đội đưa về Nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Cường. Năm 1990, gia đình đã đưa hài cốt của bà về Nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Phương (Hà Nội).

Hai tập nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm viết từ năm 1968 đến 1970 được Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ lưu giữ cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4/2005. Nhật ký của chị sau đó được Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập thành quyển sách mang tên " Nhật ký Đặng Thùy Trâm ” và trở thành một hiện tượng văn học. Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Bộ phim "Đừng dốt” được cho là đã dựng lên một Đặng Thùy Trâm bằng xương bằng thịt. Là phim về chiến tranh, về cuộc đời của một liệt sĩ - bác sĩ và số phận kỳ lạ của một cuốn nhật ký nhưng "Đừng đốt" không chỉ có bom đạn, máu và nước mắt mà còn có cả những khoảng lặng, những cảnh quay đẹp như trong chuyện cổ tích.



                                                                             Theo Dantri

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục