(HBĐT) - Từ ngày 26/4 - 26/5, tại Bảo tàng tỉnh Hưng Yên trưng bày chuyên đề "Di sản Văn hóa tiêu biểu dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình”. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019) và 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019). Đồng thời cũng là cơ hội để góp phần bảo tồn, gìn giữ và quảng bá những nét đẹp trong văn hóa dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đến với nhân dân tỉnh Hưng Yên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.


Hiện nay, dân tộc Mường có trên 1 triệu người cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Thanh Hóa, Phú Thọ, Sơn La, Nghệ An, Hà Nội… nhưng tập trung đông nhất là ở tỉnh Hòa Bình. Tại trưng bày chuyên đề "Di sản Văn hóa tiêu biểu dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình” có trên 400 tài liệu, hiện vật gốc khối, gốc hình và các tài liệu bổ trợ phản ánh những nét đặc trưng trong văn hóa người Mường của tỉnh. Những di sản văn hóa tiêu biểu như bộ sưu tập trống đồng cổ, chiêng Mường, gốm cổ trong mộ Mường, di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường…

Trong đó, bộ sưu tập trống đồng gồm những báu vật là biểu tượng của nền văn minh và văn hóa Việt Nam thời dựng nước. Tỉnh Hòa Bình phát hiện được trên 100 chiếc trống đồng, chủ yếu là trống loại II Herger. Loại trống này là tiêu biểu cho văn hóa bản sắc dân tộc Mường. Bộ sưu tập chiêng Mường với những hiện vật được coi là tinh túy nhất của nghệ thuật dân gian Mường. Chiêng Mường là vật thiêng, của báu đối với người Mường. Hiện nay, tỉnh ta còn hơn 5.000 chiêng cổ được lưu giữ chủ yếu trong nhân dân. Gốm cổ ở Hòa Bình cũng rất phong phú và đa dạng với nhiều hiện vật có giá trị như: bát, đĩa thời Lý; thạp gốm hoa nâu, ấm, âu thời Trần; bình vôi thời Lê… Hòa Bình có nhiều khu mộ Mường cổ nổi tiếng chứa đựng đồ gốm, đã được các nhà khoa học khai quật với số lượng lớn. Điển hình như khu mộ Mường cổ Đống Thếch (thuộc Mường Động, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi) của dòng họ Đinh, chôn cất vào thế kỷ thứ XVI - XVII, khai quật năm 1984. Mo Mường là tang ca trong tang lễ của người Mường, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan mang đậm chất sử thi và giàu ý nghĩa nhân văn. Mo là một nghi lễ quan trọng và thiêng liêng khi kết thúc vòng đời con người. Mo Mường Hòa Bình và nghệ thuật chiêng Mường là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Đông đảo học sinh và nhân dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thăm quan, tìm hiểu các tài liệu, hiện vật tiêu biểu của văn hóa Mường Hòa Bình.

Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: "Trưng bày chuyên đề Di sản Văn hóa tiêu biểu dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi được giới thiệu di sản văn hóa dân tộc Mường tại Hưng Yên - quê hương giàu bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng. Thông qua hoạt động này giúp nhân dân tỉnh Hưng Yên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung hiểu biết hơn về văn hóa dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, góp phần thúc đẩy sự đoàn kết các dân tộc”.

Bên cạnh việc tham quan, tìm hiểu về các tài liệu hiện vật, khách thăm quan còn được thưởng thức 36 món ăn đặc trưng của dân tộc Mường, trong đó không thể không kể đến rượu cần, rau đồ thập cẩm, măng đắng, cơm lam, thịt gà nướng mắc khén, thịt lợn gác bếp… Những món ăn này được nghệ nhân dân tộc Mường Bùi Thanh Bình - Giám đốc Bảo tàng di sản văn hóa Mường thực hiện và trình bày.

Anh Trần Văn Cương, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên cho biết: "Tôi rất vui khi được đến thăm quan trưng bày những di sản văn hóa tiêu biểu và thưởng thức các món ăn đặc trưng của dân tộc Mường. Những hiện vật được trưng bày giúp tôi được nhìn thấy tận mắt những cổ vật tưởng chừng chỉ được thấy trên sách, báo, truyền hình. Cùng với những bài thuyết minh, tôi phần nào hình dung ra được cuộc sống, những phong tục tập quán, đời sống văn hóa, văn nghệ của người dân tộc Mường của tỉnh Hòa Bình”.


Linh Nhật


Các tin khác


Hơn 1.000 nghệ nhân, nghệ sỹ tham gia giao lưu văn hóa Việt Nam-Lào

Chương trình tổ chức nhằm góp phần tăng cường và nâng cao sự hiểu biết, tình đoàn kết, hữu nghị và giao lưu văn hóa giữa các các tỉnh vùng biên giới Việt Nam-Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Huyện Tân Lạc:Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường

(HBĐT) -  Đồng chí Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng VH-TT huyện Tân Lạc cho biết: Để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tại các xã, thị trấn đã vận động phụ nữ, thanh niên và những người đam mê văn hóa Mường thành lập đội văn nghệ của xã, của xóm. Mọi người cùng đóng góp kinh phí để tập luyện, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương.

Lắng đọng “Huyền thoại một con đường”

Tối nay (9/5), tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Km số 0 đường Hồ Chí Minh (thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An), diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật, tri ân mang ý nghĩa sâu sắc.

Cảm xúc ẩn sau những bức tranh cổ động về Bác Hồ

Những ký ức của các hoạ sĩ vẽ tranh cổ động về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được chia sẻ trong triển lãm chuyên đề "Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động” (1969 - 2011), khai mạc sáng 10/5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Vang vọng hào khí Đông A

Hào hùng, bi tráng mà vẫn sâu lắng, đong đầy cảm xúc là những dư âm mà vở tuồngNhân Huệ Vươngđể lại trong lòng công chúng từ đêm tổng duyệt. Vở diễn là khúc tráng ca mang âm hưởng hào khí Đông A thời nhà Trần, vừa được Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng để tham dự Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2019 sắp diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa.

Hội Kiến trúc sư đề nghị giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa khi cải tạo Nhà thờ Bùi Chu

Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa có văn bản do Chủ tịch Hội, GS, TS, KTS Nguyễn Quốc Thông ký gửi UBND tỉnh Nam Định và Đức Giám mục Thomas Nguyễn Đình Hiệu đề nghị, khi cải tạo, không làm mất đi các giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng, từ cấu trúc tổng thể đến chi tiết kiến trúc vốn có của Nhà thờ Bùi Chu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục