(HBĐT) - Cách thành phố Hòa Bình hơn 10 km, bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) vẫn giữ được nét đặc trưng của bản Mường truyền thống. Với nếp nhà sàn, bao quanh bởi những rặng tre, ruộng bậc thang và những con người mộc mạc, chân chất đã tạo nên một bản Mường ấn tượng, độc đáo, thu hút nhiều du khách đến thăm quan, trải nghiệm.



Bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) yên bình với những nếp nhà sàn truyền thống.

Trải lòng với bản Mường Giang Mỗ

Tôi có người họ hàng ở bản Giang Mỗ nên từ nhỏ, cứ nghỉ hè là bố mẹ lại cho về chơi đôi, ba tuần. Trong ký ức tôi vẫn luôn nghĩ Bình Thanh, Giang Mỗ là quê hương thứ 2 của mình. Rồi theo thời gian, bận bịu học hành, lo toan cuộc sống, tôi ít về Giang Mỗ, Bình Thanh hơn. Nhưng mỗi lần về đều muốn được ngủ nhà sàn, được đi dạo quanh bản, lội suối, hái rau đồng về ăn… Giang Mỗ thật đẹp với những nếp nhà sàn được bao quanh bởi những rặng tre, ruộng lúa bậc thang và những con người mộc mạc, chân chất. 

Tôi vẫn nghĩ, Giang Mỗ là bản rất gần trung tâm thành phố, lại là điểm trung gian của nhiều điểm du lịch như: lòng hồ Hòa Bình, Bảo tàng không gian văn hóa Mường… Với vị trí này, Giang Mỗ có nhiều điều kiện để thu hút khách du lịch, để đời sống của bà con có nhiều đổi thay, phát triển. Thế nhưng tôi cũng cứ trăn trở, nhớ nhung một Giang Mỗ yên bình, trong lành liệu có bị mai một, pha tạp…

Cái sự trăn trở rồi lo lắng, hụt hẫng khi gần đây tôi trở về thấy ngôi nhà sàn của người chú đã thay bằng ngôi nhà xây, đổ mái bằng. Nghẹn lời hỏi sao chú lại làm nhà xây, chú cười như thấu hiểu mọi suy nghĩ của tôi: "Khu vực này ngoài bản rồi. Chú xây để tiện làm ăn. Đất trong bản chú vẫn làm nhà sàn mà. Bản Giang Mỗ vẫn nguyên bản 100% nhà sàn nhé. Bản có quy ước rồi. Không chỉ giữ nếp nhà sàn mà mọi phong tục, bản sắc, lối sống, cảnh quan vẫn luôn và sẽ được lưu giữ…". Lòng tôi trở lại sự thích thú và tràn đầy cảm xúc.

Bình yên bên những ngôi nhà sàn truyền thống

Mỗi khi nhìn thấy nhà sàn, tôi lại xốn xang đến lạ. Xốn xang nhớ bóng dáng bà quét lá nơi gầm sàn, đầu ngõ; nhớ lúc nhỏ thường đòi bà dắt lên chín bậc cầu thang và ngồi nghe bà hát thường đang nơi cửa voóng. Nhớ màu khói bếp loang trên mái gianh nhà sàn… mà nghẹn ngào, tha thiết!

Nhà sàn của người Mường là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đời người, vì vậy nó không những có ý nghĩa với mỗi người mà còn có ý nghĩa với cả cộng đồng. Từ nhỏ, tôi đã được nghe các ông kể về việc dựng nhà sàn của người Mường là một quá trình đúc rút kinh nghiệm trong thời gian dài cư trú. Ðiều đó thể hiện rõ trong sử thi Ðẻ đất, đẻ nước của dân tộc Mường. Sử thi viết rằng: Xưa, người Mường sinh ra chưa có nhà để ở mà phải cư trú trong các hang đá, hốc cây. Họ phải đối mặt với nhiều thiên tai, hiểm họa. Một hôm, ông Lang Mường là Lang Cun Cần bắt được một con rùa đen, đang định đem ra làm thịt thì con rùa lên tiếng van xin ông Lang tha thiết và hứa nếu tha nó sẽ dạy cho người Mường cách làm nhà để ở. Lang Cun Cần bằng lòng, rùa bảo hãy nhìn vào thân hình tôi mà hình dung cách dựng nhà: "Bốn chân tôi làm nên cột cái/ Nhìn sườn dài sườn cụt mà xếp làm rui/ Nhìn qua đuôi làm chái/ Nhìn lại mặt mà làm cửa thang cửa sổ/ Nhìn vào xương sống làm đòn nóc dài dài/ Muốn làm mái thì trông vào mai/ Vào rừng mà lấy tranh lấy nứa làm vách/ Lấy chạc vớt mà buộc kèo”...

Từ đó, người Mường biết làm cái nhà để ở, để yêu quý, gắn bó, để trở về sau những nhọc nhằn đi nương, núi. Từ đó, người Mường biết sống an cư và dần no ấm, đẹp giàu. Qua bao đời nối tiếp nhau, cùng nhiều phong tục, tập quán sinh hoạt ở ngôi nhà sàn của mình, người Mường đã làm nên một nền văn hóa đồ sộ và đáng tự hào như hôm nay…

Cũng từ khi được nghe, được hiểu về những câu chuyện này, tôi luôn thích về bản Mỗ để được ngủ nhà sàn; để được cùng những người Mường bản Mỗ tiếp bạn phương xa đến thăm, chơi, kết giao; được thấy người con gái Mường về làm dâu trong gian buồng ấm áp và được đón chào những đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời bên bếp lửa mùa xuân... Và đặc biệt gần đây, tôi vẫn luôn về để được chứng kiến sự đổi thay của bản - bản du lịch cộng đồng ấn tượng, hấp dẫn níu giữ bước chân du khách muôn nơi.


Hồng Duyên

Các tin khác


Huyện Yên Thủy: Nhiều khu dân cư mong mỏi có nhà văn hóa

(HBĐT) - Tình trạng không có nhà văn hóa hoặc có nhà văn hóa nhưng xuống cấp đã diễn ra nhiều năm tại một số xã của huyện Yên Thủy. Hiện nay, toàn huyện chỉ có 6/13 xã, thị trấn có nhà văn hóa cấp xã và 128/155 xóm có nhà văn hóa. Thiếu nhà văn hóa đã ảnh hưởng lớn tới việc sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương.

UNESCO thông qua hồ sơ kỷ niệm 650 năm ngày mất danh nhân Chu Văn An

Ngày 16/4, UNESCO thông qua danh sách hồ sơ để nghị UNESCO ra nghị quyết kỷ niệm các sự kiện, nhân vật kiệt xuất do các quốc gia đề cử; trong đó có kỷ niệm 650 năm ngày mất danh nhân Chu văn An.

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại huyện Tân Lạc

(HBĐT) - Ngày 16/4, tại trường THPT Mường Bi huyện Tân Lạc, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở GD&ĐT và UBND huyện Tân Lạc tổ chức khai mạc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. 

Giao lưu văn nghệ kỷ niệm 60 năm thành lập huyện Kim Bôi

(HBĐT) - Tối 15/4, tại Nhà văn hóa trung tâm huyện, UBND huyện Kim Bôi đã phối hợp với Đoàn nghệ thuật tỉnh Hòa Bình tổ chức đêm giao lưu văn nghệ chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập huyện (17/4/1959 - 17/4/2019).

Hội té nước - nét văn hóa đậm chất nhân văn của người Lào

Phong tục té nước nhằm gột rửa mọi suy nghĩ xấu xa, gột rửa bệnh tật và những điều không may mắn trong năm cũ, đồng thời là lời chúc một Năm mới với tâm hồn trong sáng luôn may mắn và hạnh phúc.

Quý I, Thư viện tỉnh trưng bày sách phục vụ 8.500 lượt bạn đọc

(HBĐT) - Thời gian qua, Thư viện tỉnh (Sở VH-TT&DL) quan tâm nâng cao văn hóa đọc đến cộng đồng; duy trì mở cửa 6 ngày trong tuần và bổ sung nhiều đầu sách mới để phục vụ nhu cầu bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục