Lối vào di tích Nhà tù Hòa Bình, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình bị khóa trái 24/24h.
Nhà tù Hòa Bình do thực dân Pháp xây dựng năm 1896 tại phố Đúng, thị xã Hòa Bình với diện tích 1.500 m2 để giam giữ tù thường phạm. Khoảng cuối năm 1942, đầu năm 1943, do nhà tù Sơn La quá chật, thực dân Pháp quyết định lựa chọn trên 200 tù chính trị chúng cho là "nguy hiểm” có án tù từ 5 năm trở lên đưa về giam giữ tại Nhà tù Hòa Bình, chờ lệnh, chờ cơ hội để đưa đi giam giữ ở Nhà tù Côn Đảo. Từ đó, thực dân Pháp đã biến Nhà tù Hòa Bình thành nơi giam giữ tù chính trị.
Để xây dựng và chỉ đạo phong trào cách mạng nơi đây, Chi bộ nhà tù Hòa Bình nhanh chóng được thành lập do đồng chí Lê Đức Thọ làm Bí thư. Qua một thời gian ngắn, hoạt động của Chi bộ nhà tù Hòa Bình đã tác động sâu sắc tới quần chúng ở thị xã Hòa Bình. Phong trào cách mạng ở thị xã Hòa Bình đã có bước phát triển quan trọng. Chi bộ nhà tù Hòa Bình đã có vai trò rất quan trọng đối với phong trào cách mạng của tỉnh Hòa Bình nói riêng và phong trào cách mạng của dân tộc nói chung. Nhiều chiến sỹ Cộng sản bị giam cầm nơi đây sau này trở thành những cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước ta. Năm 2000, Nhà tù Hòa Bình được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia.
Ngày 27/9/2017, Sở VH-TT&DL tổ chức nghiệm thu, bàn giao Dự án tôn tạo di tích lịch sử cách mạng Nhà tù Hòa Bình tại phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình). Quy mô đầu tư gồm trùng tu nhà lính canh, xây dựng nhà bia tưởng niệm, nhà Ban quản lý di tích, bia chỉ dẫn, thuyết minh di tích và một số các hạng mục phụ trợ, với tổng mức đầu tư được duyệt 12,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi nghiệm thu, bàn giao đến nay, di tích Nhà tù Hòa Bình đã đi vào quên lãng.
Cuối tháng 4/2019, chúng tôi đến di tích Nhà tù Hòa Bình, sân trước cổng chính vào di tích có một cổng tạm và hàng rào làm bằng lưới B40 được khóa bằng 2 chiếc khóa dây, bên trong có một gara để xe ô tô qua đêm của Công ty CP tổ chức sự kiện Vân Du. Đi một vòng quanh khu di tích, chúng tôi thực sự day dứt, trăn trở bởi mọi ngóc ngách ở đây, từ sân, đường, nhà Ban quản lý đều được tận dụng để ăn, ở, sinh hoạt và là nơi chứa phương tiện, dụng cụ phục vụ cho việc tổ chức sự kiện của doanh nghiệp. Dọc theo lối đi vào nhà tù đầy lá rụng nhưng không ai quét dọn và có hàng chục tổ ong mật, xung quang cỏ dại mọc um tùm. Thực tế đó đủ cơ sở để khẳng định, dù đã được đầu tư tôn tạo nhưng di tích lịch sử cách mạng Nhà tù Hòa Bình không phát huy hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay.
Nằm ở phía sau Cung văn hóa tỉnh và sau nhà hàng cafe của Trung tâm giải trí Sao Mai là chiếc tàu chiến của thực dân Pháp bị quân và dân tỉnh Hòa Bình bắn cháy năm 1954 tại xã Hợp Thành (Kỳ Sơn). Việc đặt chiếc tàu chiến ở vị trí giống như "dấu kín” khiến giá trị lịch sử đánh dấu một trong những chiến công của quân và dân tỉnh ta trong kháng chiến chống Pháp trở nên vô nghĩa. Phản cảm hơn là trên nóc tàu hiện đang là chỗ chứa vật liệu xây dựng thải loại với những tấm tôn, thanh thép nằm ngổn ngang.
Địa điểm Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình tại xóm Trường Yên, xã Yên Mông, TP Hòa Bình được UBND tỉnh cấp Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2008. Năm 2012, UBND TP Hòa Bình đã triển khai việc tu bổ, tôn tạo di tích với tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh và thành phố với tổng diện tích trên 3.300 m2, bao gồm các hạng mục: Nhà hiệu bộ là nơi trưng bầy các hiện vật di tích, nhà giáo viên, bức phù điêu, bia đá khắc bút tích của Bác, hồ nước và một số hạng mục phụ trợ khác. Ngày 17/8/2017, công trình chính thức được khánh thành đưa vào sử dụng.
Theo ông Bạch Công Ngân ở xóm Trường Yên, người được Phòng VH-TT TP Hòa Bình ký hợp đồng trông coi khu di tích, sau lễ khánh thành, khu di tích đã đón 1 đoàn là cựu giáo viên, học sinh trường Trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình và 2 đoàn là giáo viên, học sinh tiểu học và THCS ở TP Hòa Bình về thăm quan, tìm hiểu. Mọi người đến đây đều rất hài lòng với quy mô đầu tư và giá trị, ý nghĩa của khu di tích. Tuy nhiên, để di tích phát huy hiệu quả, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân trong và ngoài tỉnh biết về một điểm đến mới trong giáo dục truyền thống. Việc tu bổ khu di tích cần được quan tâm thường xuyên, hiện một số cây cổ thụ đã chết chưa được thay thế. Hồ thả cá là nước tù đọng không được thay thế nên toàn bộ số cá thả trong lễ khánh thành đều đã chết hết. Mặt khác, cần có người thuyết minh, giới thiệu, hướng dẫn để du khách đến thăm quan hiểu rõ hơn ý nghĩa của các hiện vật và các hạng mục của khu di tích.
Mới chỉ điểm qua một số di tích và hiện vật lịch sử trên địa bàn TP Hòa Bình đã thấy những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý khiến các khu di tích và các hiện vật lịch sử chưa thực sự phát huy hiệu quả, thậm chí có di tích đã đi vào quên lãng. Thực trạng trên bao giờ được tháo gỡ? Xin nhường câu trả lời cho chính quyền TP Hòa Bình và Sở VH-TT&DL.
Đức Phượng
(HBĐT) - Thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, phong trào thể thao quần chúng xã Văn Sơn (Lạc Sơn) đã có những bước phát triển. Hàng năm, bên cạnh việc tổ chức các giải thể thao bóng chuyền, bóng đá, điền kinh…, xã chú trọng duy trì và gìn giữ các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, đánh mảng.