Để chuẩn bị bộ váy Mường vừa đẹp, vừa bản sắc, duyên dáng, nhiều chị em tìm đến nhà may trang phục dân tộc Thơm Trứ (tổ 2, phường Phương Lâm, TP Hòa Bình) - nhà may đã duy trì và phát triển hơn 30 năm. Vừa cắm cúi đo, cắt trang phục, chị Phạm Thị Thơm - chủ nhà may hồ hởi cho biết: Tháng chạp bao giờ đơn hàng cũng nhiều nhất trong năm. Ai cũng muốn có bộ váy áo mới để đi chơi, đi lễ hội dịp Tết nên nhà may phải đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo giao hàng đúng hẹn. Đặc biệt, may trang phục dân tộc Mường đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật, cẩn thận, không thể làm theo kiểu may công nghiệp được. Theo thời gian, sự thay đổi về quan niệm thẩm mỹ cũng như nhu cầu của người mặc nên màu sắc và chất liệu trên bộ trang phục của phụ nữ Mường cũng có sự thay đổi. Bản thân tôi đã có kinh nghiệm hơn 30 năm may trang phục dân tộc, nhiều nhất là may trang phục dân tộc Mường. Tôi thấy nhu cầu may trang phục dân tộc Mường của chị em vài năm trở lại đây ngày càng tăng. Đặc biệt gần đây nhiều khu dân cư, cơ quan đã chọn may trang phục Mường là một trong những bộ đồng phục. Trong bối cảnh hiện nay, để bộ váy Mường được nhiều phụ nữ chọn lựa, tôi đã nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật may để bộ váy đảm bảo giữ được bản sắc và phù hợp với thẩm mỹ hiện đại, tạo sự thoải mái cho người mặc. Váy Mường truyền thống là váy quây cài kim băng, nay váy mặc vừa thân người, kéo khóa giúp tôn dáng cho người mặc. Với áo thì trước đây may tay liền vai, nối ở bắp tay nhưng nay cắt may tay như áo sơ mi để vai, nách khỏi bị dúm, nhưng những đường nét cơ bản vẫn giữ nguyên. Bây giờ có nhiều chất liệu vải, màu sắc để chọn lựa nên bộ váy áo của phụ nữ Mường cũng được may đẹp hơn, mềm mại, mặc dễ chịu và thuận tiện hơn. Đó là một trong những lý do quan trọng ngày càng có nhiều chị em muốn may váy áo Mường. Dịp Tết, lễ hội, chị em đến đặt may đông hơn.
Phụ nữ Mường Động (Kim Bôi) trong trang phục dân tộc truyền thống bên mâm cơm cổ truyền dân tộc.
Bên cạnh trang phục truyền thống, khi lễ hội được phục dựng ngày càng nhiều thì lễ phục cho phụ nữ Mường cũng được quan tâm hơn. Trò chuyện với chúng tôi khi đến đặt may áo choàng chuẩn bị cho lễ rước của lễ hội Mường Động (xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi) tổ chức vào mồng 8 tháng giêng sắp tới, chị Bùi Thị Hảo (xóm Chanh, xã Vĩnh Đồng) phấn khởi: Trong làng, hàng ngày người già vẫn mặc váy áo Mường, còn chị em đến ngày lễ, hội, đám cưới đều mặc váy Mường. Chị em trong làng hầu như ai cũng có một bộ váy áo Mường. Những ai có điều kiện hoặc thường xuyên mặc thì có đến 3, 4 bộ. Ngoài váy áo, chị em đều sắm một bộ xà tích. Nhiều bộ xà tích cổ được mẹ truyền lại cho con gái hoặc con dâu qua nhiều thế hệ, trở thành vật quý, vật kỷ niệm đặc biệt của gia đình. Mặc váy áo Mường vừa kín đáo, vừa đủ ấm trong những ngày Tết hơi se lạnh mà lại khá duyên dáng, không quá kén người mặc nên được nhiều chị em lựa chọn. Khác với các cụ ngày xưa hay mặc áo trắng, chị em bây giờ chọn lựa nhiều màu sắc sặc sỡ nên bộ váy Mường cũng đẹp hơn. Chị em nào tham gia đoàn rước, ngoài bộ váy áo truyền thống còn khoác thêm chiếc áo chùng dài đến tận gót chân, xẻ giữa, không cúc, không khuy với mặc sắc sặc sỡ, bên trong là áo cóm trắng. Điều đặc biệt là không chỉ phụ nữ tham gia đoàn rước, tham gia trình diễn hòa tấu chiêng, múa sạp, thi ẩm thực mới mặc trang phục truyền thống mà nhiều chị em đến dự hội cũng xúng xính trong bộ trang phục Mường đẹp nhất.
Theo quan sát, chiếc áo chùng dài thường chỉ được phụ nữ Mường sử dụng trong những dịp đặc biệt quan trọng như ngày cưới, ngày lễ. Qua những lớp áo chùng xẻ tà giữa là lấp ló cạp váy hoa văn sắc màu và các vòng bạc xà tích dắt lưng lấp lánh, tạo thêm sự duyên dáng và quý phái cho phụ nữ Mường.
Không chỉ góp phần giúp chị em dân tộc Mường thêm xinh đẹp, duyên dáng, bộ váy của phụ nữ Mường còn ẩn chứa những triết lý nhân sinh quan rất thú vị. Theo thời gian, nhiều bộ phận, màu sắc của bộ váy áo đã được cải tiến nhưng riêng chiếc khăn đội đầu và cạp váy bằng thổ cẩm là bản sắc nổi bật nhất của bộ trang phục nên phải được giữ nguyên.
Trò chuyện với mế Bùi Thị Ẻm, xóm Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc), chúng tôi được nghe mế giải thích về chiếc khăn đội đầu trong bộ váy áo của phụ nữ Mường. Mế Ẻm cho biết: Một trong những điều đặc biệt trong bộ váy áo chính là khăn chít đầu có màu trắng mà nhiều người không biết tưởng nhầm đó là khăn tang. Bởi người Mường quan niệm rằng trong "3 tầng, 4 thế giới” thì tầng cao nhất là "Mường trời”. Chiếc khăn đội đầu màu trắng có ý nghĩa cho sự tinh khiết, thanh cao như bầu trời. Con gái Mường chít khăn đầu màu trắng để thể hiện sự tôn trọng đất trời. Khăn đội đầu thì nút thắt phải ở bên trên búi tóc, còn nếu để tang người thân thì nút thắt ở bên dưới búi tóc. Đây là điều mà nhiều người trẻ tuổi có thể sẽ không biết và cần lưu ý.
Cuộc sống đổi thay, những nếp nhà sàn đã được thay bằng nhà xây nhưng trong mạch nguồn dòng chảy văn hóa Mường vẫn còn đó những phụ nữ bản Bắp, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) cần mẫn trồng dâu, nuôi tằm, nhả ra bông vàng óng; là tiếng thoi đưa vẫn đều đặn vang lên mỗi ngày ở xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn). Tiếng chiêng gọi năm mới đã cất lên giục giã bước chân người trẩy hội. Hòa vào sắc xuân, phụ nữ Mường chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, xúng xính hòa vào dòng người đón năm mới. Trong khi nhiều nét văn hóa của người Mường như nhà ở, tiếng nói, phong tục tập quán có phần mai một thì trang phục Mường lại có sức sống bền bỉ và đang có xu hướng phục hồi mạnh mẽ, nhất là trong các dịp lễ trọng như: ngày Tết, đám cưới, lễ kỷ niệm, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc… Đó là điều thật đáng trân trọng!
Dương Liễu