(HBĐT) - Những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi về huyện Kỳ Sơn gặp lại những dân quân xã - lực lượng nòng cốt trong phong trào xây dựng "làng chiến đấu” thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Khi ấy còn là những thanh niên độ tuổi mười tám, đôi mươi, nay đã bước vào tuổi "xưa nay hiếm” nhưng những ký ức về một thời kháng chiến hào hùng của dân tộc vẫn vẹn nguyên.
Ông Nguyễn Văn Miệu (bên phải) -
nguyên Xã đội trưởng xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cùng
đồng đội ôn lại ký ức xây dựng "làng chiến đấu”.
Bên bàn trà, ông Nguyễn Văn Miệu, xóm Gò Dọi, xã
Mông Hóa - người Xã đội trưởng năm xưa nay đã gần 80 tuổi hào hứng kể lại:
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như đế quốc Mỹ, xã Mông Hóa luôn là
địa bàn trọng điểm, chiến lược. Thời kỳ
kháng chiến chống Mỹ (1965-1975), địa bàn xã là điểm trú quân, huấn luyện để
vào Nam
chiến đấu của bộ đội chủ lực (chủ yếu là Sư đoàn 308). Nhiều cơ quan Trung ương
đứng chân tại địa bàn như Ban đối ngoại (Bộ Ngoại giao) đặt tại xóm Gò Dọi, Xí
nghiệp H41 (Nhà máy in Tiến Bộ) tại xóm Suối Ngành, Bộ Tư lệnh Thủ đô... Cùng
với nhân dân trong toàn huyện, nhân dân xã Mông Hóa tích cực xây dựng phong
trào "làng chiến đấu”. Với phương châm mỗi gia đình là một pháo đài bất khả xâm
phạm, chắc tay súng, vững tay cày, vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ làng xóm,
quê hương, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động của các cơ quan Trung ương
tại địa phương.
Ngay trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống
chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc (1965-1968), cùng với huyện
Lương Sơn, huyện Kỳ Sơn được tỉnh chọn làm thí điểm ở 4 xã về xây dựng "làng
chiến đấu” để rút kinh nghiệm mở rộng ra toàn tỉnh. Huyện đã tổ chức quán triệt
mục đích, yêu cầu, nội dung chủ yếu xây dựng
làng chiến đấu trong cấp ủy, chi bộ và toàn dân với nhận thức "Làng
chiến đấu là một trong những vấn đề then chốt có tính chất chiến lược trong
chiến tranh nhân dân, góp phần đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ”.
Trong xây dựng làng chiến đấu, huyện tích cực xây dựng
cơ sở chính trị, củng cố tổ chức vững chắc. Công tác giáo dục chính trị, tư
tưởng được chú trọng, công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh. Xây dựng dân quân
tự vệ vững mạnh làm nòng cốt, củng cố các đoàn thể quần chúng làm cơ sở cho
chiến tranh nhân dân, củng cố các hợp tác xã để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời
sống... Các giới, các ngành phát huy tính tích cực trong xây dựng làng chiến
đấu, thanh niên, phụ nữ đi đầu trong đào hầm phòng không, đào hào chiến đấu,
hăng hái hưởng ứng phong trào thanh niên "ba sẵn sàng”, phụ nữ "ba đảm đang”,
các cụ già hội phụ lão tham gia "bạch đầu quân”, tự nguyện làm vũ khí thô sơ và
dụng cụ cho dân quân luyện tập... Trên mặt trận sản xuất, sôi nổi xây dựng
"cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ”. Vụ đông - xuân 1966 -1967 cánh đồng 5 tấn mới chỉ
có ở 3 xã, đến vụ mùa năm 1967 đã phát triển ở hầu hết các xã trong huyện.
ông Đinh Công Tự, xóm Bẵn, khi ấy đang là học sinh cấp
III và là liên lạc viên, hiện là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam xã Mông
Hóa tiếp chuyện: Chấp hành chủ trương toàn dân đánh giặc của Đảng, với tinh
thần sẵn sàng chiến đấu, vì miền Nam ruột thịt, phong trào xây dựng làng chiến
đấu được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Xã xây dựng một trung đội cơ động sẵn sàng
chiến đấu được trang bị đầy đủ vũ khí, đạn dược, các xóm, làng thành lập các
tiểu đội dân quân, thường xuyên duy trì chế độ trực chiến, khi có máy bay địch
kịp thời báo động cho nhân dân ẩn náu và sẵn sàng chiến đấu. ở các gia đình,
nhà trẻ, trường học đều đào hầm trú ẩn. ý thức cảnh giác, tinh thần triệt để
cách mạng của nhân dân lên cao, biểu hiện rõ nhất là thực hiện "3 không” (không
tiết lộ cơ quan, đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn; không nghe luận điệu
tuyên truyền của địch; không tò mò, tìm hiểu những điều không thuộc phạm vi
được biết). Nhờ vậy, mặc dù địa bàn xã là trọng điểm địch nhòm ngó nhưng không
phát hiện được nghi vấn, điểm đóng quân của các đơn vị bộ đội, cơ quan được đảm
bảo an toàn, không bị oanh tạc. Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và
của trong những lần Mỹ rải bom, đánh phá.
Hơn 50 năm đã trôi qua, có dịp tụ hội, những dân quân
xã năm xưa lại sôi nổi ôn lại ký ức của những ngày "Giặc đến là đánh, giặc đi
lại tiếp tục sản xuất”, "Làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm”. Phát huy truyền
thống đoàn kết, anh dũng trong chiến đấu, ngày nay, mỗi xóm, làng trên toàn
huyện không ngừng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công
cuộc phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện
hiện có 85 khu dân cư, năm 2017 có 76 khu dân cư đạt văn hóa, chiếm 89,4%. Thực
hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện có 4 xã đạt
chuẩn nông thôn mới, trong năm nay phấn đấu đưa xã Dân Hạ về đích nông thôn
mới. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 6,24% (năm 2017), huyện phấn đấu giảm còn
6,2% trong năm nay.
Hà Thu
(HBĐT) - Theo thống kê năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 7 dân tộc cùng chung sống, trong đó, dân tộc Mường chiếm trên 63,3%, cư trú tại tất cả 11 huyện, thành phố theo kiểu vừa tập trung, vừa đan xen. Hòa Bình là nơi sống tập trung, lâu đời của người Mường. Ngay từ khi được thành lập (ngày 22/6/1886 theo nghị định của Kinh lược Bắc Kỳ), tên gọi đầu tiên của tỉnh Hòa Bình là "tỉnh Mường”. Cho đến nay, dân số của người Mường ở Hòa Bình đông nhất so với các dân tộc khác và so với người Mường ở các tỉnh khác. Trong 54 dân tộc anh em của cả nước, dân tộc Mường là 1 trong 5 dân tộc thiểu số có số dân trên 1 triệu người.
(HBĐT) - Không còn là trò chơi dân gian trong dịp lễ, Tết, đánh mảng giờ đây được coi là môn thể thao yêu thích của phụ nữ xóm Cả - xã Liên Vũ (Lạc Sơn). Trò chơi này được mọi người từ già tới trẻ biết đến và tổ chức chơi vào mỗi buổi chiều ở các khoảng sân rộng trong xóm.
(HBĐT) - Vừa qua, Trung tâm Văn hóa tỉnh Hòa Bình phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Lạc Sơn tổ chức 2 đêm tuyên truyền Giao lưu văn nghệ chủ đề "Chung sức xây dựng nông thôn mới” tại 2 xã Tự Do và Tân Mỹ (Lạc Sơn).
(HBĐT) - Từ xa xưa, trong tâm thức của người dân Việt Nam luôn âm vang câu ca: "Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Câu ca ấy nhắc nhở về cội nguồn, đạo lý thủy chung phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên lâu đời và bền vững của dân tộc Việt Nam.
(HBĐT) - Trên địa bàn tỉnh, các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa phát triển khá phong phú, đa dạng với nhiều loại hình như quảng cáo, karaoke, biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử, lễ hội... bước đầu đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động văn hóa, du lịch được ngành chức năng tăng cường, đẩy mạnh thanh, kiểm tra xử lý vi phạm, hạn chế tiêu cực, bảo đảm hoạt động tuân thủ quy định pháp luật, đi vào nề nếp.
Chiều 23-4, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban tổ chức Festival Huế 2018 và Tập đoàn Viễn thông (VNPT) chi nhánh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức Lễ khai trương Trung tâm thông tin báo chí Festival năm 2018 tại số 1 Phan Bội Châu (TP Huế).