Bộ chiêng Mường - niềm tự hào của ông Đinh Văn Niên luôn được ông đặt ở vị trí trang trọng và dễ nhìn thấy nhất trong nhà.
Được tiếp xúc với tiếng chiêng từ nhỏ nên tình yêu với chiêng trong ông cứ lớn dần theo năm tháng. Có lẽ vậy nên bộ chiêng Mường của ông luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất và dễ nhìn thấy nhất trong phòng khách. ông nhớ lại, trước đây, ngày lễ hay Tết, mọi người thường đem chiêng tập trung ở một khoảng đất trống rồi cùng nhau đánh, ca hát. Có những người mải mê đánh chiêng, hát thường rang, ví đúm quên cả về ăn cơm.
Mặc dù đam mê chiêng từ nhỏ nhưng đến năm 1994, khi đã trở thành cán bộ văn hóa xã Yên Mông, ông Niên mới có điều kiện sưu tầm và mua chiêng Mường. Những ngày tháng đi làm ở xã, ông bắt đầu tích góp một phần tiền lương để mua chiêng. Tích tiểu thành đại, ròng rã suốt 15 năm, đến năm 2009, bộ chiêng của ông đã đầy đủ 12 cái.
ông Niên chia sẻ: "Nớ lại những năm tháng phải đi tản cư vào đồi, gia đình làm một cái lều thấp, chị gái của ông do sơ suất nên làm cháy lều, cháy luôn cả 3 chiếc chiêng cổ. Giờ nghĩ lại vẫn còn tiếc lắm”. Trước đây, ông rất thích đánh và xem đánh chiêng. Nhà không có nên phải đi mượn của các bà, các chị trong xóm. Mỗi lần có việc cần dùng là phải đi khắp xóm mượn được một vài cái về đánh. Đi mượn suốt cũng ngại, ông mạnh dạn mua những chiếc chiêng cho riêng mình. Lúc đó, lương cán bộ xã của ông chỉ khoảng 500.000 đồng/tháng. Vừa phải nuôi gia đình, vừa lo ăn học cho các con, phải chắt chiu từng đồng mới đủ mua từng chiếc chiêng. Phần lớn số chiêng này được ông mua lại từ Thanh Hóa, Hà Nam và một số nơi khác nhau. Một bộ chiêng có thể có 7 hoặc 9 chiếc nhưng bộ chiêng chuẩn của người Mường phải là 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Mỗi chiêng mang 1 âm thanh khác nhau. Dù có khó khăn, ông vẫn cố sắm đủ bộ 12 chiếc vì "12 tháng mới làm nên một năm, 12 âm, thanh khác nhau mới tạo nên được một bản nhạc chiêng Mường”.
Từ khi gia đình ông sắm được bộ chiêng, vào các dịp lễ hội hay giao lưu văn nghệ, ông đều cho các bà, các chị mượn. ông Niên tâm sự: "Năm 2015, xã Yên Mông đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ chiêng của gia đình cộng thêm số chiêng của các hộ gia đình trong xã là 50 chiếc, được đội văn nghệ biểu diễn trong buổi lễ. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình, đội chiêng của xã vinh dự được đóng góp những tiết mục đặc sắc, góp phần tạo cho lễ khánh thành Khu di tích thêm sôi động, đậm đà bản sắc dân tộc. Bộ chiêng này đã được ông trưng bày ở trong nhà nhiều năm. ông coi nó như thành viên trong gia đình, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống”.
Cuộc sống gia đình ông Niên hiện tại không mấy khá giả, có nhiều người hỏi mua bộ chiêng với giá cao nhưng ông cương quyết không bán. ông bảo: "Không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị tinh thần không thể thiếu trong cộng đồng dân tộc Mường. Do đó, việc giữ gìn bộ chiêng là trách nhiệm của ông cũng như con cháu sau này. Nhất định không được để văn hóa chiêng của dân tộc Mường bị mai một”.
Linh Nhật
(Sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền)
(HBĐT) - Ngày 26-27/4, huyện Đà Bắc đã tổ chức thành công Hội thi Giọng hát hay lần thứ III năm 2018. Tham gia hội thi có 34 thí sinh của 17 đơn vị đến từ các xã, thị trấn và khối cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.