Cũng như bất cứ sự kiện nào luôn có phần ca múa nhạc chào mừng. Sự kiện này cũng vậy, có hẳn chương trình nghệ thuật của Đoàn nghệ thuật các dân tộc Hòa Bình. Chương trình hay, gọn gàng với các bài hát về Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, nhưng nhìn tổng thể vẫn gợn lên điều gì đó thật đáng tiếc. Đó là chương trình thiếu đi nét bản sắc văn hóa các dân tộc Hòa Bình. Có ai đó thốt lên: "Nếu che đi phần khánh tiết và phát trên truyền hình quốc gia, khán giả lại lầm tưởng là chương trình nghệ thuật của một tỉnh đồng bằng nào đó được tổ chức tại Nhà hát lớn (Hà Nội) hay nhà hát Bến Thành (thành phố Hồ Chí Minh) bởi thiếu bản sắc văn hóa, nét đặc trưng để nhận biết Hòa Bình”. Trong khi đó, ai cũng biết Hòa Bình là tỉnh có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống (Mường, Thái, Tày, Dao, Mông...); thời Pháp thuộc từng được đặt tên là "Tỉnh Mường”.
Nếu không thể có tiết mục riêng về Hòa Bình, những người dàn dựng chương trình vẫn có thể cài cắm bản sắc văn hóa các dân tộc Hòa Bình (qua trang phục, đạo cụ, bên cạnh những bộ áo dài rất đẹp và có ý nghĩa biểu tượng những bông hoa sen trong một tiết mục hát về Bác Hồ). Lại chợt nhớ cũng là một sự kiện liên quan đến văn hóa - thể thao - du lịch năm 2014 tại lễ Khai mạc Đại hội TD -TT toàn quốc tại Nam Định, khán giả đã ồ lên và thích thú khi đoàn Hòa Bình diễu hành với hình ảnh thiếu nữ, phụ nữ Mường và dàn chiêng.
Trong đời sống văn hóa, nghệ thuật nếu đánh mất nét đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc trong cái chung khá đa dạng, phong phú (cả hỗn độn) như hiện nay chính là tự đánh mất mình.
Bùi Huy
(HBĐT) - Mùa hè là dịp để các em nghỉ ngơi sau 1 năm học tập vất vả. Ngoài cho trẻ vui chơi, giải trí, nhiều bậc phụ huynh và thiếu nhi mong muốn được đọc những cuốn sách hay, bổ ích để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng sống, nâng cao văn hóa đọc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều hình thức để các em và các bậc phụ huynh có thể tiếp cận với sách.